Ý tưởng cải tạo cầu Long Biên: Táo bạo, nhưng có khả thi?

Xã hội - Ngày đăng : 06:28, 27/07/2011

(HNM) -Ý tưởng cải tạo cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử cận đại dài nhất thế giới do bà Nguyễn Nga, người hai lần tổ chức Festival cầu Long Biên đề xuất nhận được ý kiến nhiều chiều. Với khoản kinh phí dự trù lên tới 4.860 tỷ đồng, dự án táo bạo này có tính khả thi hay chỉ là kết quả từ sự lãng mạn của người yêu nghệ thuật?

Từ ý tưởng táo bạo…
Cầu Long Biên, cây cầu lịch sử bắc ngang sông Hồng từ lâu đã đi vào tiềm thức của người dân Thủ đô. Hàng chục năm nay, khi Hà Nội đã có nhiều cây cầu mới bắc qua sông Hồng và sứ mệnh giao thông đối với cầu Long Biên không còn nặng nề như trước nữa, người ta bắt đầu tranh luận về việc nên đối xử với cầu Long Biên như thế nào. Đã có nhiều ý tưởng, nhưng chưa có gì được xây dựng cụ thể, táo bạo như đề án biến cây cầu thành bảo tàng lịch sử cận đại của bà Nguyễn Nga và cộng sự.

Phác thảo cầu Long Biên được cải tạo thành bảo tàng nghệ thuật đương đại.


Theo đề án, cây cầu sẽ được nâng cao để tàu thuyền đi lại; được nới rộng và được gắn pháo trên những nhịp cũ để giữ lại ký ức một thời hào hùng của lịch sử dân tộc. Đường ray ở chính giữa sẽ dành riêng cho các hoạt động văn hóa sáng tạo. Những nhịp cầu sẽ được bao phủ bởi những tấm kính trong suốt và một không gian lớn sẽ được dành để triển lãm mô hình tàu hỏa chạy bằng hơi nước, các toa tàu cổ trở thành quán cà phê, nhà hàng. Khu bãi giữa sông Hồng sẽ được đắp cao, xây kè thành công viên tự nhiên với làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải... Bên bờ Bắc, về phía Gia Lâm sẽ dựng tháp Sen - bảo tàng nghệ thuật đương đại có hình dáng bông hoa sen đang hé nở - loài hoa sắp trở thành "Quốc hoa" Việt Nam.

Chủ nhân của đề án này nuôi tham vọng xây dựng tuyến phố đi bộ xanh mang tên "Đại lộ hòa bình", xuất phát từ Nhà hát Lớn, qua Vườn hoa Lý Thái Tổ tới phố Hàng Ngang, Hàng Đào… đến Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cầu Long Biên. Trên lộ trình này, tháp nước Hàng Đậu sẽ được cải tạo thành bảo tàng, giới thiệu các bộ sưu tập cổ vật thể hiện giá trị văn hóa của người Việt, trở thành điểm dừng chân hấp dẫn.

Bà Nguyễn Nga cho biết, thời gian thực hiện dự án khoảng 10 năm với mức đầu tư ước tính khoảng 4.860 tỷ đồng.

… đến thực tế lãng mạn
Đây không phải là lần đầu tiên bà Nguyễn Nga thể hiện tình yêu Hà Nội thông qua những ý tưởng dựa trên cây cầu Long Biên lịch sử. Nhưng ở đây, lần này, sau những kỳ tổ chức Festival cầu Long Biên, điều đáng bàn là tính khả thi của "siêu" dự án này. Nhiều người cho đây là dự án hay, táo bạo, có thể triển khai, nhưng cũng có không ít người nhận xét là viển vông, không thực tế. TS Nguyễn Quang, đại diện Tổ chức Định cư, con người của Liên hợp quốc đánh giá: "Đây là một sáng kiến quan trọng, bởi nó làm thay đổi tư duy, từ tư duy mang tính quy hoạch cứng nhắc sang tư duy quản lý". PGS. TS Nguyễn Thị Vinh, nguyên giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: "Đề án này khai thác tối đa cơ sở vật chất hiện có, từ khoảng không gian dưới gầm cầu cho tới tháp nước, thân cầu, bãi giữa… Vấn đề còn lại chỉ là biến ý tưởng thành hiện thực"… Về nguồn kinh phí thực hiện, một vấn đề gây quan ngại, bà Nguyễn Nga tiết lộ: "Chính phủ Pháp sẽ tài trợ 80 triệu euro cho việc cải tạo cầu Long Biên nếu Việt Nam đưa ra một phương án cải tạo hợp lý; nếu có được điều đó thì dự án đã có khoảng gần 50% kinh phí, phần còn lại sẽ huy động xã hội hóa".

Tuy vậy, không phải ai cũng tán đồng ý tưởng nói trên. KTS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận xét: "Số tiền 4.860 tỷ đồng để thực hiện dự án khiến bất kỳ ai cũng phải giật mình, nhưng điều quan trọng là nội dung của dự án khó thuyết phục được giới chuyên môn ở nhiều khía cạnh. Cầu Long Biên, bản thân nó đã là hiện vật gắn với lịch sử thăng trầm của Thủ đô Hà Nội, vì thế đừng tìm cách "bảo tàng hóa" cây cầu, đừng biến nó trở thành một nơi để chứa đựng những hiện vật khác mà nếu không tính toán kỹ, cầu Long Biên sẽ chẳng khác nào một đại siêu thị". Hoài nghi về tính khả thi của dự án, dư luận cũng đặt câu hỏi: "Vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính của cầu Long Biên sẽ còn gì khi cây cầu trăm tuổi khoác lên mình bộ áo bằng kính bóng lộn?". Chưa hết, mô hình tháp Sen cũng bị cư dân mạng nghi ngờ là bắt chước mẫu kiến trúc của Trung tâm Văn hóa Jean - Marie Tjibaou do một KTS người Italia thiết kế…

Ý tưởng mới, đặc biệt là ý tưởng có liên quan đến một công trình "nhạy cảm" như cầu Long Biên, nhận được ý kiến trái chiều là tất yếu. Với dự án cải tạo cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử cận đài dài nhất thế giới, tính khả thi thế nào khi khoản kinh phí rất lớn hầu như phụ thuộc vào sự hảo tâm trong bối cảnh ảm đạm về kinh tế như hiện nay? Sự lãng mạn có bảo đảm cho một dự án khổng lồ, đòi hỏi tính liên ngành, thành công? Việc bảo tồn sẽ được thực hiện thế nào nếu cầu Long Biên gánh chịu sự can thiệp quá lớn và như người ta lo ngại, trở thành đại siêu thị?

Minh Ngọc