Niềm tin trở lại

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 08:17, 23/07/2011

(HNM) - Hy Lạp sẽ nhận gói cứu trợ thứ hai trị giá 109 tỷ euro từ EU, IMF, khoảng 35% khoản vay được giải ngân trong thời gian hai năm. Châu Âu không chờ đợi gì hơn thế trong cuộc họp khẩn cấp của các lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) vào ngày 21-7 vừa qua.

Đồng euro tăng 1,5% lên 1,4425 USD/euro như một tín hiệu cho thấy niềm hứng khởi đã trở lại với Cựu lục địa sau nhiều tháng thăng trầm cùng xứ sở Thần thoại.


Sự đồng thuận của Tổng thống Pháp Nicolas Sarcozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mang đến khởi đầu thuận lợi cho kế hoạch giải cứu Hy Lạp lần hai.



Sự tuyệt vọng đã lộ ra trong lần nhóm họp của các quan chức châu lục hôm 11-7 khi không thể thống nhất được cách thức, quy mô và cơ cấu đóng góp cho cuộc giải cứu đã làm đau đầu Liên minh châu Âu (EU) nhưng là liều thuốc bắt buộc với Athens. Các thị trường suy sụp đã gửi đến lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, tổn thất sẽ là khó đong đếm nếu Hy Lạp vỡ nợ chỉ vì EU không kết thúc được những cuộc tranh cãi. Vì vậy, niềm vui như vừa trút bỏ được gánh nặng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso là có thể hiểu được khi ông cho rằng chưa bao giờ quyết tâm chính trị và mong muốn của thị trường lại gặp nhau như trong thỏa thuận bước ngoặt này. Ngay cả nút thắt khó gỡ như sự tham gia của hệ thống tư nhân vào gói hỗ trợ chưa từng có trong lịch sử cũng đã được cởi bỏ. Các nhà đầu tư riêng lẻ sẽ sở hữu tới gần một nửa giá trị gói cứu trợ mới (khoảng 50 tỷ euro) với nhiều hình thức linh hoạt, từ gia hạn trái phiếu đang nắm giữ, trao đổi trái phiếu mới với tỷ lệ lãi suất thấp hơn hoặc bán lại trái phiếu cho Hy Lạp với giá hời... Như vậy, chọn đồng thuận thay vì đối lập của EU đã giúp "con tàu" mang tên Eurozone của Lục địa già tiến vào vùng nước mới.

Thế nhưng việc thuyết phục các chủ nợ khi họ đang vướng phải những khó khăn của riêng mình trong một giai đoạn đầy bất trắc của nền kinh tế toàn cầu không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Để mọi chuyện có thể đầu xuôi đuôi lọt, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải có màn giao hữu trước. Giới quan sát đồng tình rằng, cuộc gặp đến nửa đêm giữa hai đầu tàu của Eurozone để có chung một tiếng nói vào phút chót sau 7 giờ đàm phán đã khiến nỗ lực quyết định vận mệnh mong manh của Hy Lạp trên bàn thương lượng chính thức trở nên chóng vánh hơn. Khi khối nợ nặng nề đã lên đến 340 tỷ euro, tương đương 150% GDP và không còn khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế, đồng tình về liệu trình mới cho Athens cũng đồng nghĩa với việc phát đi tín hiệu ổn định cần thiết trong thời khắc quyết định với châu Âu. Tuyên bố sẵn sàng cắt giảm lãi suất cho vay và nới lỏng các điều kiện vay ngặt nghèo với cả Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland xuống còn khoảng 3,5%/năm, tăng gấp đôi thời gian trả nợ lên ít nhất 15 năm và tăng cường quỹ cứu trợ tài chính cao hơn mức 440 tỷ euro hiện thời, rõ ràng EU đang khởi động một guồng máy có công suất lớn hơn để thổi bớt những đám bụi nợ nần đang bủa vây Cựu lục địa.

Phải nói rằng, sau nhiều tháng loay hoay tìm cách ngăn chặn vòng xoáy nợ đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng, có được giải pháp để quê hương Thần Zeus trụ lại tại sân chơi Eurozone đã tạo ra một thời kỳ tạm yên ắng cho châu Âu. Tuy nhiên, đây có phải là sự yên lặng trước cơn bão hay không sẽ tùy thuộc vào khả năng xử lý các dữ liệu của kế hoạch lập trình mới vừa được cài đặt. Là nạn nhân đầu tiên của cơn bệnh nợ nần đang kịch phát và cũng sẽ là quốc gia đầu tiên được cung cấp gói cứu trợ thứ hai, Hy Lạp trở thành chìa khóa để đưa Lục địa già khỏi chiếc bẫy nợ đã chốt chặt.

Tất nhiên, sự kiện Hy Lạp lần thứ hai phải nhận tiếp sức tài chính từ bên ngoài, đặc biệt từ khu vực tư nhân không phải là niềm kiêu hãnh đáng để tự hào. Ít nhất, nó cũng cho thấy rằng châu Âu đã xuống phong độ khi thảm kịch nợ công đã thực sự nghiêm trọng hơn dự báo. Mặc dù vậy, dư luận vẫn hy vọng cú đột phá từ châu Âu sẽ giúp đoàn tàu thế giới không một lần nữa bị trật bánh khỏi đường ray hồi phục.

Vân Khanh