Bài 1: Khốn khổ xin học mầm non

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:39, 25/07/2011

LTS: Theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội hiện có khoảng 5 triệu mét vuông đất bị bỏ hoang, hàng trăm dự án bị "treo" nhiều năm... Trái ngược với con số đó, nạn thiếu trường, thiếu lớp, thậm chí "trắng" trường mầm non ngay tại một số phường thuộc các quận nội thành đang trở nên trầm trọng, khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng lâu nay bậc học mầm non đã bị "lãng quên"?



Để trả lời câu hỏi này, PV Hànộimới đã tìm hiểu thực tế và nhận thấy nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do trong suốt thời gian dài sự nghiệp giáo dục nói chung và việc xây dựng trường lớp cho bậc học mầm non nói riêng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Nhiều khu đô thị mới hiện nay đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu trường học. Ảnh: Hoàng lan

Bài 1: Khốn khổ xin học mầm non

Hơn chục năm nay, các em thuộc lứa tuổi mẫu giáo của Trường Mầm non Sao Mai (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) phải sinh hoạt, học tập trong dãy nhà tập thể lụp xụp, thiếu ánh sáng, không có cả sân chơi. Dù cơ sở vật chất của trường tạm bợ, thiếu thốn trăm bề, nhưng với người dân phường Nam Đồng, đó vẫn là điều may mắn. May bởi con cái họ không rơi vào cảnh "trắng" trường mầm non như một số phường trên địa bàn quận Đống Đa. Chưa bao giờ, tình trạng thiếu lớp, thiếu trường mầm non trên địa bàn thành phố lại "nóng" như hiện nay.

Thiếu trường lớp, học "nhồi nhét"

Hàng chục năm trăn trở với sự nghiệp "luyện nét chữ, rèn nết người", ông Đặng Văn Trường - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai thừa nhận, chưa bao giờ nạn thiếu trường, thiếu lớp ở bậc học mầm non lại diễn ra trầm trọng như bây giờ. Trao đổi với chúng tôi, ông Trường cho biết, 3 năm trở lại đây, tốc độ tăng dân số trên địa bàn quận diễn ra nhanh đến chóng mặt. Nếu năm 2004, dân số của quận Hoàng Mai mới có 187.000 người thì năm 2010, con số này đã tăng lên 350.000 người (tăng gần 2 lần), trong đó có 32.000 trẻ dưới 6 tuổi. Trong số hàng chục khu đô thị mới được xây dựng, chỉ có 2 khu đô thị là Linh Đàm, Pháp Vân - Tứ Hiệp... được nhà đầu tư "ưu ái" xây dựng một trường mầm non tư thục, tất cả các khu đô thị còn lại đều trong cảnh "trắng" trường mầm non. Số trẻ trong độ tuổi mầm non tăng đột biến trong khi số trường xây mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay đã gây áp lực nặng nề cho ngành giáo dục quận Hoàng Mai. Dù rất cố gắng trong việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho các trường, nhưng 28 trường mầm non công lập và 7 trường mầm non tư thục trên địa bàn quận chỉ đủ sức đáp ứng nhu cầu học tập cho hơn 16.000 trẻ mầm non (gần 50% nhu cầu) một con số quá nhỏ so với thực tế. Có nhiều lý do khiến các bậc phụ huynh tha thiết muốn cho con vào học tại các trường công lập. Hầu hết cơ sở vật chất của các trường công lập đều khang trang, hai là chất lượng giáo viên cũng như công tác dạy và học đạt chuẩn. Quan trọng nhất, học phí của các trường công lập chỉ bằng một phần ba, thậm chí một phần tư so với các trường tư thục. "Với cách đầu tư cho giáo dục kiểu "nhỏ giọt" hiện nay, chỉ trong vài năm tới chẳng riêng gì quận Hoàng Mai, cả thành phố sẽ thiếu trường mầm non nghiêm trọng. Khi mỗi lớp học phải nhồi nhét 60-70 cháu thì cảnh quan sư phạm cũng như chất lượng chăm sóc trẻ không thể bảo đảm..." - ông Trường bức xúc.

Cũng giống quận Hoàng Mai, nhưng ngành giáo dục quận Đống Đa có phần khó khăn gấp bội khi đang dẫn đầu danh sách quận có số phường "trắng" trường mầm non nhiều nhất trên địa bàn thành phố. Khó ai tin, một quận nằm giữa trung tâm Thủ đô nhưng Đống Đa có tới 4 phường "trắng" trường mầm non, đó là các phường Trung Liệt, Phương Mai, Ngã Tư Sở và Láng Thượng.

Cảnh xếp hàng nộp hồ sơ xin học ở nhiều trường mầm non hằng năm vẫn tái diễn.

Theo bà Phạm Thị Dung - Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Đống Đa, toàn quận hiện có 24 trường công lập, 24 trường tư thục và 75 điểm lớp tư thục, mỗi năm tuyển sinh từ 13.000 - 14.000 học sinh, song chỉ đủ đáp ứng 65% nhu cầu học tập của trẻ trong độ tuổi. Tình trạng thiếu trường mầm non xảy ra trầm trọng nhất phải kể đến phường Phương Mai. Là phường đông dân nhất của quận Đống Đa với 60 tổ dân phố nhưng cả phường không có nổi một trường mầm non. Để có một chỗ học cho con, không còn cách nào khác, các bậc phụ huynh buộc phải chạy vạy khắp nơi để lo một suất học trái tuyến hoặc xin vào các trường mầm non tư thục với giá học phí "cắt cổ".

Sở dĩ có tình trạng trên là do sau hợp nhất, dân số cơ học của Hà Nội tăng nhanh, trong khi tốc độ xây dựng trường học cho lứa tuổi mầm non lại diễn ra quá chậm. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 577 xã, phường, thị trấn với 6,5 triệu dân, song chỉ có 837 trường mầm non, trong đó công lập chiếm 683 trường, còn lại là trường ngoài công lập và các nhóm, lớp. Tính đến tháng 5 - 2011, số trẻ mầm non ra lớp chỉ đạt con số 64,6% trẻ trong độ tuổi, đồng nghĩa với việc hơn 30% số trẻ còn lại trong độ tuổi mầm non đang phải chịu cảnh "thất học" ngay giữa đất thủ đô. Nạn thiếu trường, thiếu lớp mầm non là nguyên nhân khiến mỗi dịp đầu năm học mới, Hà Nội lại "nóng" chuyện chạy trường, chạy lớp, xin học trái tuyến...

Tình thế tạo ra những cách làm… sáng tạo

Đã chục ngày trôi qua nhưng bà Nguyễn Thị Mai vẫn uể oải, thất vọng nghĩ đến cảnh xếp hàng nộp hồ sơ xin học cho đứa cháu nội vào Trường Mầm non 10-10 thuộc phường Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội). Ấy là đêm 6-7, bất chấp cơn mưa dông tầm tã lúc nửa đêm, cả gia đình bà gồm 4 người được huy động thay phiên nhau lụp xụp áo mưa, cầm ô đứng trước cổng trường chờ trời sáng. Nhà bà Mai nằm cách Trường Mầm non 10-10 không xa. Theo hộ khẩu, cháu bà thuộc diện được học đúng tuyến tại trường. Nhưng năm học 2011-2012, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường 10-10 chỉ vẻn vẹn 40 cháu sinh năm 2007, trong khi số trẻ trong độ tuổi của phường lên đến con số hàng trăm. Để giành được một "vé" vào trường, việc xin mua hồ sơ tại đây diễn ra gay cấn chẳng kém gì các sĩ tử thi đại học. Theo lịch thông báo, 8h sáng hôm sau trường mới bán hồ sơ, nhưng ngay từ 17h chiều hôm trước, nhiều phụ huynh đã xếp hàng để giữ chỗ. Càng về khuya, mưa càng nặng hạt, lượng phụ huynh đổ về khu vực cổng trường mỗi lúc một đông. Người mang ghế, người xách theo bánh ngọt, đồ ăn... mặt mũi ai cũng nhòe nước, mệt mỏi và căng thẳng. Sau một đêm thức trắng, mặt người nào người ấy phờ phạc. Hơn 7h sáng, khi nhân viên bảo vệ nhà trường mở cổng, lập tức cả trăm phụ huynh cùng chen lấn ùa vào. Chỉ một loáng, lượng hồ sơ đã được bán hết. Gia đình bà Mai may mắn kiếm được một bộ hồ sơ xin học cho cháu nhưng hậu quả của một đêm mất ngủ, dầm mưa trong thắc thỏm, lo âu, bà và cô con dâu bị ốm nặng, phải nằm bẹp một tuần. "Hai năm trước tôi cũng xếp hàng xin học cho thằng cháu nội nhưng chen mãi không nổi, năm nay rút kinh nghiệm, tôi huy động cả gia đình cùng tham gia. Nếu học trái tuyến, cháu tôi sẽ vừa phải đi xa, bố mẹ cháu không kham nổi mức học phí hơn 2 triệu đồng mỗi tháng. Muốn cháu được học trường công, học phí vừa rẻ, chất lượng lại cao, chẳng còn cách nào khác là phải chầu chực xếp hàng như thời bao cấp. Mới ở bậc mầm non mà việc xin học đã khổ thế này, không hiểu càng học lên cao sẽ còn khó đến đâu? Chả biết bao giờ Hà Nội mới hết cảnh xếp hàng chờ nộp hồ sơ xin học... " - bà Mai than thở.

Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu tháng 7, khi các trường mầm non trên địa bàn thành phố tuyển sinh, cảnh tượng hàng trăm phụ huynh phải chầu chực đêm hôm xếp hàng chờ mua hồ sơ xin học cho con lại tái diễn. Để giải bài toán quá tải cho bậc học này, tránh lặp lại cảnh lộn xộn từng xảy ra trong mùa tuyển sinh trước, năm nay một số quận đã chủ động đề ra nhiều phương án tuyển sinh mới. Đơn cử, ngành giáo dục quận Hoàng Mai đã chỉ đạo một số trường công lập chọn phương án tuyển sinh theo hình thức bốc thăm. Tất cả các phụ huynh có con học đúng tuyến đều được mua phiếu bốc thăm theo số thứ tự, phía nhà trường công khai chỉ tiêu và thời gian tuyển sinh. Đúng ngày tuyển sinh, tất cả các phụ huynh có phiếu đều được tham gia bốc thăm để biết con em mình có được học trong trường công lập hay không. Tuy hình thức tuyển sinh mới khiến các bậc phụ huynh đều thắc thỏm bởi "được ăn cả, ngã về không", song đa số đều có chung tâm lý thoải mái do hình thức bốc thăm vừa bảo đảm tính công bằng, vừa không mất thời gian, công sức. Cũng với cách làm tương tự nhưng Trường Mầm non Chu Văn An (quận Tây Hồ) chọn cách phân lịch tuyển sinh theo lứa tuổi. Mỗi lứa tuổi các bậc phụ huynh được nhà trường bố trí lịch bốc thăm vào một ngày khác nhau, do đó đã chấm dứt cảnh chen lấn, xô đẩy như những năm trước...

Không thể phủ nhận sự cố gắng của ngành giáo dục cũng như ban giám hiệu các trường mầm non trong việc sáng tạo những hình thức tuyển sinh mới nhằm giải tỏa "cơn sốt" chạy đua vào các trường mầm non công lập thời gian qua. Song cần khẳng định, đây chỉ là những giải pháp tình thế. Thời gian qua, thành phố có nhiều nỗ lực trong việc chuyển đổi hơn 500 trường tư thục sang công lập và chủ trương xây thêm trường đạt tiêu chuẩn mỗi phường có một trường mầm non trong tương lai. Song chắc chắn về lâu dài, để giải quyết dứt điểm bài toán thiếu trường, thiếu lớp của bậc học mầm non, thành phố cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc đầu tư cho giáo dục. Bởi lẽ, đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho tương lai.

Tống Ngọc Thanh