Nhận diện rủi ro để định hướng phát triển
Xã hội - Ngày đăng : 06:59, 25/07/2011
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần nhận dạng rủi ro thiên tai để đề xuất việc định hướng lại phát triển KT-XH của mỗi quốc gia, đặc biệt là đầu tư công nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra liên tục gia tăng
Ở Việt Nam, trong 20 năm, từ năm 1989 đến năm 2010, tất cả các loại hình thiên tai có xu hướng xảy ra ngày càng nhiều và thiệt hại cũng gia tăng. Báo cáo GAR11 chỉ rõ, xu hướng thiệt hại do thiên tai gây ra trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng những năm gần đây có chiều hướng tăng về kinh tế và giảm số người tử vong. Thống kê cho thấy, tỷ trọng GDP của toàn thế giới có nguy cơ bị ảnh hưởng do bão đã tăng từ 4,13% vào năm 1970 lên 4,47% năm 2010, trong khi giá trị tuyệt đối đã tăng ba lần, tới 1,5 nghìn tỷ USD. Sự gia tăng rủi ro thiệt hại kinh tế liên quan tới bão là cao nhất, ở các nước thu nhập cao tỷ lệ này lên đến 262% và luôn đe dọa những nước có thu nhập thấp như Việt Nam. Theo thống kê hằng năm, thiên tai ở Việt Nam đã làm chết và mất tích trung bình 450 người và thiệt hại kinh tế ước tính từ 1,2% đến 1,5% GDP (riêng năm 2010 thiệt hại khoảng 3,6 tỷ USD). Dù vậy, cũng có thông tin đáng mừng là thiệt hại về con người đã giảm dần.
Hằng năm, thiên tai ở Việt Nam làm thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 1,5% GDP. Trong ảnh: Cơn bão số 9 năm 2009 gây ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng. Ảnh: Xuân Quang |
Tuy nhiên có thêm một thông tin mới rất đáng lo ngại: Theo một chỉ số đánh giá mới đây nhất, tính dễ bị tổn thương với tác động của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới, Việt Nam đứng thứ 13 trong 170 quốc gia và là một trong 16 quốc gia nằm trong danh sách "đặc biệt rủi ro". Một phân tích khác của GAR11 cũng cho thấy, ở Việt Nam do đa số dân cư sống tại các lưu vực sông và các khu vực ven biển nên ước tính có khoảng 70% dân số phải chịu rủi ro từ nhiều loại hiểm họa tự nhiên như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán... Cùng với đó là sự gia tăng dân số kết hợp với phát triển KT-XH, đô thị hóa nhanh chóng gây áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu cũng làm tăng mức độ rủi ro và dễ bị tổn thương.
Dựa vào sức mạnh cộng đồng
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cho rằng, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, bên cạnh sự cố gắng của Chính phủ, từng người dân cũng cần phải xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cho riêng mình. Hiện các bộ ngành, địa phương đã và đang tổ chức thực hiện chương trình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Mục tiêu hướng đến là năm 2020 sẽ thực hiện trong phạm vi 6.000 xã dễ bị tổn thương với tổng mức kinh phí 53,5 triệu USD. Chương trình sẽ đào tạo các giáo viên ở cấp tỉnh làm nhiệm vụ tập huấn kỹ năng giảm nhẹ thiên tai cho người dân. Giáo trình đã được biên soạn xong. Ngoài ra, khung pháp lý cũng từng bước được hoàn thiện như đã phê duyệt chương trình phòng chống giảm nhẹ thiên tai; Luật Đê điều; những nghị định liên quan đến an toàn hồ đập và từ nay đến cuối năm sẽ trình Chính phủ Luật Phòng tránh giảm nhẹ thiên tai... Theo ông Barnaby Jones, Phó Giám đốc UNDP tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã nhận định được các rủi ro thiên tai mà Việt Nam đang gặp phải và có hành động cần thiết để ứng phó. Chính phủ đặc biệt tập trung vào công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, ông Barnaby Jones cũng cảnh báo, theo đà tăng trưởng và phát triển, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với thách thức mới do thiên tai gây ra.
Báo cáo GAR11 nhấn mạnh đến việc phải tính toán những thiệt hại, mất mát cũng như các ảnh hưởng của thiên tai một cách hệ thống và phải có đánh giá toàn diện về rủi ro thiên tai. Trên cơ sở này, báo cáo đề xuất mô hình quản trị rủi ro mới, bao gồm việc áp dụng chính sách hiện tại và quản lý rủi ro thiên tai thông qua việc lập kế hoạch đầu tư công và bảo trợ xã hội. Sự phối hợp sáng tạo giữa xã hội dân sự và các cấp chính quyền trung ương và địa phương cũng đem lại kết quả trong việc giảm thiểu rủi ro. Cải cách thể chế và pháp lý cho hoạt động quản lý rủi ro thiên tai cũng như phát triển KT-XH là vấn đề thiết yếu nếu các quốc gia muốn thành công trong việc giải quyết các nguyên nhân rủi ro tiềm ẩn.