Chuyến đi nghĩa tình

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:25, 28/07/2011

(HNM) - Không quên quá khứ nhưng cũng phải biết chăm lo cho tương lai, đó là ý nghĩa sâu sắc nhất mà những người CCB Báo Hànộimới (HNM) chúng tôi thu hoạch được trong chuyến về miền Trung tháng 7 này.

Ấm tình đồng đội

Giữa tháng 7 năm nay, Đoàn công tác Hội CCB và Quỹ Trái tim nhân ái Báo HNM lên đường vào miền Trung trao nhà tình nghĩa tặng thương binh và trao quà cho trẻ mầm non.

7h sáng xuất phát từ ngôi nhà 44 Lê Thái Tổ, xe trực chỉ phương Nam, về với miền Trung lam lũ nhưng kiên cường. Cũng trên con đường này 40 năm trước, vào mùa hè đầy trời hoa phượng và tiếng ve, tôi và những người bạn sinh viên xếp bút nghiên lên đường ra trận, trên môi còn bỏng nụ hôn của người bạn gái và kỷ niệm những đêm trăng tháng Năm. Những đêm hành quân dưới ánh đèn dù pháo sáng của địch, thứ ánh sáng ma quái chập chờn, chúng tôi đứa nào cũng nguyện đã ra đi thề quyết "chết xanh cỏ, sống đỏ ngực", bâng khuâng rạo rực tráng chí trai thời loạn. Nhiều người bạn tôi đã vĩnh viễn không về, giữ mãi tuổi hai mươi trinh trắng để bây giờ chỉ còn trong hoài niệm. Người còn sống biết làm gì để tri ân hơn một triệu liệt sĩ trên cả nước?

Trong ngôi nhà nghĩa tình vừa xây xong.

Từ quốc lộ 1 rẽ phải, theo đường 12 đi Đồng Lê khoảng dăm cây số, ven đường có tấm biển chỉ dẫn: Cầu Quảng Hải 2km. Quảng Hải, cái địa danh đã làm xót lòng đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài, nơi xảy ra vụ tai nạn đắm đò chiều 30 Tết hai năm trước khiến 42 người thiệt mạng, trong đó có rất nhiều trẻ em đang tuổi đến trường. Sau ngày xảy ra tai nạn, Nhà nước làm hai cây cầu mới nối xã cù lao giữa sông Gianh này với hai bờ đất liền, địa phương bắt đầu có đà phát triển. Lãnh đạo xã cho biết, Quảng Hải là xã khó khăn của huyện Quảng Trạch, cả xã có gần 3.000 dân, 10% là đồng bào công giáo, diện tích đất nông nghiệp chỉ có 170ha, bình quân đầu người chưa được hai sào đất ruộng, nhiều người phải bỏ quê đi làm ăn xa, dân ở nhà làm nông nghiệp là chính, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/ năm. Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 23 ra nghị quyết đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/năm, xem ra phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đạt được. Rất mừng là vụ đông xuân vừa thu hoạch được mùa to, năng suất trung bình gần 6 tấn/ha. Sau lụt, nhiều phù sa dồn về nên lúa tốt, âu cũng là quy luật bù trừ của thiên nhiên. Đặc biệt, Quảng Hải có truyền thống hiếu học, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt gần 100%, mỗi năm có khoảng chục em, riêng năm 2010 có 9 em thi đỗ vào đại học, cao đẳng. Xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 2002, Đảng bộ liên tục đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh. Đường lên no ấm của bà con chắc còn nhiều gian nan nhưng đã định hình.

Chúng tôi về Quảng Hải để làm lễ khánh thành, nghiệm thu, bàn giao nhà tình nghĩa tặng đồng chí Phan Xuân Hích, 70 tuổi, thương binh chống Mỹ hạng 3/4, lại mới bị đột quỵ, chân tay co quắp, đi lại khó khăn.

Dịp cuối năm 2010, nhờ nhà báo Cao Trường Sơn, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn Báo Quảng Bình làm cầu nối giới thiệu, tôi và anh Bùi Quốc Hội, Trưởng ban Công tác xã hội Báo HNM đã về Quảng Hải trao tiền nhờ UBND, Hội CCB xã xây nhà cho ông Hích. Ngày ấy vợ chồng ông sống trong ngôi nhà cấp 4 sắp đổ, ngấn nước trận lụt đầu năm còn hằn ngang trên nóc. Đi cùng chúng tôi là Bí thư Đảng ủy xã Trần Mạnh Hổ, cao hơn mét tám và Chủ tịch UBND xã Trần Xuân Thiện người đậm chắc. Cả hai đều là CCB, đều có thái độ thân mật, coi chúng tôi như người anh em xa về. Lạ một điều, cả hai đều có khuôn mặt, ánh nhìn buồn buồn, đều lặng lẽ, ít nói, có lẽ nỗi lo của những người đứng đầu một xã nghèo cả nước biết đến khiến các anh chưa vui được chăng? Hôm ấy, khi nhận cái phong bì đựng tiền, thương binh Hích chỉ thốt được đúng 3 từ nghẹn ngào trong nước mắt: "Tui khổ lắm", còn bà vợ, theo lãnh đạo xã cho biết thì bị tâm thần nhẹ, cứ nói liên hồi. Hôm ấy, chúng tôi đến trao cho ông Hích 45 triệu đồng, do những người CCB chúng tôi đóng góp, vận động và được Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tuấn Tú nhiệt tình hưởng ứng tài trợ, giúp ông xây nhà chống lũ. Anh Hổ, anh Thiện hứa sẽ vận động nhân dân địa phương, con cháu dòng tộc họ Phan đóng góp thêm kinh phí, quyết xây cho ông ngôi nhà vững chãi. Hôm nay, quả thật đoàn chúng tôi đều ngỡ ngàng trước ngôi nhà xây theo thiết kế vượt lũ, riêng phần móng đã cao mét rưỡi, tổng trị giá ba trăm triệu đồng. Lần này, người đồng đội già của chúng tôi cũng khóc, khóc nhiều hơn lần trước, nhưng ông khóc vì cảm động chứ không còn là tiếng nức nở tủi phận. Bí thư xã Trần Mạnh Hổ khẳng định, nếu không có số tiền tài trợ ban đầu của Hội CCB Báo HNM, xã không thể có đà vận động đủ tiền xây ngôi nhà đền ơn đáp nghĩa này.

