Ra mắt bộ sách “Từ chiến trường khu 5” – nhật ký, ghi chép về chiến trường của nhà văn Phan Tứ

Văn hóa - Ngày đăng : 18:05, 26/07/2011

(HNMO)- Sáng 26/7, Bộ VH,TT&DL, Nhà xuất bản Văn học và gia đình nhà văn Phan Tứ đã chính thức giới thiệu bộ nhật ký và ghi chép của cố nhà văn Phan Tứ mang tên “Từ chiến trường khu 5”.



(HNMO)- Sáng 26/7, Bộ VH,TT&DL, Nhà xuất bản Văn học và gia đình nhà văn Phan Tứ đã chính thức giới thiệu bộ nhật ký và ghi chép của cố nhà văn Phan Tứ mang tên “Từ chiến trường khu 5”.

Có thể nói đây là cuốn sử liệu vô cùng quý giá bởi vì đây là bộ sách được biên tập từ 7000 trang nhật ký, ghi chép của Nhà văn Phan Tứ từ tháng 7/1961 khi ông rời Hà Nội vào chiến trường khu 5 và kết thúc vào cuối năm 1975 sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Bộ sách gồm 3 tập với hơn 2.500 trang, được chọn lọc rút ra từ hàng nghìn trang bản thảo ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh vô cùng gian khổ và nhọc nhằn đó.

Sách mở đầu từ lúc nhà văn Phan Tứ rời Ban Tuyên huấn khu 5 để về đồng bằng, mở ra vùng giải phóng đầu tiên Tứ Mỹ (Nam Kỳ). Kết thúc sách là lúc nhà văn chấm dứt hành trình hai tháng rưỡi đi bộ gian khổ trên đường mòn Hồ Chí Minh tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình và về Hà Nội sau 5 ngày đêm đi xe tải dưới bom đạn. Bộ sách là một tác phẩm đồ sộ, quy mô, sống động hiện thực của nhà văn Phan Tứ, nó không chỉ mang tính lịch sử, văn hóa, đúc kết chiến tranh mà còn mang đậm chất sử thi, đem đến cho bạn đọc những hình dung rõ nét về cuộc sống chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn từ Quảng Nam tới Quảng Bình trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Nhà văn Phan Tứ (tức Lê Khâm) (sinh 20/12/1930 – mất 17/4/1995), là một nhà văn xuất sắc viết về đề tài chiến tranh giải phóng đất nước. Sự nghiệp cầm bút của ông là một gia tài đồ sộ với hàng loạt tác phẩm giàu lý tưởng, mang đậm vẻ đẹp cách mạng đã in sâu vào tâm thức bạn đọc qua biết bao thế hệ như: Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng, Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi, Người cùng quê… Với những đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là dòng văn học cách mạng, nhà văn Phan Tứ đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.

Theo ông Nguyễn Văn Cừ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học cho biết: “Nhà văn Phan Tứ là một nhà văn xuất sắc viết về đề tài chiến tranh giải phóng đất nước. Bộ sách “Từ chiến trường khu 5” là cuốn sách được xuất bản dựa theo những ghi chép hết sức tỉ mỉ, chân thực và sinh động về cuộc sống, chiến đấu từ những diễn biến sự việc, con người và những cảnh vật của chiến trường khu 5. Đặc biệt, cuốn ghi chép được nhà văn Phan Tứ viết bằng cả 3 thứ tiếng Pháp, Lào và tiếng Nga để đảm bảo bí mật nếu không may bị rơi vào tay địch.

Ông Nguyễn Văn Cừ, cũng cho biết thêm, trong cuốn ghi chép này, cố nhà văn Phan Tứ đã dành những trang sách ấm áp viết về người phụ nữ. Ở đó, ông thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với nỗi khó khăn bội phần của người phụ nữ trong bom rơi lửa đạn. Ngoài ra, nhà văn còn như người làm công tác địch vận tài giỏi khi ông đi sâu khai thác tù binh Mỹ, đối thoại và khiến họ phải tâm phục khẩu phục và suy nghĩ về hành động của mình…

“Từ chiến trường khu 5” đã thể hiện sức làm việc phi thường của nhà văn Phan Tứ, ông đã viết trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn của những ngày dài đói cơm lạt muối, trong sự hành hạ của cơn sốt rét rừng, dưới làn mưa bom bão đạn với sự càn quét, phục kích của quân thù trong khi đôi mắt ông bị cận thị nặng và bàn tay, cột sống bị bệnh khớp hành hạ. Bộ sách này của ông cho những thế hệ hậu sinh thấy được cuộc chiến đấu khốc liệt và vĩ đại, có nỗi đau chiến tranh, nỗi đau da cam. Bộ sách cũng sẽ góp thêm một tiếng nói đanh thép tố cáo chiến tranh, lên án tội ác và kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hướng về những nạn nhân của chiến tranh.

Tuyết Minh