4/5 điểm nóng chưa được xử lý
Đời sống - Ngày đăng : 06:48, 27/07/2011
Sau các đợt ra quân rầm rộ thì vi phạm lại tái diễn. Trao đổi với PV, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Phạm Văn Hiền, Trưởng đoàn kiểm tra vi phạm đê điều và PCLB ở một số tỉnh phía bắc (trong đó có Hà Nội) khẳng định, ở một số nơi trên địa bàn TP Hà Nội, việc thực hiện xử lý vi phạm Luật Đê điều vẫn chưa nghiêm túc.
- Xin ông cho biết về tình hình vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB trên địa bàn Hà Nội hiện nay?
- Do nhiều nguyên nhân mà một số quận, huyện vẫn để xảy ra các vi phạm như xây lò gạch, nhà xưởng, đổ phế thải ra bãi sông, mép sông; lấn ra lòng sông để làm bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng; xây dựng nhà cửa, lều quán trong hành lang bảo vệ đê; tập kết vật liệu và chất thải trên mái đê, mặt đê… Nhiều hành vi cố tình, thậm chí một số địa phương, cơ quan còn cho phép thực hiện các hoạt động không đúng thẩm quyền đã khiến các vụ vi phạm ngày càng nghiêm trọng.
- Từ sau khi có kết luận kiểm tra của Bộ NN&PTNT năm 2010, đến thời điểm này TP Hà Nội đã xử lý được bao nhiêu vụ vi phạm?
- Trước tình hình vi phạm đê điều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến công tác PCLB, năm 2010, Đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra vi phạm và kết luận Hà Nội có 5 điểm "nóng" vi phạm nghiêm trọng pháp luật đê điều và PCLB. Bộ đã có văn bản đôn đốc TP Hà Nội thực hiện nội dung kết luận. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kết quả rất hạn chế, vẫn tồn tại 4/5 điểm "nóng" về tình hình vi phạm chưa được xử lý dứt điểm, gồm vi phạm về hành lang bảo vệ đê, xây dựng nhà, công trình trong hành lang thoát lũ khu vực quận Hai Bà Trưng; tập kết, trung chuyển và kinh doanh vật liệu với khối lượng lớn khu vực thượng, hạ lưu cầu Thăng Long; xây dựng lò gạch trên bãi sông địa bàn huyện Phú Xuyên; đổ phế thải ra bãi sông, mép sông, lấn ra lòng sông để làm bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng khu vực cầu Thanh Trì. Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2011, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã chủ động phát hiện và đề nghị xử lý 202 vụ vi phạm, nhưng do chưa kiên quyết nên mới chỉ xử lý được 7 vụ.
- Kết quả giải quyết vi phạm đạt thấp, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
- Trước tiên phải nói đến ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận dân cư, một số doanh nghiệp còn hạn chế, vì lợi ích cục bộ nên đã cố tình vi phạm. Chính quyền địa phương không xử lý triệt để ngay từ khi mới phát sinh vi phạm; một số nơi buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết trong ngăn chặn, xử lý và cưỡng chế vi phạm. Đáng nói, sự phối hợp giữa chính quyền và các ngành liên quan chưa chặt chẽ, còn đùn đẩy trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khách quan như do lịch sử để lại, trong quá trình nâng cấp và cải tạo đê xảy ra hiện tượng "đê lấn nhà dân"; nhiều địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho dân đến sát chân đê...
- TP Hà Nội đang trong thời kỳ cao điểm triển khai kế hoạch xử lý vi phạm đê điều trên địa bàn toàn thành phố, ông có đề xuất, kiến nghị gì?
- Theo tôi, trách nhiệm của chính quyền cơ sở là đầu mối quan trọng tháo gỡ nút thắt xử lý vi phạm. Vì vậy, trước mắt cũng như lâu dài, các cấp chính quyền cần nghiêm túc chỉ đạo cơ quan chức năng kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm nghiêm trọng tại các điểm xung yếu ảnh hưởng đến an toàn đê, hành lang thoát lũ và tăng cường phát hiện ngăn chặn, xử lý những vi phạm mới. Ngoài ra, cần kiện toàn ban chỉ huy PCLB các cấp, phân công nhiệm vụ, quy rõ trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; tổ chức thường trực trực ban để tham mưu, điều hành công tác PCLB kịp thời, chính xác; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong PCLB, chống vi phạm, tái lấn chiếm đê điều đến cộng đồng dân cư, các tổ chức và cá nhân.
- Xin cảm ơn ông!
Hà Nội có khoảng 20 tuyến đê chính với tổng chiều dài 470km, hiện đang tồn tại hàng nghìn vụ vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB. UBND TP đã ban hành Quyết định số 2097/QĐ-UBND ngày 10-5-2011 ban hành kế hoạch xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội trong thời gian từ ngày 25-5-2011 đến 25-7-2011. Tuy nhiên, cho tới nay, đã gần hết đợt ra quân, việc xử lý vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Trước tình hình này, các cơ quan chức năng của Hà Nội đang xem xét việc gia hạn thời gian xử lý vi phạm. |