Góp sức chăm lo mầm non nơi đất khó

Dịp này, chúng tôi còn về xã Quảng Thạch cùng huyện, nơi Quỹ Trái tim nhân ái Báo HNM đầu tư 40 triệu đồng giúp trường mầm non trung tâm xã cải tạo nhà ăn cho trẻ. Cách Đồng Hới hơn 60km, Quảng Thạch là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Trạch. Cả xã có 4.000 dân, chỉ có 83ha đất nông nghiệp, bình quân 9 thước ta/người, dân không có nghề phụ tiểu thủ công, chủ yếu làm ruộng lúa và trồng các loại cây công nghiệp tràm, bạch đàn... Thu nhập đầu người chỉ đạt 350.000 đồng/người/ tháng, tức là 4,2 triệu đồng/ người/năm. Con số nghe thật đắng lòng, thu nhập một tháng của bà con ở đây chỉ bằng tiền một tút thuốc lá. Đường trải xi măng vào Quảng Thạch rộng 5m, làm từ nguồn vốn Dự án 135, hai bên đường là những ruộng mạ non mướt, không gian thoảng mùi phân trâu bò, mùi khói rơm rạ. Con đường xi măng còn tốt, mặc dù làm trước ngày lũ nhiều năm. Nghe nói một phần nhờ cơ chế dân giám sát công trình mới được thế.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã là Chủ tịch Phan Thanh Sơn có dáng dấp trí thức, trông trẻ hơn tuổi 46 và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Văn Luân 55 tuổi, đen giòn, vẫn giữ được tác phong của một vị đại úy quân đội phục viên. Đau đáu trong câu chuyện của hai người lãnh đạo xã là nỗi nhọc nhằn, vất vả thiếu thốn đủ đường của người dân. Địa hình xã trải dài 16km, thôn xa nhất cách trung tâm xã 13km, trẻ em đến trường phải vượt đường rừng, dốc cao, suối sâu. Dân Quảng Thạch nuôi con học cấp 1 cũng gần như nuôi con học đại học, bởi ngay từ lớp 1, trẻ các thôn vùng xa heo hút đã phải trọ học, cuối tuần mới về với bố mẹ. Trong điều kiện như thế mà tỷ lệ trẻ ra trường trong độ tuổi đạt gần 100%. Rõ ràng nỗi khát chữ của người dân nơi đây thật mãnh liệt. Cả xã có 9 thôn thì mới có 3 trường cấp 1, một trường cấp 2, cháu nào học cấp 3 phải về huyện, xa 30km. Hệ thống trường mầm non của xã có 6 điểm trường. Gọi là trường cho oai, chứ phần lớn vẫn nhà tranh vách nứa.

Trường mầm non trung tâm xã khá khang trang, có nhà dạy, nhà bếp, sân chơi có đu quay, cầu trượt. Trước đây, trường chưa có nhà ăn cho trẻ. Đến bữa, trẻ xuống bếp nhận cơm, chạy qua sân về lớp. Hôm trời mưa thì bát cơm chan với nước trời. Từ khi được Báo HNM hỗ trợ 40 triệu đồng, xã làm được chỗ che nắng mưa, tạo chỗ ăn, chỗ chơi cho trẻ. Cô Hiệu trưởng Phan Thị Minh và hai cô Hiệu phó Phan Thị Hồng Thái, Lê Thị Liên tuổi chỉ trên dưới 40, cùng 26 cô nữa trông nom 250 cháu bán trú 2 buổi/ngày, có phòng phải tổ chức 2, 3 lớp mới đủ chỗ. Các cô khoe, "trước làm hợp đồng ăn lúa ăn khoai, năm nào mất mùa thì cô cũng mất thu nhập, hơn năm nay được tuyển vào biên chế, hưởng theo ngạch lương, hệ số thấp nhất cũng được 1,86". Cô Minh xót xa: "Dân xã em nghèo lắm, cha mẹ chỉ lo cho trẻ được 6 nghìn đồng tiền ăn một ngày, sáng các cháu nhịn đói đến lớp, chứ ngoài thị trấn Ba Đồn, trẻ ăn 9 nghìn đồng, đến lớp còn có túi bánh, hộp sữa mang theo". Đến khi mở thùng đồ chơi trao quà, các cô dẫn gần chục cháu ra, có cháu sợ người lạ, cứ khóc thét lên, giãy giụa đòi ra. Thế nhưng, nhìn các cháu đã nhận quà cứ bò rạp người dưới nền nhà chơi ô tô, máy bay, cả đoàn chúng tôi và mấy cán bộ địa phương đều rơm rớm nước mắt.

Không quên quá khứ nhưng cũng phải biết chăm lo cho tương lai, đó là ý nghĩa sâu sắc nhất mà những người CCB Báo HNM chúng tôi thu hoạch được trong chuyến về miền Trung tháng 7 này.

Quảng Bình, Hà Nội, tháng Bảy 2011

Năng Lực