Bài thơ tặng người em trai liệt sĩ
Văn hóa - Ngày đăng : 07:08, 27/07/2011
Tháng 11-1975, sau giải phóng Sài Gòn ít lâu, Báo Hànộimới, nơi tôi đang là phóng viên Ban Văn hóa - xã hội, đồng ý cho tôi được đi ba tháng sáng tác theo yêu cầu của Hội Nhà văn Việt Nam, với điều kiện là tôi phải thường xuyên gửi bài về cho báo.
Thế là lần đầu tôi được vào Sài Gòn và các tỉnh phía Nam bằng đường biển. Từ trên chiếc tàu đỗ ngoài khơi Vũng Tàu, nhìn vào thành phố biển sáng choang ánh điện, tôi bỗng nhớ da diết thằng em trai đã hy sinh. Chính em đã ngã xuống để hôm nay tôi có thể đạt được mơ ước thuở nhỏ của mình, là được đặt chân tới mọi miền của Tổ quốc. Và tôi đã trốn ra phía sau tàu, đứng khóc, khóc với lòng biết ơn vô hạn đối với những người con đã hy sinh cho đất nước, khóc vì xót xa thương đứa em trai bé bỏng hình như còn chưa biết yêu, chưa bao giờ cầm tay bạn gái, nay sẽ không thể trở về…
Trong chuyến đi lần ấy, tôi còn nhiều lần rơi nước mắt vì tưởng đã gặp lại em trai mình. Khi cùng nhà văn Mai Vui, nhà thơ Anh Thơ ra Côn Đảo, đúng như tôi đã viết trong bài thơ: "Tàu cặp bến, đã khuya - Chính em ùa ra đón - Quân hàm sao binh nhì…". Các chiến sĩ lội ra tận cầu tàu cầm tay dẫn chúng tôi lên bờ còn trẻ măng và nói đúng giọng Thủ đô, quân hàm binh nhì, binh nhất, như chính em trai tôi vậy.
Một tuần ở Côn Đảo, tôi rất thân với một chiến sĩ tên Việt. Em là cần vụ cho một trong các vị chỉ huy của đảo. Thấy em chăm chỉ, hết lau nhà lại nấu ăn, rồi giặt cả quần áo cho chỉ huy, tôi ngạc nhiên: "Chị tưởng bộ đội phải tự làm lấy những việc này chứ, sao em cứ làm tất cả thế?” Việt cười: "Em là cần vụ mà chị". Khi thấy tôi lau nước mắt, Việt ân cần: "Chị sao thế ạ? Em có sao đâu…". Tôi thú thật: "Em giống em trai của chị quá. Nó cũng bằng tuổi em, cũng là binh nhất nhưng đã hy sinh rồi. Ở nhà, nó cũng hiền và chăm lắm, lại chiều chị và em gái út vô cùng"… Từ hôm ấy, Việt càng săn sóc tôi hơn, cậu thường tìm lá chua me đất, lá bưởi, quả chanh... đưa, "để chị gội đầu". Vị chỉ huy của đảo cho biết, bộ đội ra tiếp quản Côn Đảo phần lớn là người Hà Nội, các em rất giỏi nhưng cũng rất nghịch. Báo tường phần lớn do các cậu Hà Nội làm, đá bóng hăng, lại chăm đọc sách và còn chịu khó "làm đẹp". Quần áo phát xong nhất định phải sửa lại cho vừa, tóc ngắn nhưng bao giờ cũng được tỉa tót cẩn thận… Tôi ngồi nghe, xa xót nhớ em trai!
Trong chuyến đi ấy, tôi còn đến các vùng kinh tế mới, các công trường, nhiều vùng nông thôn… Ở đâu tôi cũng thấy lại em trai mình qua những gương mặt bộ đội trẻ măng. Đau đáu trong lòng tôi là niềm thương nhớ và biết ơn em trai cùng đồng đội của em đã ngã xuống trong cuộc chiến giành lại hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Và tôi đã viết "Em tôi" sau chuyến đi đầu tiên vào miền Nam năm 1975-1976 ấy: "Với mọi người, em tôi/Không còn tên còn tuổi/Đài liệt sĩ vô danh/Nấm mồ chung cỏ xanh/Nhưng riêng tôi vẫn gặp/Giữa biển xa đèo cao/Trên bao gương mặt trẻ/Đứa em trai thuở nào/Nó sống cùng đồng đội/Vĩnh viễn tuổi hai mươi/Tôi gọi tên em mãi/Giữa núi sông ngàn đời"…