Giải pháp nào giảm sự khác biệt?
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:51, 28/07/2011
Mức chênh rõ ràng
Điều ấy thể hiện rõ trên bảng điểm chuẩn vào lớp 10 THPT năm học 2011-2012 của hơn một trăm trường THPT công lập đã được Sở GD-ĐT Hà Nội công bố. Trong khi trường THPT Chu Văn An có mức điểm chuẩn cao nhất là 56 (tính ra mỗi môn HS phải đạt ít nhất 9 điểm), thì có tới 1/5 số trường THPT công lập tuyển HS có điểm xét tuyển dưới 30, thậm chí có trường chỉ có mức điểm chuẩn là 22.
Thí sinh và người nhà thí sinh xem kết quả trúng tuyển lớp 10 tại Trường THPT Chu Văn An. |
Bảng thống kê điểm thi từng môn của HS tại 29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua cũng cho thấy mức chênh về năng lực HS ở các khu vực. Cầu Giấy là đơn vị đứng cao nhất với mức điểm trung bình của hai bài thi Ngữ văn và Toán là 15,26 điểm, tiếp đến là Hai Bà Trưng - 14,48 điểm; Hoàng Mai - 13,78 điểm; Từ Liêm - 13,38 điểm… Tuy nhiên, mức điểm trung bình hai môn này của HS ở các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai chỉ đạt 9,69 điểm. Điều đó có nghĩa là điểm trung bình mỗi môn của từng HS ở khu vực này chỉ đạt chưa đầy 5 điểm. Phân tích kỹ dữ liệu điểm thi theo từng môn của HS các địa bàn thì, đơn cử như môn Toán, các quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình có trên 80% số bài thi đạt điểm trên trung bình; trong khi đó, tỷ lệ này ở Mê Linh, Chương Mỹ, Thường Tín và Mỹ Đức ở mức dưới 40%.
Nếu xếp theo thứ tự các đơn vị có điểm trung bình bài thi từ cao xuống thấp thì có tới 13/14 quận, huyện của khu vực Hà Nội cũ được xếp ở nửa trên. Nửa còn lại là các đơn vị thuộc địa bàn mới mở rộng. Điều ấy cho thấy vẫn còn có sự chênh lệch lớn giữa các trường thuộc khu vực Hà Nội cũ và địa bàn mới mở rộng.
Đâu là giải pháp bền vững?
Nâng cao chất lượng giáo dục nhằm giảm dần sự khác biệt giữa các trường ở địa bàn thuộc khu vực Hà Nội cũ và mới mở rộng địa giới hành chính là mục tiêu lâu dài của toàn ngành. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, để thực hiện mục tiêu ấy, Hà Nội có thuận lợi và khó khăn riêng, đòi hỏi phải có cách làm phù hợp. Với mặt bằng chất lượng giáo dục tương đối cao, nhưng lại chưa đồng đều ở các vùng, nhiệm vụ tiếp tục nâng chất lượng ở những đơn vị có bề dày truyền thống, vừa cải thiện điều kiện dạy - học ở những nơi còn khó khăn, rút ngắn dần khoảng cách giữa các đơn vị trung tâm với các huyện ngoại thành là việc không đơn giản. Vì thế, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, mỗi nơi có cách làm riêng. Cùng là tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nhằm bảo đảm chất lượng dạy - học nhưng các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, nâng dần tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn; còn ở các vùng kinh tế khó khăn thì mục tiêu đầu tư là xóa phòng học cấp 4, phòng học tạm, xây dựng thêm các phòng chức năng, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng và đạt chuẩn về trình độ đào tạo.
Để tạo diện mạo mới cho các nhà trường, TP Hà Nội đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xây mới, thay thế 5.755 phòng học tạm và bổ sung gần 1.000 phòng học còn thiếu. Ngoài ra, các trường còn được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cải thiện hệ thống chiếu sáng, công trình vệ sinh, nước sạch, các hạng mục phụ trợ, xây dựng thư viện…
Trong điều kiện hiện nay, giải pháp phát triển bền vững của toàn ngành là xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Theo thống kê sơ bộ, 100% giáo viên các cấp học, bậc học của Hà Nội đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn lên tới 92% ở tiểu học, gần 60% ở THCS. Nguồn kinh phí đào tạo bồi dưỡng trong năm 2011 là 15,75 tỷ đồng, tăng hơn 2,3 tỷ đồng so với năm trước. Tuy nhiên, để đội ngũ ấy đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới thì chỉ quan tâm đến trình độ đào tạo là chưa đủ, cần quan tâm bồi dưỡng giáo viên về năng lực sư phạm và tinh thần nhiệt huyết với nghề.
Theo lãnh đạo ngành, việc xây dựng chế độ, chính sách thu hút người tài; bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên về vùng khó khăn sẽ tiếp tục được triển khai để giảm dần sự khác biệt về chất lượng giáo dục giữa các nhà trường. Bài học từ Hoàn Kiếm cho thấy hiệu quả của những giải pháp nói trên. Ở quận này, công tác luân chuyển cán bộ quản lý, thực hiện phân cấp, giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng các trường THPT trong việc tuyển dụng giáo viên đã được thực hiện khá tốt và nhờ thế, áp lực tuyển sinh đầu cấp không còn đè nặng đối với nhiều trường, mục tiêu tuyển dụng được bảo đảm.
Những giải pháp nói trên được ngành GD-ĐT Hà Nội xác định thực hiện trong thời gian dài để tạo nên chất lượng bền vững, giảm dần sự khác biệt giữa các nhà trường, các khu vực.