Trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng

Văn hóa - Ngày đăng : 23:22, 22/07/2011

(HNMO)- Chiều 22/7, tại Hội nhà văn Việt Nam, Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã diễn ra trong không khí trang trọng và xúc động. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thay mặt Đảng và nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, người đã từng là đồng đội của nhà văn đã trao Danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng. (Ảnh VNN)

(HNMO)- Chiều 22/7, tại Hội nhà văn Việt Nam, Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã diễn ra trong không khí trang trọng và xúc động. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thay mặt Đảng và nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng.

Đông đảo bạn bè, người thân đã đến chúc mừng nhà văn anh hùng đầu tiên. Đến thời điểm này, ông là nhà văn duy nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này khi còn sống.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Danh hiệu Anh hùng Lao động là phần thưởng cao quý thể hiện sự đánh giá, ghi nhận của Đảng và nhân dân đối với công lao hoạt động cách mạng và sáng tạo văn học của nhà văn Sơn Tùng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ của dân tộc, dù bị thương nặng nhưng nhà văn Sơn Tùng với nghị lực phi thường, đã vượt qua khó khăn, luôn bám sát chiến trường, gắn bó với đồng bào, đồng chí để cho ra đời những tác phẩm giàu giá trị. Tên tuổi và sự nghiệp của nhà văn Sơn Tùng luôn tỏa sáng, với 25 tác phẩm hàng nghìn trang đóng góp cho văn học nước nhà, trong đó có tới 14 tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tác phẩm của ông chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh. Đặc biệt, tác phẩm "Búp sen xanh" được tái bản đến 20 lần đã nói lên thành công vang dội của Sơn Tùng đối với công chúng yêu văn học. Không chỉ viết, nghiên cứu và nói chuyện về Bác Hồ, nhà văn Sơn Tùng còn luôn làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, sống cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư, đấu tranh không khoan nhượng với các thói hư, tật xấu, bảo vệ lợi ích của đất nước, nhân dân. Chủ tịch nước chia sẻ: “Nhà văn Sơn Tùng đã từng đi chiến trường tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bị thương rất nặng. Vào Nam chiến đấu, tôi có vinh dự sống cùng với Sơn Tùng, cùng với đồng đội chứng kiến và cứu chữa vết thương cho anh. Anh Sơn Tùng đã vượt qua thương tật, đau đớn thể xác để viết hàng loạt tác phẩm giá trị. Ngày còn ở trong chiến trường anh đã gắn bó với đồng bào, đồng chí làm việc. Ở anh toát lên nghị lực phi thường chiến đấu với bệnh tật, khó khăn và với chính bản thân mình”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng mong muốn, thế hệ các nhà văn Việt Nam tiếp tục noi gương nhà văn Sơn Tùng, dùng ngòi bút của mình đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đói nghèo, tiếp tục giữ vững thành quả cách mạng của dân tộc, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã không giấu giếm sự cảm phục của mình trước nhà văn Sơn Tùng, ông nói: “Người ta có trăm cách để chứng tỏ bản lĩnh thương binh tàn mà không phế”.

Nhà văn Sơn Tùng (tên thật là Bùi Sơn Tùng) sinh ngày 8-8-1928, tham gia Việt Minh ngay tại quê nhà (Diễn Châu, Nghệ An) ngay từ năm 1944. Trải qua nhiều vị trí công tác, nhưng phẩm chất nhà văn - chiến sĩ cách mạng luôn hòa quyện trong ông. Làm phóng viên chiến tranh, bị thương nặng tại miền Đông Nam bộ, trở thành thương binh (mất 81% sức khỏe, cơ thể bị găm nhiều mảnh đạn, thị lực suy giảm còn 1/10, tay co quắp…) nhà văn Sơn Tùng đã viết bằng sự khổ luyện để trở thành tác giả của nhiều tác phẩm giá trị viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm, Búp sen xanh, Bông sen vàng; Trái tim - quả đất; Hẹn gặp lại Sài Gòn; Từ làng Sen; Hoa dâm bụt; Bác về; Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh; Bác ở nơi đây, Nguyễn Ái Quốc trong ký ức bà mẹ Nga; Chung một tình thương Bác... Ngoài ra, ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm về các đề tài khác. 

Tuyết Minh