Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội

Chính trị - Ngày đăng : 06:36, 27/07/2011

(HNM) - Năm 2008 khi mở rộng địa giới hành chính, TP Hà Nội là địa phương có nhiều đối tượng chính sách nhất trong cả nước với 800.000 đối tượng, trong đó có 71.136 liệt sĩ, 30.245 thương binh, 13.017 bệnh binh.

Đối tượng đông, địa bàn rộng nhưng không vì thế mà công tác giải quyết chế độ chính sách bị chậm trễ mà ngược lại, ngoài tính chính xác, chi trả đúng đối tượng, những cán bộ chính sách của Bộ Tư lệnh Thủ đô luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân bởi thái độ ân cần, lịch sự…

Lắng nghe và thấu hiểu

Chuyện vui buồn trong việc chi trả chế độ chính sách có rất nhiều, nhất là đối với các trường hợp bị mất giấy tờ gốc. Trong những trường hợp này, đòi hỏi cán bộ chính sách có tâm, đặt mình vào vị trí của người đi làm chế độ để thông cảm và chia sẻ với những phức tạp, vất vả mà đối tượng và người nhà họ phải vượt qua. Phương châm làm việc của cán bộ chính sách từ Bộ Tư lệnh Thủ đô đến các ban chỉ huy quân sự các quận, huyện là ngoài việc nắm vững các chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội, cần phải biết "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu" để tìm hiểu ngọn ngành, phân tích cho đúng từng trường hợp. Thượng tá Nguyễn Đức Sinh, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Khi thực hiện việc giải quyết chế độ cho các đối tượng theo Quyết định 142 của Chính phủ về giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng nhập ngũ trước ngày 30-4-1975 và tham gia quân đội dưới 20 năm công tác quận chúng tôi đã gặp không ít phức tạp. Khó khăn điển hình là nhiều hồ sơ bị mất giấy tờ gốc hoặc không đồng nhất. Cơ quan quân sự phải cử cán bộ về tận cơ sở để đôn đốc, phối hợp tìm hướng giải quyết và tham mưu cho các phường cách giải quyết cụ thể. Với phương châm thực hiện song song, có nghĩa là hồ sơ hợp lệ sẽ trình lên trên để thẩm định và tiến hành cùng lúc với việc giải quyết các hồ sơ còn vướng mắc, bởi vậy, sau 3 năm thực hiện, quận Hoàn Kiếm đã có 1.096 trường hợp được hưởng trợ cấp theo Quyết định 142 và được Bộ Tư lệnh Thủ đô đánh giá là một trong những đơn vị làm tốt".

Khó khăn mà cán bộ chính sách của quận Hoàn Kiếm gặp phải cũng là khó khăn chung của các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô khi bắt tay vào thực hiện giải quyết chế độ theo Quyết định 142. Từ năm 2008, khi bắt đầu triển khai thực hiện chi trả chế độ theo quyết định này, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã nhận được trên 200 đơn thư của người dân hỏi, kiến nghị về việc chi trả chính sách. Mỗi lần nhận được đơn thư, cán bộ chính sách thêm một lần trăn trở, bố trí cán bộ đi xác minh cẩn thận, dù phải đi lại nhiều lần vất vả vì nếu lơ là, không thấu đáo có thể mãi mãi đối tượng sẽ không được hưởng quyền lợi. Hiểu, chia sẻ và thông cảm với hoàn cảnh của gia đình thân nhân không chỉ thể hiện nghĩa tình đồng đội mà còn là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Quân đội. Việc tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn giúp người dân hiểu rõ và tin tưởng vào chính sách hậu phương quân đội, tích cực động viên con cháu, người thân thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ…

Nhiều phần việc ý nghĩa


Với tấm lòng biết ơn những gia đình có công với cách mạng, trong nhiều năm qua, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" luôn được lãnh đạo thành phố Hà Nội quan tâm và ngày càng phát triển sâu rộng. Đại tá Đoàn Văn Miêng, Trưởng phòng Chính sách, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết: "Là đơn vị trực tiếp làm công tác chính sách đối với người có công với cách mạng, ngoài việc bảo đảm đầy đủ các chế độ của nhà nước đối với đối tượng chính sách, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã duy trì đều đặn việc phối hợp với các bệnh viện quân đội đóng quân trên địa bàn trong việc thăm, khám bệnh cho các đối tượng chính sách". Điều này thể hiện ở con số 30.000 đối tượng chính sách toàn TP mỗi năm được khám bệnh, tư vấn và cấp thuốc miễn phí. Phong trào tặng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội được duy trì và phát huy với phương châm xã hội hóa đang góp phần đáng kể giúp các hộ chính sách có khó khăn về nhà ở cải thiện cuộc sống. Tiêu biểu là việc thực hiện Quyết định 142 của Chính phủ về giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng nhập ngũ trước 30-4-1975 và tham gia quân đội dưới 20 năm công tác, Hà Nội đã thực hiện một cách bài bản. TP đã có 101.000 người được hưởng chế độ này, sau 17 lần tổ chức chi trả đã có 73.952 đối tượng được nhận tiền với tổng số tiền lên đến 420 tỷ đồng. Hay như việc giải quyết chế độ 290, trợ cấp cho dân quân, du kích tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cách làm bài bản, chu đáo, TP đã có trên 10.000 cựu dân quân, du kích được hưởng chế độ... Ngay trong tháng 7 này, tháng tri ân các anh hùng, liệt sỹ, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã cùng các bệnh viện quân đội đóng quân trên địa bàn khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 4.000 đối tượng chính sách. Cũng trong dịp này, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã khởi công xây dựng 15 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách…

Những việc làm thiết thực, thấm đượm đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của CBCS Bộ Tư lệnh Thủ đô đã góp phần động viên các gia đình chính sách tin tưởng vào chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước và giúp họ vơi bớt nỗi đau mất mát, từng bước ổn định cuộc sống về vật chất, tinh thần vươn lên cùng cộng đồng xây dựng quê hương.

Nguyên Hoa