Mối lo không của riêng ai!
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:42, 23/07/2011
Thịt lợn bày bán ngay trên vỉa hè, khu vực chợ Phùng Khoang (huyện Từ Liêm).
Chúng tôi đến chợ Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) vào đúng thời điểm hoạt động mua bán diễn ra tấp nập nhất. Những hàng thịt lợn tươi sống, giò, chả… xếp thành một dãy dài ở ngay đầu chợ, tràn cả ra ngoài đường liên huyện, người bán nhiều và người mua cũng rất đông. Khi chúng tôi hỏi chủ một số sạp hàng bán thịt lợn, thịt chó: "Các loại thịt này đã được kiểm dịch chưa?" thì họ đều lắc đầu: "Vẽ chuyện, dịch diếc gì đâu mà phải kiểm…". Đi sâu vào bên trong chợ, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên không phải là sự phong phú của thực phẩm mà là sự ô nhiễm môi trường của một chợ trung tâm vào loại lớn nhất của một huyện ven nội. Giữa thời tiết nắng nóng, không biết bao nhiêu thứ mùi từ thịt gia súc, gia cầm đã giết mổ, chế biến sẵn cộng với mùi của rác, nước thải lưu cữu bốc lên nồng nặc. Tại dãy hàng thủy hải sản, nước thải đổ lênh láng khiến đường đi lúc nào cũng nhớp nháp, ngập ngụa như vừa sau trận mưa... Là một chợ lớn của huyện Thạch Thất, phục vụ nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của các xã Bình Phú, Chàng Sơn, Thạch Xá, Cần Kiệm, Hữu Bằng, Phùng Xá, Canh Nậu, Dị Nậu…, nhưng vấn đề ATVSTP ở chợ Nủa không hề được quan tâm. Chợ họp trên một gò đất, hễ mưa là lầy lội, còn trời nắng thì bụi bay mù mịt. Thực phẩm được bày bán ngay trên mặt đất, thực phẩm chín bày bán xen lẫn thực phẩm tươi sống, không hề che đậy, mặc cho người qua lại, bụi bặm và ruồi nhặng bủa vây.
Chợ Sấu nằm trên địa bàn xã Dương Liễu (Hoài Đức) được coi là chợ đầu mối cung cấp gia súc mổ sẵn thuộc loại lớn nhất, nhì Hà Nội, song vấn đề bảo đảm vệ sinh thực phẩm và vệ sinh thú y lại bị coi nhẹ. Các xe máy chở những con lợn đã giết mổ vào chợ không được kiểm soát. Trong chợ có khoảng 60-70 điểm bày bán thịt nhưng nhiều hộ kinh doanh do không có bàn đã để thịt xuống tấm gỗ hoặc mảnh nilon đặt trên nền đất ẩm thấp. Cách đó không xa là các vũng nước đọng lẫn với phế thải bốc mùi, khiến môi trường nơi đây luôn bị ô nhiễm...
Dạo qua một số chợ quê thuộc các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Ba Vì, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức…, tình hình cũng như vậy. Điểm chung dễ nhận thấy là ý thức chấp hành các quy định về ATVSTP của người kinh doanh chưa cao, hầu hết đều vì lợi nhuận mà không quan tâm đến người tiêu dùng. Nhiều người dân giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà rồi đem ra chợ bán nên lực lượng thú y kiểm dịch không thể kiểm soát. Chính vì vậy, mặc dù thành phố đã có quy định siết chặt việc vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm song cảnh lợn, gà "trần trụi" nằm vắt vẻo trên xe máy, chân "quét" mặt đường đầy bụi bẩn vẫn diễn ra. Anh Kiều Văn Dũng (xã Cần Kiệm, Thạch Thất), làm nghề giết mổ lợn quả quyết: "Ở quê cần gì giấy kiểm dịch. Cả làng, cả xã này vẫn ăn thịt lợn của tôi, có sao đâu". Bên cạnh nỗi lo ATVSTP, vấn đề vệ sinh môi trường ở các chợ cũng đáng báo động do cơ sở vật chất hầu hết còn hạn chế, nền chợ luôn ẩm thấp, nước thải tù đọng... Chị Trần Thị Xuân, ở xã Sơn Đồng (Hoài Đức) cho biết: Hằng ngày đi chợ, điều làm tôi băn khoăn nhất là mua thực phẩm gì để vừa đủ dinh dưỡng cho gia đình, vừa bảo đảm ATVSTP. Mua thịt lợn, thịt gà, tôm, cá... thì lo ăn phải chất tăng trọng; mua rau, quả lại lo ăn phải chất kích thích hoặc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cuối cùng, đành "khuất mắt trông coi", mua đồ ăn theo cảm tính... Tâm sự của chị Xuân cũng là trăn trở của nhiều người nội trợ tại các vùng quê hiện nay.
Báo cáo của Sở Công thương Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có 411 chợ từ loại 1 đến 3, ngoài ra còn có hàng nghìn chợ cóc, chợ tự phát. Tuy nhiên, trong cả Tháng cao điểm hành động vì chất lượng, ATVSTP, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố cũng chỉ kiểm tra được 4 chợ và việc kiểm tra cũng chỉ ở mức độ nhất định. Ban quản lý chợ nào cũng báo cáo rất tốt, song trên thực tế chỉ hoàn thành nhiệm vụ thu lệ phí và bảo đảm an ninh trật tự, còn ATVSTP gần như không quan tâm.
Luật An toàn thực phẩm (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011) quy định: "Ngành công thương có trách nhiệm ban hành chính sách, quy hoạch và các điều kiện kinh doanh thực phẩm tại các chợ". Hy vọng, với sự phân công rõ ràng đó, vấn đề ATVSTP và vệ sinh môi trường ở các chợ nói chung, chợ quê nói riêng sẽ được cải thiện trong tương lai không xa...