Để giải quyết hợp lý vấn đề phí quản lý chung cư

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:05, 28/07/2011

(HNM) - Nhân đọc bài "Phí quản lý chung cư bao nhiêu là hợp lý?" đăng trên Báo Hànộimới ra ngày 21-7-2011, tôi thấy đúng là "mỗi nơi một giá"; "Ban quản trị chung cư chưa có thực quyền" (chưa nói nhiều nơi chưa thành lập ban quản trị hoặc có lập cũng chưa được công nhận, chưa kể có công nhận nhưng chưa có thực quyền) và "bao nhiêu là hợp lý" thì quả thật là khó xác định vì "thuận mua vừa bán" theo quy luật cung cầu và cơ chế thị trường. Ngoài ra cũng còn phụ thuộc vào quy mô nhà chung cư, có tầng hầm, tầng 1 phục vụ chung hay không...

Phí quản lý chung cư đang là vấn đề được nhiều người dân sống trong các khu đô thị mới đặc biệt quan tâm. Ảnh: Đàm Duy

Tuy nhiên, phí chung cư chỉ là phần hình thức, còn bản chất vấn đề phải là quyền của dân được bảo đảm hay chưa để dân tự quyết theo thỏa thuận (hoặc qua đấu thầu). Nếu thành phố có ban hành khung giá thì cũng chỉ là để tham khảo mà thôi bởi nếu có cũng rất khó thực hiện thống nhất vì so một chung cư 15 tầng với 20 tầng, dịch vụ vận hành chung cư tương tự nhau nhưng nơi đông dân chắc sẽ rẻ hơn; tương tự, khu đô thị quy mô lớn cũng khác quy mô nhỏ, chưa nói yêu cầu về chất lượng dịch vụ cũng khác nhau, buộc phải thỏa thuận. Quan trọng nhất vẫn là trả lại quyền cho dân khi đã mua nhà xong, đã đến ở bởi theo Luật Nhà ở, chủ đầu tư chỉ còn nghĩa vụ bảo hành theo hợp đồng mua bán như những loại hàng hóa có giá trị khác.

Phải thành lập ban quản trị nhà chung cư, công nhận sau 15 ngày có báo cáo như văn bản 08 của Bộ Xây dựng, phải bổ sung cho ban quản trị có tư cách pháp nhân nghĩa là phải thêm điều "có con dấu và được mở tài khoản". Chỉ có như vậy mới thực hiện được quyền và trách nhiệm của ban quản trị theo Luật Nhà ở là thu tiền, ký hợp đồng quản lý dịch vụ vận hành chung cư với các đơn vị có đủ năng lực và hủy hợp đồng nếu không làm đúng. Nghĩa là, ban quản trị được phép tổ chức đấu thầu, chọn đơn vị nào làm tốt nhất với giá hợp lý nhất. Hiện nay có nhà chung cư lập Hợp tác xã quản lý nhà theo mô hình của Thụy Điển, hoàn toàn do dân tự quyết, nên phí dịch vụ phù hợp, giải quyết được công ăn việc làm cho một số người dân tại chỗ có nhu cầu, lại còn dư tiền để nâng cấp cải tạo chung cư khang trang, đẹp đẽ.

Hiện nay đang có tình trạng một số khu đô thị mới được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch nhiều lần theo hướng có lợi cho chủ đầu tư, khiến nhiều khu dân cư thiếu các cơ sở hạ tầng cần thiết như trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, nơi vui chơi của trẻ em, nơi tập luyện của người cao tuổi, khu vườn hoa cây xanh tập trung, giao thông tĩnh... Người dân mong muốn thành lập hiệp hội các ban quản trị quản lý nhà chung cư để trao đổi kinh nghiệm tổ chức quản lý và tham mưu cho thành phố giải quyết những vấn đề phát sinh. Thiết nghĩ đây cũng là một hướng tổ chức cần có trước tình hình các khu đô thị mới đã và đang phát triển mạnh trên địa bàn Thủ đô.

Nguyễn Đức Thuần