Cần những giải pháp căn cơ

Kinh tế - Ngày đăng : 06:32, 25/07/2011

(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã tăng 22,16% so với cùng kỳ năm 2010 và tăng 14,61% so với tháng 12-2010. CPI tăng tốc trở lại sau 2 tháng "hạ nhiệt" đã khiến nhiệm vụ kiềm chế CPI cả năm nay ở mức 15 đến 17% trở nên đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, tại báo cáo trình Quốc hội khóa XIII, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đặt ra là phấn đấu đưa lạm phát trở về mức "một con số" trong năm 2012. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bằng những giải pháp căn cơ như: nâng cao hiệu quả đầu tư công, giảm dần bội chi ngân sách và kiểm soát chặt chẽ giá thị trường… lạm phát sẽ giảm dần.

Bảo đảm cung cầu và giảm giá thực phẩm sẽ giảm chỉ số giá tiêu dùng. Ảnh: Đàm Duy

Bảy tháng, CPI tăng gần 15%

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7 đã bất ngờ tăng 1,17% so với tháng 6. So với tháng 12-2010, CPI đã tăng 14,61% và tăng 22,16% so với cùng kỳ năm 2010. 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa tính CPI đều tăng giá. Dẫn đầu là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với 2,12%; trong đó, thực phẩm tăng tới 3,2%, ăn uống ngoài gia đình 1,78%. Chỉ có lương thực và bưu chính viễn thông là giảm. Đứng thứ hai về tốc độ tăng là nhóm may mặc và giày dép với mức 0,74%. Các nhóm hàng thiết yếu khác cũng tăng giá mạnh. Đồ uống, thuốc lá 0,63%; thiết bị và đồ dùng gia đình 0,61%; hàng hóa và dịch vụ khác 0,49%; văn hóa, giải trí và du lịch 0,44%; thuốc và dịch vụ y tế 0,4%; nhà ở và vật liệu xây dựng 0,36%; giao thông 0,26%.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ giá, Tổng cục Thống kê cho biết, giá thực phẩm tăng cao trong tháng 7 đã đẩy CPI tăng mạnh. Tháng 7 cũng ghi nhận đà tăng giá của giá vàng trên thị trường với mức 0,87% so với tháng 6, đưa giá vàng 7 tháng qua tăng 6,1% so với tháng 12-2010. Tuy nhiên tỷ giá trong tháng lại giảm 0,18% so với tháng 6.

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, với tốc độ lạm phát hiện nay, người gửi tiền vào ngân hàng đang chịu mức lãi suất thực âm khoảng 8% (nếu tính theo trần lãi suất huy động VND) và khoảng 6,5% (so với lãi suất huy động VND bình quân hiện đang ở mức 15,5%/năm). Tốc độ tăng CPI khiến nhiều người liên tưởng tới đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Trường đại học Quốc gia Hà Nội công bố tháng 5 vừa qua. Theo VEPR, việc kiểm soát lạm phát trong năm nay khó khăn hơn so với năm 2008. Nguyên nhân là do tỷ lệ thâm hụt ngân sách và nợ công đang ở mức cao khiến chính sách tài khóa hạn chế khả năng linh hoạt. Lãi suất ngân hàng đã ở mức quá cao khiến Chính phủ không thể dùng nó như một công cụ hiệu quả nhằm kiềm chế lạm phát. Các chuyên gia kinh tế dự báo, CPI những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh bởi đây mới là thời điểm giá cả tăng cao theo quy luật.

Hạ nhiệt lạm phát, nhiệm vụ trọng tâm

Mặc dù tốc độ tăng CPI đang khiến cả Chính phủ và người dân đều "sốt ruột", song Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh vẫn cho rằng, sang năm 2012, lạm phát sẽ hạ nhiệt. Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, một trong những nhiệm vụ Chính phủ phấn đấu thực hiện trong năm tới là đưa lạm phát về mức "một con số". Việc hạ nhiệt lạm phát xuống mức thấp trong bối cảnh CPI hiện nay dường như là mục tiêu khá lạc quan. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, mặt bằng giá của thế giới đã ở một mức mới khá cao. Giá hàng hóa trong nước đã từng bước tiệm cận giá thị trường. Dự báo giá dầu, lương thực năm tới khá ổn định. Thêm vào đó, những giải pháp kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ thực hiện trong năm 2011 sẽ có tác động tích cực trong thời gian tới. Đây là những cơ sở để tin tưởng rằng, mục tiêu đưa lạm phát về mức một con số là có cơ sở thực tế.

Trong 8 nhóm giải pháp điều hành kinh tế xã hội trong 6 tháng cuối năm 2011, bên cạnh các giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Chính phủ đã đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm ổn định cung - cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Việc tăng cường giám sát thực hiện quy định pháp luật về giá, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý... sẽ được các bộ, ngành nỗ lực thực hiện trong những tháng cuối năm.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh những giải pháp mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP, cần nghiêm túc thực hiện những giải pháp "căn cơ" như: tăng cường quản lý đầu tư công; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, việc giảm mặt bằng lãi suất một cách phù hợp, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản và danh mục đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn cũng cần thực hiện quyết liệt...

Tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2011

Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Hiện nay, sức ép lạm phát vẫn còn tăng. Dấu hiệu về xu hướng giá cả chưa được xác định. Các giải pháp kiềm chế lạm phát vẫn là thách thức. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiên trì chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, kiểm soát cho vay lĩnh vực phi sản xuất ở mức thấp.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính: Bảy tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng trên 14%. Trong khi từ nay đến cuối năm, nhu cầu hàng hóa sẽ tăng lên do Tết Nguyên đán, nên kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng ở mức 17% là rất khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Từ nay đến cuối năm, chỉ số lạm phát bao nhiêu chưa thể nói trước được. Chúng ta chỉ có thể nói rằng mục tiêu phấn đấu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát ở mức 17% và Chính phủ sẽ quyết tâm thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát cho bằng được.

Võ Lâmghi

Muốn hạ nhiệt CPI, phải làm "nguội" giá thực phẩm

Trong cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều qua 24-7, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính phân tích: "Riêng mức tăng của nhóm thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình đã góp đến 77% trong mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 này". Vai trò của thực phẩm trong cơ cấu giá luôn rất quan trọng, nên nếu muốn "hạ nhiệt" CPI, bắt buộc phải làm "nguội" tăng giá thực phẩm. Để giảm giá thực phẩm, quan trọng nhất vẫn là bảo đảm cung cầu, nhưng cần thực hiện đồng bộ những giải pháp tổng hợp gồm cả sản xuất, lưu thông và kiểm soát xuất nhập khẩu.

Ngọc Hà ghi

Hương Ly