Một chút lơ là, cả đời ân hận
Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 25/07/2011
Quan hệ gia đình lỏng lẻo
Nghiên cứu của PGS-TS Phan Thị Mai Hương, Viện Tâm lý học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đối với 160 thanh niên nghiện ma túy (TNNMT) cho thấy họ có cảm nhận tương đối tiêu cực về cách ứng xử của cha mẹ đối với mình. Hơn 70% cho rằng họ không được cha mẹ yêu thương, cảm thấy cô độc trong chính gia đình mình.
Sự quan tâm và cách thức giáo dục của cha mẹ sẽ giúp con cái có những hoạt động lành mạnh và sống tích cực. Ảnh: Khánh Nguyên |
Quan hệ hòa thuận của cha mẹ giúp cho cuộc sống tình cảm của con cái được cân bằng. Tuy nhiên, trong mẫu nghiên cứu, 63,4% số người được hỏi nhận thấy cha mẹ họ rất dễ bực mình vì những chuyện không đâu, 58,3% chứng kiến sự cãi vã của cha mẹ mình. Nhiều người nhận xét rằng cha mẹ họ ít khi tâm sự và khó thông cảm với nhau. Gần một nửa số người được hỏi cho rằng cha (mẹ) họ coi việc kiếm tiền là quan trọng hơn cả và trong mắt đa số TNNMT, hình ảnh người cha của công việc rõ ràng hơn người cha trong gia đình. Hơn 65% TNNMT cảm thấy khó gần gũi với cha, hay có sự xung đột với cha và cho rằng họ không nhận được sự quan tâm như mong muốn. Hình ảnh người mẹ trong mắt TNNMT gần với mẫu người hướng về gia đình nhưng lại quá hiền lành, không có tiếng nói quyết định.
Những điều diễn ra trong gia đình, tưởng chừng là nhỏ, dễ bị bỏ qua hóa ra lại có sức tác động mạnh mẽ đến tâm lý của người trẻ. Số liệu điều tra cho thấy trong gia đình TNNMT ít có sinh hoạt chung, các thành viên ít có dịp đoàn tụ, ít tâm sự với nhau. Sự cách biệt giữa các thành viên là một trong những điểm nổi bật trong mô hình gia đình của TNNMT, điều đó khiến họ không coi gia đình là tổ ấm đúng nghĩa, dễ có cảm giác không thoải mái trong chính gia đình mình.
Thiếu hiểu biết, quản lý kém
Nhiều TNNMT bức xúc khi cảm thấy cha mẹ không đánh giá đúng ưu điểm của họ. Chỉ số tin cậy thấp đến mức có đến 67,7% TNNMT cho rằng cha mẹ sẽ rất ngạc nhiên nếu họ làm được điều gì đó tốt đẹp; thậm chí có tới 49,1% cảm nhận rằng cha mẹ coi họ là những kẻ vô tích sự, không làm nổi trò trống gì. Đó thực sự là mối họa gia đình bởi đặc điểm nhân cách nổi bật của TNNMT là có xu hướng đánh giá cao bản thân mình hơn thực tế; trong khi đó, họ lại không nhận được những đánh giá tương thích từ phía cha mẹ. Theo các chuyên gia tâm lý, đó có thể là một trong những lý do khiến họ chuyển hướng chứng minh bản thân bằng cách dùng ma túy.
Lý do gia đình đưa đẩy thanh niên đến với ma túy khá đa dạng. Có đến 73,2% số người được hỏi khẳng định rằng cha mẹ chẳng bao giờ biết con có dự định gì, không biết có chuyện gì xảy đến với con cái. Những bí bức về chia sẻ tình cảm, công việc có lý do của nó và điều quan trọng là hầu hết TNNMT cảm thấy khó tâm sự chuyện riêng với cha mẹ; 53,2% nhận xét cha mẹ hoàn toàn không biết rõ về bạn bè họ. Số cha mẹ biết rõ về bạn bè của con cái chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 7,6% số trường hợp thuộc diện khảo sát. Nghiên cứu cũng cho thấy 82,6% số người được hỏi cho rằng cha mẹ đã cố gắng kiểm soát con ở các mức độ khác nhau, tuy nhiên, hầu hết đều khẳng định cha mẹ khó kiểm soát được họ. Và trên thực tế, quá nửa số cha mẹ không biết con cái đi đâu, làm gì trong thời gian họ vắng nhà. Rõ ràng là cha mẹ của TNNMT không biết cách quản lý con…
Lý luận và thực tiễn đều chỉ ra rằng, trong công tác phòng ngừa nạn nghiện ma túy thì khâu cần tác động trước tiên là gia đình. Theo TS Phan Thị Mai Hương, chính gia đình phải giáo dục con cái về phương pháp đối mặt và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, giáo dục cho con cách thức tổ chức hoạt động sống tích cực. Để con cái có cuộc sống tâm lý ổn định thì sự quan tâm, chia sẻ giữa các thành viên gia đình, sự quản lý con cái một cách hợp lý là điều vô cùng quan trọng. Ngoài việc hướng dẫn con cái phải tuân thủ các chuẩn mực xã hội, cha mẹ phải đặt ra những nguyên tắc trong gia đình cho con cái noi theo.
Giáo dục, quản lý người trẻ trong mỗi gia đình là việc không đơn giản. Không có phương pháp đúng, thiếu một chút quan tâm là có khi ân hận cả đời.