Huyền thoại động Pa Thơm

Du lịch - Ngày đăng : 17:04, 21/01/2004

Mùa xuân hoa ban nở trắng khắp núi rừng Tây Bắc, chúng tôi tổ chức một chuyến du xuân tới động Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên. Từ thành phố Điện Biên Phủ, sau gần một tiếng đồng hồ, xe đã đưa chúng tôi tới chân động và sau 20 phút đi bộ là tới nơi. Khí hậu ở đây thật mát mẻ, trong lành. Nếu như ở Điện Biên mùa xuân trung bình là 32 độ C thì ở khu du lịch sinh thái động Pa Thơm chỉ 13 - 20 độ C. Chúng tôi hòa mình trong rừng cây, hoa lá, cảnh sắc thiên nhiên mà quên đi bao nỗi mệt nhọc, lo lắng của đời thường.

Thiếu nữ Tây Bắc

Mùa xuân hoa ban nở trắng khắp núi rừng Tây Bắc, chúng tôi tổ chức một chuyến du xuân tới động Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên. Từ thành phố Điện Biên Phủ, sau gần một tiếng đồng hồ, xe đã đưa chúng tôi tới chân động và sau 20 phút đi bộ là tới nơi. Khí hậu ở đây thật mát mẻ, trong lành. Nếu như ở Điện Biên mùa xuân trung bình là 32 độ C thì ở khu du lịch sinh thái động Pa Thơm chỉ 13 - 20 độ C. Chúng tôi hòa mình trong rừng cây, hoa lá, cảnh sắc thiên nhiên mà quên đi bao nỗi mệt nhọc, lo lắng của đời thường.

Thật thích thú được đứng ở cửa động nhìn xuống phía làng bản. Bên dưới là cả một biển mây trắng bồng bềnh, rồi như có phép lạ, trong một thoáng, trời đã quang, mây cũng tự nhiên biến mất, trước mắt là phong cảnh non nước bao la, cảm tưởng như ta đang đứng trong mây nhìn về phía hạ giới. Xa xa cánh đồng Mường Thanh trải màu xanh no ấm, những bản làng trù phú, những con suối nằm dưới con đường nhựaláng bóng ngoằn ngoèo.

Ngay cửa động Pa Thơm có một con voi bằng nhũ đá. Theo chuyện kể bản mường của các dân tộc Điện Biên thì: Mường Thanh còn gọi là Mường Trời, thuở đó Khun Bo Rom là con út của vua Then, được vua tin yêu cử xuống Mường Thanh dựng bản, dựng mường (tuy ở cõi trần, nhưng cũng được Then coi là cõi trời). Đoàn của Khun rất oai phong. Trên đường xuống hạ giới, Khun mặc áo giáp ngọc, giáp vàng lóe sáng và cưỡi voi thần màu trắng có đôi ngà cong vắt chéo, cùng ngồi trên mình voi với Khun là hai người vợ nhan sắc, các tể tướng nam nữ đi cùng, đem theo phương tiện sản xuất xuống khai phá đất hoang lập nghiệp.

Hai vợ hiền của Khun sinh được 7 người con trai khôi ngô tuấn tú. Khun mừng lắm. Khi các con khôn lớn, Khun cử chúng đi cai quản xây dựng các vùng đất mới ở Mường Thanh. Mường Thanh lúc này trở thành một mường rộng lớn có thế lực.

Từ cửa động vào trong hang chừng 20 mét, có hình một con trăn, đường kính 0,6 mét dài 15 mét, đứt làm 3 đoạn. Cũng theo truyền thuyết thì ngày xưa vào một ngày xuân nắng đẹp, có một chàng hoàng tử về Mường Thanh tìm vợ. Hoàng tử đi theo dòng Nậm Núa về phíatây nam, đến suối Kẻ Mớ đi lên chừng 1000 mét. Chàng sửng sốt trước cảnh đẹp kỳ thú của núi rừng và sắc đẹp của các nàng tiênđang trong giấc mộng của nắng xuân (nơi đây là bãi tắm của các nàng tiên). Hoàng tử ngắm nhìn từng nàng, khi đến nàng tiên thứ bảy, chàng đứng lại vuốt tay lên mái tóc vàng êm dịu, làm nàng tỉnh giấc. Chao ôi ! Đôi mắt của nàng đẹp như ánh sao, nhìn chàng âu yếu đắm say. Ngất ngây trước sắc đẹp của nàng, hoàng tử liền ngỏ lời xin cưới nàng làm vợ. Nàng tiên nhận lời và ra hẹn sau bảy ngày, bảy đêm và bảy phút, chàng sắm lễ vật đưa đến tạ ơn trời đất, tổ tiên rồi sẽ thành thân.

