Lực bất tòng tâm

Đời sống - Ngày đăng : 06:40, 23/07/2011

(HNM) - Tích cực triển khai các hoạt động chăm lo tới đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân lao động (CNLĐ), song do thiếu cán bộ, thời gian qua, công đoàn (CĐ) các khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Hà Nội chưa tổ chức được hội nghị người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp (DN) và chưa tổ chức kiểm tra theo quy định của Điều lệ CĐ Việt Nam.

Thực trạng đó khiến cho hoạt động CĐ các KCN&CX bị "bó hẹp", và vì thế mà quyền lợi của NLĐ chưa thực sự được bảo vệ...


Các cấp công đoàn cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật kết hợp bảo đảm đời sống công nhân tại các khu công nghiệp. Ảnh: Thu Giang



Chỉ có 6 cán bộ chuyên trách CĐ, phải bao quát địa bàn khá rộng, với 18 KCN và công nghệ cao, cán bộ CĐ ở các KCN&CX Hà Nội như "con dao pha", tuy đã rất nỗ lực nhưng những đóng góp của họ vẫn chỉ như "muối bỏ bể". Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch CĐ các KCN&CX Hà Nội cho biết, hiện nay CĐ các KCN&CX Hà Nội đang quản lý 136 CĐ cơ sở với hơn 48.000 đoàn viên. Để hoàn thành nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của CNLĐ, cán bộ CĐ các KCN&CX đã phải hoạt động rất vất vả. Từ đầu năm đến nay, số dự án đầu tư vào các KCN và công nghệ cao tăng nhanh với 348 DN đã đi vào hoạt động, số lao động cũng tăng thêm hơn 1.500 người so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập bình quân của NLĐ thấp, bình quân chỉ từ 2,3 đến 2,6 triệu đồng/người/tháng, khiến CNLĐ chưa thể yên tâm làm việc, dẫn đến thực trạng biến động về số lượng và tranh chấp lao động phức tạp có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm đã có 35 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể xảy ra, trong khi đó, do lực lượng cán bộ CĐ chuyên trách quá "mỏng", nên hiện nay nhiều "đầu việc" đã được CĐ các KCN&CX đề ra song đành "bỏ lửng".

Thực tế, cán bộ CĐ các KCN&CX phải chia nhau "bám" cơ sở để nắm bắt và giải quyết phát sinh tranh chấp lao động, khiến cho việc chỉ đạo tổ chức hội nghị NLĐ và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra CĐ, đôn đốc DN ký thỏa ước lao động tập thể cho CNLĐ không thực hiện được. Từ đầu năm đến nay, chỉ có 90/136 CĐ cơ sở tham gia với chủ DN ký thỏa ước lao động tập thể; số DN tổ chức hội nghị NLĐ cũng chỉ tính trên đầu ngón tay; nhất là công tác kiểm tra của ủy ban kiểm tra CĐ KCN&CX không thực hiện được đành "lui" đến những tháng cuối năm.

Ông Ngô Trí Hùng, Phó Ban quản lý các KCN&CX đánh giá, nếu chỉ trông chờ vào cán bộ cấp trên thì quyền lợi của CNLĐ khó được bảo đảm đầy đủ. Chính các cán bộ CĐ cơ sở đóng vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng các hoạt động chăm lo bảo vệ NLĐ. Song, hiện nay có một thực trạng là, hầu hết cán bộ CĐ cơ sở "ăn lương" của chủ DN, nên họ ngại va chạm, chưa dám đứng ra bảo vệ quyền lợi NLĐ. Ông Hùng cho biết, qua đợt kiểm tra mới đây tại 100 DN có tổ chức CĐ cho thấy tình trạng tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể vẫn xảy ra "như cơm bữa". Do vậy, để giải quyết tận "gốc" vấn đề về cán bộ, bên cạnh việc tăng thêm cán bộ CĐ chuyên trách cho các KCN&CX, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở.

Rõ ràng, đây là một nhu cầu từ thực tế, tuy nhiên, Phó Chủ tịch CĐ Công ty Maru Mishubishi Bùi Thị Ngân chia sẻ, chị cũng như nhiều cán bộ CĐ cơ sở được chỉ định vào chức danh này, song rất khó để triển khai các hoạt động CĐ, bởi đa số họ chỉ là CNLĐ trực tiếp, không nhận được sự thông cảm hoặc tạo điều kiện từ giới chủ, trong khi đó CNLĐ cũng không tin tưởng, ủng hộ...

Để khắc phục yếu kém tồn tại, trước mắt, CĐ các KCN&CX tăng cường tập huấn, đào tạo kỹ năng thương lượng, kiến thức nghiệp vụ CĐ cho đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở. Tuy nhiên, nhiều cán bộ CĐ cho rằng, cần phải có cơ chế cụ thể, nhằm bảo vệ, phát huy vai trò cán bộ CĐ cơ sở thì các hoạt động CĐ mới thực sự có hiệu quả.

Linh Nhi