Dancesport hút khách nhờ 'Bước nhảy hoàn vũ'

Xã hội - Ngày đăng : 16:08, 25/07/2011

Sau cuộc thi 'Bước nhảy hoàn vũ', hàng trăm bạn trẻ ở Hà Nội rủ nhau đi học khiêu vũ khiến môn thể thao này trở thành mốt trên thị trường.


Thấy dáng ngày càng bị "xổ" kể khi sinh cô con gái đầu lòng, chị Thanh Nga (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) rậm rịch lên kế hoạch học khiêu vũ để lấy lại "form" chuẩn từ thời con gái. Chị vừa dứt lời khoe với chồng, thì cô con gái 10 tuổi cũng í ới xin đi học nhảy để giống "các cô hoàn vũ".

Hai mẹ con rồng rắn đưa nhau đăng ký tại trung tâm gần nhà. Lớp học khác nhau song, chị Nga khá yên tâm vì đăng ký vào tầm chiều muộn, sau khi đi làm về có thể đón con.

Chi phí học nhảy mỗi lớp dao động từ 200.000 đến 350.000 đồng cho 8 buổi. Các lớp đông nhất là tango, rumba, cha cha, samba, waltz, salsa...với thời gian từ 1 đến 2 tiếng. Giờ tập thường là chiều muộn từ 17h đến 21h, trong đó ca 18h được coi là giờ "vàng", chị em đến tập đông nhất.

"Các bà mẹ tiện sau giờ làm đón con đến trung tâm học nhảy luôn nên ca 18h thường là đông khách nhất", chị Nga lý giải.

Sau cuộc thi 'Bước nhảy hoàn vũ', hàng trăm bạn trẻ rủ nhau đi học khiêu vũ khiến môn thể thao này trở thành mốt trên thị trường. Ảnh: Thanh Hoa


Tại Hà Nội có khoảng 120 phòng tập nhảy ở các trung tâm văn hóa quận, nhà thể chất trường học, câu lạc bộ... Mỗi lớp có từ 20-30 học viên song kể từ khi có cuộc thi nhảy trên truyền hình, số học viên tăng mạnh. Phần lớn người đăng ký học là dân văn phòng, sinh viên và trẻ em từ 4 tuổi đến 5 tuổi. Giáo viên của các lớp học này thường là những vận động viên từng đoạt giải tại các cuộc thi khiêu vũ.

Chị Nguyễn Thanh Vân (sinh viên Đại học Ngoại thương) cho hay, ở trường chị, khiêu vũ được xếp vào môn học bắt buộc. Lúc đầu chị không có hứng thú với môn nhảy nhưng sau khi xem các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình "Bước nhảy hoàn vũ", chị Vân dần yêu thích môn học này. Thêm vào đó, học viên trong lớp trở thành bạn nhảy của nhau, cùng giúp nhau tiến bộ nên không khí rất vui vẻ thoải mái.

"Tôi thích điệu waltz vì điệu nhảy này mềm mại, uyển chuyển rất hợp với phụ nữ. Học nhảy vừa giữ dáng, lại vừa khỏe nên tôi sẽ theo lâu dài môn thể thao này", chị Vân cho biết.

Anh Chí Anh, kiện tướng dancesport, đồng thời là giám khảo của cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ” cho hay, anh đã mở lớp từ rất lâu nhưng chưa bao giờ thấy học viên đông đến vậy. Anh cho biết, ngay sau khi "Bước nhảy hoàn vũ" phát sóng, lượng học viên đăng ký tăng lên 50%, số đông là các bạn trẻ. "Không thể mở thêm lớp vì tôi không có nhiều thời gian. Dù nhiều người đề nghị tăng giờ, tách lớp song tôi đành phải ghép lớp", anh cho hay.

Đại diện Câu lạc bộ Khiêu vũ thể thao ở Hoàng Cầu cũng chia sẻ, từ sau chương trình "Bước nhảy hoàn vũ" phát sóng, số lượng học viên tăng lên khoảng 30%, đồng nghĩa với việc doanh thu của câu lạc bộ cũng tăng lên đáng kể. Còn ở Câu lạc bộ Họa Mi, mỗi thứ bảy, chủ nhật, có tới 100 em nhỏ đến học.

Các câu lạc bộ cho hay, vào những dịp cuối tuần, số lượng học viên tăng gấp 2, 3 lần ngày thường. Lớp quá đông, trung tâm buộc phải tách để đảm bảo chất lượng song giá tiền vẫn giữ nguyên, dao động từ 20.000- 40.000 đồng mỗi buổi.

Chi phí học nhảy cho mỗi lớp dao động từ 200.000 đến 350.000 đồng cho 8 buổi học.


Mỗi trung tâm đều có những phòng tập riêng với giá 50.000 đồng mỗi người. Khi không phải giờ cao điểm như buổi sáng, chiều, học viên có thể đăng ký lớp. Đối tượng tập giờ này chủ yếu là học sinh, sinh viên không vướng bận giờ làm muốn tập thêm để nâng cao kỹ năng.

Ngoài giờ học chính vào buổi chiều, trung tâm còn mở các buổi giao lưu để phát hiện ra những "mầm ươm khiêu vũ". Tại những cuộc thi này, các lớp sẽ được giao lưu với nhau để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Phần thưởng là trang phục nhảy, vé may đồ nhảy miễn phí và các khóa học nâng cao.

Ngoài việc đầu tư học nhảy, các học viên có thể đầu tư thêm các trang phục nhảy. Những cửa hàng may đo trang phục loại này cũng không còn vắng vẻ như trước. Giá mỗi bộ váy nữ của trẻ con cũng như người lớn khoảng từ 1 triệu đến 5 triệu đồng tùy loại vài và tùy kiểu dáng.

Thanh Hoa