Hàng Việt đã có chỗ đứng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:54, 27/07/2011

(HNM) - 55 tỷ đồng là số tiền hỗ trợ xúc tiến thương mại quốc gia năm 2011 nhằm thực hiện mục tiêu đưa hàng hóa về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và các địa phương còn khó khăn trên cả nước.

Với 1.000 doanh nghiệp (DN) tham gia 50 đợt bán hàng về nông thôn, 5.000 DN tham gia bán hàng tại 50 hội chợ triển lãm và ngành chức năng xử lý hơn 79.000 vụ buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, kinh doanh trái phép... đó là kết quả trong 6 tháng đầu năm nay về thực hiện cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn cả nước.


Chọn mua bút bi Thiên Long tại Siêu thị Big C.  Ảnh: Khánh Nguyên

Một trong những kết quả nổi bật của việc thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong những tháng đầu năm nay là số lượng DN tham gia hưởng ứng ngày càng tăng. Hằng tháng, các DN đều tổ chức đưa hàng về nông thôn, những vùng xa, biên giới, hải đảo khá đều. 6 tháng đầu năm, cả nước đã có 1.000 DN tham gia 50 đợt bán hàng về các địa chỉ nói trên, 5.000 DN tham gia bán hàng tại các hội chợ triển lãm... Số lượng người dân tham quan, mua hàng Việt cũng tăng đáng kể. Doanh thu của các DN cũng đạt những con số kỷ lục. Đặc biệt, lực lượng liên ngành đã xử lý hơn 79.000 vụ buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... Kết quả này, đã có sự hỗ trợ quan trọng của người tiêu dùng. Và như vậy, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng trong lòng người Việt. Song các nhà sản xuất cũng cần phải nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng và giá các loại sản phẩm.

Riêng ở Hà Nội, Ban chỉ đạo CVĐ đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, trong đó tổ chức được 53 điểm bán hàng giảm giá với sự tham gia của 23 DN. Ngoài ra, Hà Nội còn triển khai "Tuần bán hàng vì người tiêu dùng" và tổ chức 398 điểm bán hàng bình ổn giá cùng nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Đặc biệt, năm nay tổng mức vốn TP cấp cho các DN tạm ứng để dự trữ và bán hàng bình ổn các mặt hàng là 475 tỷ đồng, tăng 75 tỷ đồng so với năm trước. Đến hết tháng 6-2011, Hà Nội đã cấp vốn đợt 1 cho 11 DN, với tổng số tiền hơn 319 tỷ đồng nhằm dự trữ hàng phục vụ bình ổn giá, đạt hơn 67% tổng mức vốn cả năm. Tính đến nay, đã có 13 phiên chợ bán hàng Việt được tổ chức ở các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Đan Phượng, Mê Linh, Sóc Sơn; 1 phiên chợ bán hàng Việt tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa; 8 chuyến hàng lưu động tại các huyện Thường Tín, Thanh Trì, Từ Liêm, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm. Các DN tham gia chương trình bình ổn giá, như Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã chủ động huy động thêm vốn để dự trữ hàng hóa thiết yếu. Các trung tâm thương mại và siêu thị như Metro, BigC, Fivimart… cũng thu mua dự trữ hàng hóa, số lượng gấp 2-3 lần so với các tháng bình thường nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, nhất là trong các dịp lễ, tết. Công tác thanh, kiểm tra nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa, giá các loại sản phẩm bán ra thị trường cũng được kiểm soát. Đến nay, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra phát hiện hơn 1.500 vụ vi phạm, xử lý hơn 1.400 vụ hàng hóa không bảo đảm, thu 1,4 tỷ đồng tiền phạt... nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như các DN sản xuất và kinh doanh chân chính.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng mừng, nhưng sản phẩm, hàng hóa trong nước sản xuất vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Sản xuất các sản phẩm công nghiệp hóa chất mới đáp ứng được 73% nhu cầu của người tiêu dùng, phân bón: 70%, các sản phẩm xăng dầu: 37,3%, thép: 41,3%, vải may mặc: 30%, giấy: 59,3%, thuốc chữa bệnh: 48,4%... Để CVĐ tiếp tục đạt hiệu quả, các địa phương cần tập trung khắc phục những hạn chế. Trong đó, các giải pháp thực hiện còn chung chung, theo "thời vụ". Việc đôn đốc của một số ban chỉ đạo CVĐ ở địa phương còn lúng túng; kinh phí và điều kiện phục vụ việc triển khai CVĐ còn hạn hẹp... Các ngành chức năng đều mong muốn Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xây dựng và sớm hoàn thiện quy phạm pháp luật, cơ chế hỗ trợ DN, tôn vinh DN; tăng cường giao lưu giữa các ngành để nắm bắt và khắc phục kịp thời những tồn tại. Các cơ quan quản lý nhà nước công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá sản phẩm hàng hóa Việt Nam sản xuất và hàng nhập ngoại, nhất là các sản phẩm hàng hóa liên quan trực tiếp đến cuộc sống để người tiêu dùng lựa chọn.

Khánh Linh