Tuyển sinh ĐH 2011: Liệu có “đẹp” sàn, khó tuyển?
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:12, 24/07/2011
Các thí sinh tại hội đồng thi Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Điểm cao ngày càng ít
Nếu mục đích ra đề năm nay là ít điểm 9, 10, nhiều điểm trung bình như Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã từng nói thì có vẻ những người làm đề thi đã làm được điều đó.
Nhìn lại mùa thi năm 2010, Trường ĐH Ngoại thương giảm 4 thí sinh đạt điểm tuyệt đối so với năm 2009, còn so với năm 2008 thì giảm 10 em. Ở thời điểm này mùa thi năm 2009, cả nước đã có khoảng 10 thủ khoa "lộ diện" với 30 điểm, trong đó có 6 thủ khoa đạt điểm tuyệt đối, thì tới năm 2010, chỉ có 1 thí sinh của Trường ĐH Ngoại thương là em Tăng Văn Bình được 30/30 điểm và 1 thí sinh khác được 29,5 điểm. Mùa thi năm 2009 , khối A Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có tới 18 thí sinh cùng đạt 29,5 điểm và 25 em được 29 điểm. Sang năm 2010, trường không có thí sinh khối A nào đạt điểm tuyệt đối.
Năm nay, khi các trường tập trung nhiều học sinh giỏi gần như đã công bố điểm, cả nước mới chỉ xuất hiện các thủ khoa 29 điểm. Con số này cũng không nhiều: Ngoài 2 em tại hội đồng thi ĐH Ngoại thương, ĐH Quốc gia Hà Nội có 4 thí sinh 29 điểm, trong đó 3 em thi vào ĐH Khoa học tự nhiên (KHTN), 1 em vào Trường ĐH Công nghệ. Ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nơi hút rất nhiều học sinh chuyên toán, Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Quang Dong cũng cho biết: Năm nay điểm toán khối A cao nhất là 9,75, không có điểm tuyệt đối. Còn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng không có điểm 10 tuyệt đối trong môn toán.
Điểm chuẩn sẽ hạ?
Theo ông Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính, trường có 5 thủ khoa đạt 27,5 điểm. Năm nay, điểm thi không cao so với năm trước và dự kiến điểm chuẩn ở một số ngành có thể giữ nguyên trong khi một số ngành khác có thể giảm 0,5 điểm. Năm 2010, điểm chuẩn vào trường khối A là 21, riêng ngành Kế toán điểm chuẩn 22, khối D1: 28 điểm (đã nhân hệ số).
Mặc dù Trường ĐH Ngoại thương có phổ điểm trung bình môn toán khối A, D rất cao: 7-9 điểm, song theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Châu, dự kiến điểm chuẩn vào trường năm nay của thí sinh khu vực phía Bắc sẽ không cao hơn năm 2010. Điểm sàn trúng tuyển chung vào Trường Ngoại thương năm 2010, áp dụng cho cả hai cơ sở đào tạo Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là khối A: 24, khối D: 22.
Trường ĐH Giao thông - Vận tải Hà Nội đưa ra dự kiến mức điểm chuẩn bằng hoặc thấp hơn năm ngoái. Vài năm trở lại đây, điểm chuẩn của trường ổn định ở mức 17-17,5 điểm. Lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, kết quả thi thấp như trên sẽ ít nhiều tác động tới điểm chuẩn. Năm 2010, chuyên ngành Kiểm toán của trường có điểm chuẩn rất cao: 26 điểm, trong khi nhiều ngành chỉ lấy vào ở mức 18 điểm. Năm nay trường còn có thêm 350 chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ với mức điểm chuẩn sẽ thấp hơn mức điểm chuẩn chung của trường.
Nỗi lo nguồn tuyển
Nếu như với các trường thường có điểm chuẩn cao, bức tranh điểm thi có thay đổi chút ít cũng không ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh thì với nhiều trường khác, bài toán về nguồn tuyển được đặt ra. Như năm 2010, mặc dù điểm sàn không cao song theo GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Học sinh các vùng khó khăn không thể với tới mức điểm 13, thường chỉ được 7-8 điểm thôi, không đậu ĐH thì lấy ai làm việc. Còn các SV đạt 15-20 điểm ở Hà Nội có về vùng sâu, vùng xa để làm việc hay không?
Các thí sinh sau kỳ thi tại Trường ĐH Hà Nội vừa qua. Ảnh: Viết Thành |
Nhiều trường ĐH ngoài công lập và ĐH vùng ngay từ đầu đã xác định mức điểm chuẩn chỉ xấp xỉ điểm sàn mà nguồn tuyển vẫn khan hiếm. Không thể cạnh tranh được với các trường lớn ở thành phố, một số nơi vận dụng điều 33 của quy chế tuyển sinh về điểm ưu tiên để "tận thu" cả những thí sinh được 7-8 điểm.
Ngoài ra, các trường ngoài công lập càng kiệt quệ nguồn tuyển bởi chỉ tiêu của các trường công lập vẫn tăng hằng năm, khiến chính họ cũng phải rất nỗ lực mới tuyển đủ. Các trường công lập này lại có đầu vào không cao nên là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của các trường ngoài công lập. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội từ 2 năm nay liên tục tăng chỉ tiêu, khoảng 10% mỗi năm, lên khoảng 8.000 chỉ tiêu cả hệ ĐH và CĐ vào năm 2011. Điểm chuẩn năm ngoái của trường từ 13 -16 điểm tùy theo ngành. ĐH Thái Nguyên tăng chỉ tiêu liên tục 2 năm nay, lên hơn 13.000 cho cả hệ ĐH và CĐ. Năm nay, Trường ĐH Lâm nghiệp tăng 300 chỉ tiêu, Trường ĐH Điện lực tăng 10% so với năm trước...
Các trường ĐH lớn cũng không tránh được nỗi lo thiếu nguồn tuyển, phải phụ thuộc nhiều vào nguyện vọng 2, 3. Các chuyên gia tuyển sinh còn than khó bởi quy định: điểm chuẩn nguyện vọng sau không được thấp hơn điểm chuẩn nguyện vọng trước.
Các cơ sở đào tạo thì lo nguồn tuyển, còn xã hội lại dấy nên nỗi quan ngại về chất lượng đào tạo khi điểm trúng tuyển của các cơ sở đào tạo quá thấp. Có trường "thủ khoa" chỉ đạt 14 điểm. Sẽ là không đáng lo và "đầu vào" chưa quyết định chất lượng đào tạo nếu mô hình đào tạo theo hình chóp được áp dụng triệt để, để khi ra trường sinh viên đạt trình độ của bậc đào tạo. Nhưng điều đó sẽ vẫn ở thể giả định mà thôi.