Quá tải đường dây và trạm biến áp: Hà Nội sẽ thiếu điện?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:54, 23/07/2011

(HNM) - Để bảo đảm cung cấp điện an toàn và ổn định cho Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Tổng sơ đồ điện VI giai đoạn 2010-2015 (TSĐ6), theo đó giao cho Tập đoàn EVN đầu tư các dự án lưới điện truyền tải cấp điện áp 220kV với 11 công trình được xếp hạng công trình trọng điểm...

Trong đó, 3 công trình đường dây 220kV Hà Đông - Thành Công, Thường Tín - Kim Động, Hòa Bình - Hoài Đức và nhánh rẽ Hoài Đức là để bảo đảm cấp điện cho Hà Nội giai đoạn 2010-2011. Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình trọng điểm nào được đưa vào vận hành khiến hệ thống lưới điện Hà Nội đang trong tình trạng đầy tải...

Cải tạo lưới điện là yêu cầu cấp bách. Ảnh: Phương An




Lưới điện Hà Nội: Báo động đỏ


Khu vực Hà Nội không có nguồn cấp điện trực tiếp, mà tiếp nhận điện thông qua hệ thống truyền tải từ các nhà máy điện và các trạm nguồn 500kV-220kV thuộc hệ thống điện miền Bắc. Các nhà máy cấp điện cho Hà Nội gồm nhiệt điện Phả Lại 1, Phả Lại 2; Thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang. Ngoài ra, còn có các nguồn từ 3 trạm 500kV Hòa Bình, Nho Quan, Thường Tín. Hiện tại, Hà Nội được cấp điện chủ yếu từ 6 trạm 220kV, trong đó 3 trạm cấp điện trực tiếp cho nội thành, các khu vực lân cận là trạm Hà Đông, Chèm, Mai Động với dung lượng 2.250MVA và khoảng 50% công suất các trạm Sóc Sơn, Xuân Mai, Phố Nối, dung lượng 625MVA. Trong khi đó, tổng dung lượng máy biến áp các trạm 110kV là 3.170MVA, tổng dung lượng các trạm trung gian là 415.630MVA.

Theo EVN HANOI, từ năm 2009 nhiều trạm 500kV-220kV cấp điện cho Hà Nội đã rơi vào tình trạng quá tải. Để bảo đảm cung cấp điện cho Hà Nội giai đoạn 2010-2011, EVN đã phải lắp đặt máy biến áp thứ 3 công suất 250kVA cho các trạm 220kV Hà Đông, Chèm và Mai Động. Tuy nhiên, Hà Nội đang rơi vào tình trạng đầy, quá tải các đường dây 220kV và 110kV. Toàn TP có 34 TBA 110kV với tổng dung lượng 3.055MVA. Năm 2010 đã có 6 trạm có máy biến áp quá tải, 7 trạm đầy tải, tỷ lệ đầy và quá tải chiếm 39,4%, tỷ lệ quá tải tới 22%.

Nguyên nhân chậm tiến độ: Giải phóng mặt bằng và...

Để bảo đảm cấp điện cho Hà Nội, Thủ tướng đã giao cho EVN đầu tư 11 công trình 220kV. Tuy nhiên, đến nay chưa dự án nào thuộc TSĐ6 hoàn thành. Ngoài nguyên nhân có sự thay đổi về địa giới TP Hà Nội, nguyên nhân chính của việc chậm trễ này là do thời gian thỏa thuận địa điểm xây dựng trạm biến áp (TBA), tuyến đường dây, nhất là tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB). Mặc dù tất cả dự án đã được các ngành chức năng của Hà Nội thống nhất, nhưng quá trình thực hiện nhiều dự án vẫn phải điều chỉnh cục bộ một số đoạn tuyến và giải pháp kỹ thuật, dẫn đến không thể triển khai các công việc tiếp theo. Một số dự án trước đây thuộc địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây (cũ), khi lập thiết kế đã được chính quyền các tỉnh này thỏa thuận. Nay Hà Nội mở rộng, khi phục hồi tuyến để GPMB thi công lại gặp khó khăn với địa phương. Đó là chưa kể các dự án điện bị ảnh hưởng bởi các dự án khác của TP trên cùng tuyến. Ví dụ, các dự án đường dây 220kV trong TP phải phối hợp với nhiều dự án liên quan khác, mà trong đó có dự án đang thực hiện quy hoạch, có dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt đầu tư... Mức độ khó khăn trong đền bù GPMB của các dự án khác nhau, nên dẫn đến việc phối hợp thực hiện giữa dự án không thống nhất đã làm chậm tiến độ chung của các dự án điện. Lý do nữa là các văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng. Khoản 5, 6 và 9 của điều 1 Nghị định 81/2009/CP (ngày 12-10-2009) quy định về mức bồi thường tối đa, hỗ trợ với đất đai, nhà ở, công trình trong hành lang an toàn lưới điện… nêu mức bồi thường do UBND cấp tỉnh quy định, phù hợp với thực tế của địa phương. Nhưng đến nay, UBND TP Hà Nội chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện các điều khoản này. Mặt khác, do phối hợp chưa đồng bộ giữa chủ đầu tư, hội đồng bồi thường và các ngành chức năng, nên tiến độ thực hiện chưa đáp ứng được theo mức độ quan trọng với mỗi dự án...

... Không đặt được trạm

Trạm biến áp (TBA) 220kV Tây Hồ (An Dương) được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2009, đã hoàn thành ký hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị. Quận Tây Hồ đã phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư là 15,95 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã 2 lần họp tổ công tác với các hộ dân, người dân không chấp nhận và đề nghị di chuyển trạm đi nơi khác với lý do ảnh hưởng đến đời sống.

Từ năm 2009, nhiều nơi trên địa bàn quận Đống Đa thường xuyên xảy ra tình trạng cấp điện không ổn định, nguyên nhân do phụ tải tăng đột biến. Điện lực Đống Đa đã xin vị trí xây dựng các TBA mới để khắc phục tình trạng quá tải và năm 2010 đã xây dựng 12 TBA mới. Tuy nhiên, trong số các TBA được xây dựng năm 2010 có trạm Khương Thượng 7 (cụm 9, tổ 34, ngõ 43 - phố Chùa Bộc) không thể vận hành do các hộ dân ở khu vực này phản đối, yêu cầu chuyển vị trí đặt TBA đi nơi khác. Để bảo đảm yêu cầu an toàn tại vị trí đặt TBA do các hộ dân kiến nghị, Điện lực Đống Đa đã phối hợp với ngành chức năng thẩm định lại những yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn về từ trường… Ngành chức năng đã kết luận trạm điện này đủ điều kiện an toàn mọi phương diện để vận hành. Nhưng, các hộ dân khu vực này vẫn không cho đóng điện.

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng KT-XH của thành phố là 12-13%/năm trong giai đoạn 2011-2015. Nếu năm 2012 Hà Nội thiếu điện sẽ ảnh hưởng đến kết quả các chỉ tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 5 năm tới. Vì vậy, việc hoàn thành các dự án cấp điện cho Hà Nội phải được coi là điều kiện cần và đủ, để Hà Nội đạt được các chỉ tiêu kinh tế đã đặt ra, góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng GDP cùng cả nước.

Thanh Mai