Hoàng tử vui sướng ra về, trong lòng tràn đầy niềm hạnh phúc. Thế rồi sự chờ đợi bảy ngày, bảy đêm, hoàng tử cảm thấy như bảy năm. Thời gian chỉ còn mộtphút, hoàng tử không kìm được lòng mình đã chạy đến ôm chầm lấy nàng tiên vào lòng và thốt lên: Ôi ! Tình yêu của ta đây rồi. Nàng tiên nhẹ nhàng đẩy chàng ra và nói: tình yêu của hai ta đã không thành vì chàng không giữ đúng lời hứa. Rồi nàng tiên bỏ chạy vào động, theo đường về trời.

Hoàng tử chạy theo, đến cửa động chàng gặp một con trăn thần chặn đường không cho vào. Cửa động có cây ớt quả chín đỏ, chàng nhanh trí hái ớt bóp nát ném vào mắt trăn và nhanh chóng chặt đứttrăn làm ba đoạn. Diệt được trăn thần, hoàng tử chạy vào đến nơi thì nàng tiên đã lên đến đỉnh núi. Buồn cho số phận, nàng nằm lại đó và ngủ thiếp đi, không trở về trời, từ đó có tên gọi dãy núi phía tây là Pú Nang Nòn (núi Nàng Ngủ). Còn hoàng tử đứng nhìn về cõi trời tiếc nuối rồi hóa đá, hồn bay về dãy núi phía đông nằm để suốt đời nhìn về dãy núi phía tây tên gọi là Pú Tạo Nòn (núi Chàng Ngủ). Cách nơi trăn thần nằm độ 5 mét rẽ trái đi vào một đoạn, bước xuống chín bậc đá có giường nằm, có rèm che và những mâm vàng, mâm bạc, ông tiên bằng nhũ đá dưới ánh sáng của ngọn nến lung linh sắc màu huyền ảo như ở chốn thần tiên. Phải chăng đây là sự chuẩn bị của nàng tiên để đón hoàng tử về cùng chung sống nhưng không thành.

Cảnh sắc trong động Pa Thơm để lại cho chúng tôi một ấn tượng tốt đẹp. Rời động xuống chân núi đến bãi tắm tiên, chúng tôi được đắm mình trong dòng nước mát trong xanh, bơi lội thật thỏa thích giữa khung cảnh của sông suối hữu tình. Từ bãi tắm theo đường mòn vào cánh rừng nguyên sinh, thật thích thú được nghe những âm vang mới lạ của tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót thánh thót, tiếng côn trùng và tiếng gió thổi rì rào... tất cả tạo thành một âm thanh bất tận giống như một bản nhạc không lời du dương. ở đây chúng tôi còn được chiêm ngưỡng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, các loại cây lấy gỗ, cây cổ thụ lâu năm, rồi cả một cánh rừng ban bạt ngàn đẹp mắt. Đặc biệt còn có nhiều loại thú rừng hoang dã, quý hiếm được ghi vào sổ đỏ như gà lôi, gấu, khỉ. Trên đường rời khỏi động, một ngôi nhà sàn đón du khách nghỉ ngơi trước khi đi thăm động nước. Đến nơi đây du khách được đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên hoang dã. Rừng nguyên sinh bao bọc, tiếng suối róc rách, tiếng chim muông ríu rít.

Chiều về, chúng tôi đến thăm bản văn hóa Sa Pa Lào, nghỉ qua đêm cùng thưởng thức các món ăn ẩm thực dân tộc Lào, được hòa mình trong điệu múa Lăm Vông và nghe những bài dân ca Lào bên ngọn lửa bập bùng. Sau cuộc vui, du khách được bà con đưa về nghỉ ở nhà sàn của các gia đình trong bản. Bà con dân tộc Lào ở Pa Thơm đón tiếp khách thật chân thành, tình cảm thật lưu luyến, một chuyến du lịch sinh thái tìm hiểu thắng cảnh động Pa Thơm trong ngày nghỉ cuối tuần thật sự bổ ích và có ý nghĩa.

HNM

TUANANH