Nhiều việc phải làm
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:27, 25/07/2011
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh, với việc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, người tiêu dùng có thêm cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Và để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần phải nâng cao vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Điều đó hoàn toàn đúng nhưng cũng có không ít vấn đề…
Ở nhiều nước trên thế giới người dân hiểu rất rõ và biết cách bảo vệ những quyền lợi xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra khi mua một sản phẩm. Còn ở ta, hiểu biết về "quyền người tiêu dùng" của các "thượng đế" còn rất mơ hồ. Thế nên "biết rồi, khổ lắm" nhưng vẫn phải nói: xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đã trở thành "chuyện hằng ngày"... Và điều đó rất đáng phải suy nghĩ. Không chỉ hàng giả, hàng nhái nhãn mác, kém chất lượng được trà trộn đưa vào lưu thông mà còn vô vàn kiểu gian dối như cân đong, đo đếm không bảo đảm đúng định lượng... Ngay ở Hà Nội, nơi có điều kiện tiếp cận thông tin, số người biết về các quyền của mình trong tiêu dùng cũng không nhiều. Và nếu ai đó biết quyền lợi của mình đã bị xâm phạm thì cũng tặc lưỡi cho qua bởi thời gian đâu mà theo kiện hoặc "được vạ thì má đã sưng"... Đó chính là lý do khiến các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn ra tràn lan.
Theo khảo sát của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, 55% người tiêu dùng không biết mình có quyền gì. Còn theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, năm 2010, có tới 62% số người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng loạt vụ bê bối bùng phát như sữa nhiễm mêlamine, rượu chứa methanol, nước tương có chứa 3-MCPD, thực phẩm có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép… đã làm cả xã hội bàng hoàng.
Thế nhưng "con kiến" không thể kiện được "củ khoai", người tiêu dùng luôn ở vị thế thấp so với nhà sản xuất, nhà phân phối, bởi họ không có đủ thông tin về sản phẩm được bán trên thị trường. Do vậy, không ít doanh nghiệp đã gian lận trong sản xuất, từ thành phần nguyên liệu, hàm lượng đến bao bì, thông tin khuyến mãi… với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nhiều người "mắc bẫy" nhưng không biết tìm đến đâu nhờ cậy và cũng không có nhiều tiền để chạy theo các vụ khiếu nại vốn hết sức nhiêu khê. Chưa kể như gian lận xăng dầu, gian lận taximet, rất khó để chứng minh… Vì vậy, các "thượng đế" chỉ biết ấm ức mà thôi.
Theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, người tiêu dùng luôn ở vị thế yếu, thực tế cho thấy người tiêu dùng đã đấu tranh để bảo vệ quyền của mình nhưng thành công còn rất ít. Chưa kể sự thích ứng của người dân đối với kinh tế thị trường không cao. Thế nên, thay vì kêu gọi các "thượng đế" hãy trở thành nhà "tiêu dùng thông thái" như bấy nay đâu đó vẫn hô hào, hãy bằng mọi cách trang bị tri thức, thông tin cho người tiêu dùng để họ ý thức rõ ràng quyền lợi của mình và tự bảo vệ chính mình. Nếu làm được như vậy, số vụ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng chắc chắn sẽ giảm bớt.
Các nhà sản xuất, nhà phân phối sẽ buộc phải gắn lợi ích của họ với người tiêu dùng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thể hiện ý chí của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ quyền người tiêu dùng - một quyền cơ bản của công dân. Nhưng để bộ luật thật sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, hiệu lực, rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm.