Vấn đề thiết thực, cấp bách

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 26/07/2011

(HNM) - Lợi thế quan trọng nhất để CNH-HĐH đất nước là tài nguyên thiên nhiên và con người, nói một cách khác là nguồn nhân lực - điều này hoàn toàn đúng.


Nhưng cũng trong quá trình CNH-HĐH đất nước, chúng ta đã nhận ra một thực tế là tài nguyên thiên nhiên của đất nước ta không quá dồi dào, nguồn nhân lực của nước ta đang trong thời kỳ vàng nhưng không phải không có những hạn chế, nhiều khi những hạn chế đó là rất lớn.

Càng ngày, càng nhận ra rằng lao động Việt Nam vừa thừa vừa thiếu, thừa lao động phổ thông nhưng thiếu lao động có chất lượng cao, thừa lao động cơ bắp nhưng rất thiếu lao động chuyên môn hẹp chẳng hạn như rất thiếu lao động có tay nghề cao, giỏi ngoại ngữ, kỷ luật lao động tốt. Những đợt tuyển chọn lao động ra nước ngoài; các phiên chợ việc làm và ngay những hạn chế trong chương trình đào tạo tay nghề cho 1 triệu thanh niên nông thôn mỗi năm hiện nay là thí dụ điển hình của tình trạng này. Giá lao động ngày một tăng trong khi chất lượng lao động không tương xứng đang là thách thức không nhỏ ở nhiều lĩnh vực kinh tế.

Nhận rõ những thách thức này, tuần qua, lần đầu tiên Chính phủ đã thông qua Quy hoạch về chiến lược phát triển nhân lực từ nay đến năm 2020, trong đó phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối phối hợp điều hành phát triển nhân lực; xác định cụ thể số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề cho từng ngành kinh tế và 63 địa phương cấp tỉnh và thành phố, các vùng kinh tế. Trên cơ sở quy hoạch này, các ngành, đơn vị, địa phương sẽ xây dựng quy hoạch nhân lực của mình, nhằm khắc phục tình trạng thiếu một chương trình dài hạn để rồi mạnh ai nấy làm như lâu nay. Đó là một chuyển biến rất đáng kể trong nhận thức về điều hành và quản lý đất nước trong quá trình phát triển.

Điều quyết định để quy hoạch này đi vào cuộc sống là sự thống nhất giữa các cấp, các ngành và địa phương. Lao động là hàng hóa nhưng lao động cũng là con người với những mối quan hệ xã hội, rất phức tạp. Muốn có nhân lực chất lượng cao, người lao động phải được đào tạo và được sử dụng đúng nghề đào tạo ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (mới chỉ có 63% học sinh, sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ… được làm việc đúng ngành nghề); đồng thời phải được giáo dục thường xuyên về đạo đức công dân và kỷ luật lao động và được nâng cao đời sống vật chất và văn hóa về y tế, bảo hiểm xã hội, thể thao, hưởng thụ văn học - nghệ thuật, nghỉ ngơi giải trí… Nghĩa là phải có sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội, không loại trừ cấp, ngành, địa phương nào. Trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người được Chính phủ phân công chỉ đạo dự thảo quy hoạch này đã nêu thí dụ: Để nâng cao nhân lực quản lý văn hóa Tây Nguyên cần có ở đây một trường đại học thay cho việc chỉ có một trường cao đẳng cho cả 5 tỉnh như hiện nay. Nhưng có lập thêm trường đại học không, lập một trường đại học chung cho cả vùng hay 5 trường cho 5 tỉnh là một vấn đề rất lớn, động đến nhiều ngành, nhiều địa phương.

Phát triển nhân lực chất lượng cao là vấn đề thiết thực và rất cấp bách. Hướng đã có rồi. Vấn đề là phối hợp hành động.

Vũ Duy Thông