Giữ giá trị nhân văn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 27/07/2011
Và cũng trong những ngày này, nhiều gia đình vẫn đau đáu nỗi niềm tìm người thân đã hy sinh trong những cuộc kháng chiến cứu nước, giành độc lập dân tộc. Hàng chục vạn liệt sĩ của chúng ta hiện vẫn đang phải nằm đâu đó trên dải đất hình chữ S mà vì nhiều lý do nên chưa thể về yên nghỉ ở quê hương bản quán. Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn nằm lại nơi chiến trường xưa luôn là mong mỏi, khát vọng của đồng đội và thân nhân liệt sĩ. Đây cũng là việc làm được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta đặc biệt coi trọng. Đó là việc làm thiết thực tri ân liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu chính đáng đó, thời gian qua đã xuất hiện hàng loạt nhà ngoại cảm cùng sự ra đời của các cơ sở, trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ. Và hoạt động này đã trở nên phức tạp, nhiều nơi bị lợi dụng, biến tướng, trực tiếp ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự
ở nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Hà... Lấy ví dụ, riêng tại địa bàn huyện Nam Đàn (Nghệ An), ngoài 5 cơ sở tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng phương pháp tâm linh còn có tới 15 điểm tự xưng là trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ... Vì nhu cầu lớn nên không ít thân nhân, gia đình liệt sĩ từ các nơi đổ về, vậy là hàng loạt các loại dịch vụ "ăn theo" ra đời như bán đồ vàng mã, hoa quả, trông giữ xe, hàng quán ăn uống, mở nhà trọ... Thậm chí một số nơi xuất hiện hiện tượng mê tín dị đoan, thương mại hóa việc tìm kiếm mộ liệt sĩ.
Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác, Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý (Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, Liên hiệp Các hội KH&KT Việt Nam) cho biết, hiện theo danh sách ông có thì số nhà ngoại cảm tìm mộ khoảng 300 người nhưng thực chất trong đó chỉ 13 người có khả năng thực sự và là cộng tác viên của bộ môn Cận tâm lý. Nhiều nhà khoa học khác cũng cho rằng, những nhà ngoại cảm thực sự rất ít và họ cũng chỉ có khả năng đặc biệt trong thời gian ngắn. Như vậy đang tồn tại không ít nhà ngoại cảm... tự xưng, chưa được kiểm chứng và "giám định" về khả năng chuyên môn. Do đó, ý kiến chung của đa số các nhà khoa học, cơ quan an ninh thuộc Bộ Công an và chính quyền sở tại là phải quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở, trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ để tránh tình trạng lợi dụng hoạt động này tư lợi, làm ăn phi pháp, tuyên truyền mê tín dị đoan. Trên thực tế đã có những trường hợp thân nhân, gia đình liệt sĩ bị lừa đảo, làm tiền, thậm chí có người rơi vào tình trạng hoang mang, hoảng loạn tinh thần... Song cho đến nay, có thể thấy công tác quản lý hoạt động của các cơ sở, trung tâm nêu trên vẫn rất bị động, không có bài bản, thiếu những hướng dẫn, quy định cụ thể của các ngành có liên quan.
Mới đây, tại tỉnh Hòa Bình, Bộ LĐ, TB&XH đã tổ chức hội thảo về đề án "Xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin". Đây là một đề án được dư luận xã hội đánh giá cao khi việc tìm mộ, xác định những thông tin liên quan tới hài cốt liệt sỹ thông qua những quy trình, phương pháp khoa học mà điển hình là việc giám định gen (ADN). Dự kiến Nhà nước sẽ đầu tư kinh phí hàng trăm tỷ đồng để thực hiện đề án này. Việc đưa các nhà ngoại cảm chân chính phối hợp cùng thực hiện đề án cũng được cân nhắc thận trọng... Tất cả đều hướng đến mục đích giúp thân nhân, gia đình các liệt sĩ xác định chính xác danh tính và những thông tin liên quan. Bên cạnh đó, khi đề án này chính thức triển khai sẽ giúp cho công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được thực hiện quy mô, bài bản, khoa học, thể hiện rõ giá trị nhân văn và truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.