EU siết chặt quy định xử lý rác thải hạt nhân: Đích đến còn dài

Thế giới - Ngày đăng : 07:08, 25/07/2011

(HNM) - Ngày 19-7, Liên minh châu Âu (EU) đã ra chỉ thị mới siết chặt quy định về xử lý rác thải hạt nhân, theo đó áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt với hoạt động xuất khẩu loại chất thải này ra khỏi biên giới EU.

Động thái này được xem như một thành tựu lớn về an toàn hạt nhân tại châu Âu vì sau nhiều năm có những phản ứng yếu ớt, đây là lần đầu tiên "ngôi nhà 27 thành viên" ra quyết định dứt khoát về vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để thực sự kiểm soát triệt để được rác thải hạt nhân, EU còn rất nhiều việc phải làm.

Bốn tháng sau khi xảy ra thảm họa tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) chỉ thị này được đưa ra và kỳ vọng là biện pháp dung hòa cuộc tranh cãi giữa hai luồng quan điểm trái ngược về năng lượng hạt nhân tại Cựu lục địa suốt một tháng qua. Đặc biệt là từ khi Đức trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố khai tử điện hạt nhân để theo đuổi công nghệ sản xuất năng lượng sạch.

Sau nhiều năm tranh cãi, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được biện pháp thuyết phục về xử lý chất thải hạt nhân.


Hiện tại, EU có 143 lò phản ứng hạt nhân ở 14 nước thành viên, nhưng hầu hết các quốc gia vẫn chưa có cơ sở chứa rác thải hạt nhân. Theo kế hoạch, đến năm 2015, chính phủ các nước EU sẽ phải công bố kế hoạch xử lý rác thải từ các lò phản ứng hạt nhân cũng như các nguồn khác như sản xuất điện, y tế, nghiên cứu, công nghiệp và nông nghiệp. Các chính phủ cũng phải ấn định thời gian biểu xây dựng các cơ sở chứa rác thải hạt nhân. Thông tin về nhiên liệu đã qua sử dụng và quản lý chất thải phóng xạ phải được công bố trong dân chúng; đồng thời người dân ở những vùng gần các cơ sở chứa rác thải phải được tham gia quá trình hoạch định chính sách liên quan. Chỉ thị mới vẫn cho phép các nước EU xuất khẩu chất thải phóng xạ, nhưng phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt hơn và chỉ được đưa đến những nước có địa điểm chôn cất sâu dưới lòng đất. EU cấm xuất khẩu chất thải phóng xạ sang châu Phi, các nước ở vùng Caribe, Thái Bình Dương và Nam cực.

Quyết định này là bước tiến mới trong lộ trình tăng cường an toàn năng lượng nguyên tử của EU. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đến nay liên minh này vẫn chưa thực sự thoát khỏi những lúng túng liên quan tới biện pháp xử lý chất thải hạt nhân dù số nước đã có kế hoạch xây dựng các khu vực tiêu hủy loại "rác" đặc biệt nguy hiểm này như Phần Lan sẽ đưa khu vực xử lý chất thải hạt nhân đi vào hoạt động trong năm 2020, Thụy Điển là 2023 và Pháp là 2025. Theo các nhà khoa học, chất thải hạt nhân còn độ phóng xạ cao có thể phải mất hàng triệu năm mới phân hủy hết. Trong khi đó, ước tính, mỗi năm châu Âu sản xuất khoảng 7.000m3 chất thải hạt nhân. Thế nhưng, cuộc tranh cãi suốt nhiều năm qua của giới chuyên gia nguyên tử về bài toán rác thải phóng xạ vẫn chưa đưa đến phương án nào thực sự thuyết phục.

Hiện tại, một trong những phương pháp tiêu hủy được ủng hộ là thủy tinh hóa chất thải hạt nhân. Theo đó, các chất thải hạt nhân sẽ được hòa tan trong thủy tinh hóa lỏng. Hỗn hợp thủy tinh - chất thải hạt nhân này sẽ được đổ vào các hộp kim loại và chôn sâu dưới lòng đất. Thủy tinh sau đó sẽ đông đặc và giữ các chất thải độc hại trong đó. Phương án này có thể an toàn trong vài thập kỷ, thậm chí vài thế kỷ, song không ai dám bảo đảm rằng, sau hàng nghìn năm, dưới sự tác động của quá trình kiến tạo địa chất, lượng phóng xạ còn lại từ đám rác thải này lại không phát tán ra ngoài và tàn phá nghiêm trọng môi trường khu vực.

Quỳnh Chi