Vàng vẫn được coi là "thiên đường đầu tư an toàn"
Kinh tế - Ngày đăng : 07:53, 25/07/2011
Sau khi chạm đỉnh, giá vàng có những phiên trồi sụt tiếp theo, nhưng vẫn đứng vững ở các mức giá cao khi các nhà đầu tư lại đẩy mạnh mua vào trở lại (dù với số lượng không nhiều), sau khi thấy giá vàng rời khỏi ngưỡng cao kỷ lục trên 1.600 USD/ounce.
Nhận định về việc giá vàng nhanh chóng lùi khỏi ngưỡng cao 1.610 USD/ounce, Peter Fung, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của Công ty Wing Fung Precious Metals có trụ sở ở Hong Kong, cho rằng một số nhà đầu tư đã tranh thủ bán chốt lời sau khi nhận thấy đàm phán về trần nợ công của Mỹ có một số dấu hiệu tiến triển.
Ngay cả trong phiên cuối tuần ngày 22/7, giá vàng vẫn vững ở mức dưới 1.600 USD/ounce trên thị trường châu Á sau khi tình hình nợ công tại Hy Lạp nói riêng và khu vực Eurozone nói chung đã phần nào được giải quyết sau cuộc họp thượng đỉnh bất thường các nhà lãnh đạo Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ngày 21/7 tại Brussels (Bỉ).
Còn trong phiên cùng ngày trên thị trường London và New York, giá vàng thậm chí còn tăng 1%, bất chấp việc các lãnh đạo và các nhà tín dụng tư nhân châu Âu đã nhất trí cung cấp cho Hy Lạp gói giải cứu mới trị giá 159 tỷ euro (229 tỷ USD).
Khép lại phiên cuối tuần 22/7 trên sàn giao dịch kim loại New York, giá vàng chốt phiên ở mức 1.602,76 USD/ounce so với 1.591,50 USD/ounce của cuối tuần trước đó.
Còn trên thị trường vàng bạc London, giá vàng chốt phiên cuối tuần 22/7 ở mức 1.602 USD/ounce so với 1.587 USD/ounce của cuối tuần trước đó.
Như vậy là tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng hơn 12%, trong đó riêng từ đầu tháng 7/2011 tới nay, giá vàng đã tăng khoảng 6%.
Trong báo cáo 6 tháng đầu năm về thị trường vàng do Reuters công bố cuối tuần qua, phần lớn các chuyên gia phân tích dự báo giá vàng có thể xoay quanh trên, dưới mức trung bình 1.500 USD/ounce trong năm nay, do các nhân tố cơ bản giúp vàng trở thành kênh đầu tư an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vẫn rất mạnh.
Các nhân tố đó bao gồm nỗi lo ngại dai dẳng về vấn đề nợ công ở cả hai bờ Đại Tây Dương, là sự suy yếu của đồng USD - hệ quả của chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), và nhu cầu vàng ngày càng gia tăng từ các nền kinh tế mới nổi cũng như từ các ngân hàng trung ương các nước.
Nhà phân tích hàng hóa Peter Buchanan thuộc CIBC World Markets có trụ sở tại Toronto (Canađa), cho rằng: "Ngay cả khi Quốc hội và Chính phủ Mỹ đạt được thoả thuận về trần nợ công của Mỹ, thì những bất ổn gần đây trên thị trường tài chính thế giới vẫn có thể khiến ngân hàng trung ương các nước tiếp tục mua vàng nhằm đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ của họ."
Theo báo cáo trên, khi dự báo về giá vàng trong năm 2012, các chuyên gia vẫn cho rằng kim loại sẽ tiếp tục tăng lên mức trung bình 1.575 USD/ounce và sẽ tiếp tục là năm thứ 12 liên tiếp vàng tăng giá.
Trong khi đó, theo Hội đồng Vàng thế giới, lần đầu tiên trong 21 năm qua, các ngân hàng trung ương đã trở thành những nhà mua vàng ròng trong năm 2010, khi các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi gia tăng nguồn dự trữ ngoại tệ bằng vàng.
Trong vòng gần 3 năm tính đến tháng 6/2011 - bao gồm giai đoạn diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, kho vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã tăng thêm hơn 900 tấn, trong khi 3 năm trước đó (tính đến tháng 9/2008), lượng vàng dự trữ này bị giảm tới 1.283,6 tấn, do các ngân hàng bán ra.
Những lo ngại về lạm phát gia tăng tại các thị truờng lớn như Trung Quốc, cũng là nhân tố hỗ trợ cho xu hướng đi lên của giá vàng - vốn là loại hàng hóa được coi như một tài sản cất giữ an toàn trong thời buổi lạm phát phi mã./.