Công thức “3N”

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:54, 22/07/2011

(HNM) - Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc. Khi sức nóng của đời sống xã hội ùa đến nghị trường cũng là lúc có không ít đại biểu tự đặt câu hỏi: Sẽ làm gì để đáp ứng được kỳ vọng của cử tri không chỉ nơi mình ứng cử, mà phải là tâm tư, nguyện vọng của cử tri cả nước tại diễn đàn rộng lớn này.


Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường đã nói: Là ĐBQH phải làm tốt công thức "3N", đó là "nghe", "nghĩ", "nói".

Khi cử tri cầm lá phiếu để lựa chọn người đại diện cho mình, chắc ai cũng mong mỏi người đại biểu ấy trước hết phải biết lắng nghe điều mình mong muốn và gửi gắm. Không chỉ là những chuyện bức xúc đời thường. Không chỉ là miếng cơm và manh áo. Những điều cử tri đã nói và đang tiếp tục nghĩ suy để nói tiếp chính là mong ước làm sao Quốc hội thể hiện được vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của quyền lực nhân dân; thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân giữ cho được tình hòa hiếu với các dân tộc trên thế giới mà không mất đi bản lĩnh Việt Nam, giữ cho được vẹn nguyên bờ cõi bằng sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo sự tin cậy của bạn bè quốc tế. Tổ quốc và dân tộc đang đứng trước muôn vàn thử thách không chỉ trong xây dựng và phát triển. Để có một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh chỉ có thể được xây dựng trên nền móng của lòng dân. Lòng dân đã thuận sẽ tạo nên ý chí và nghị lực phi thường. Biết lắng nghe dân nói, các đại biểu Quốc hội những khóa trước đã làm được nhiều việc cho dân, cho nước. Biết lắng nghe dân nói, chắc chắn các đại biểu Quốc hội khóa này sẽ làm được nhiều việc lớn lao hơn khi mà đòi hỏi của thực tiễn cũng ngày càng lớn lao hơn.

Biết thực tiễn đời sống xã hội; biết yêu cầu đòi hỏi chính đáng của nhân dân, điều quan trọng với mỗi ĐBQH, như đại biểu Lê Việt Trường đã nói, ấy chính là sự "nghĩ", nghĩ ra cái đúng, cái hay, cái sáng tạo trong vận dụng thực tiễn. Cái biết nghĩ ấy cũng chính là người đại biểu của nhân dân không chỉ là cảm thông với sự day dứt của nhân dân, mà phải thực sự có tri thức, có kiến thức tổng hợp. Đời sống xã hội chính là một trường học lớn, mà sự dấn thân của mỗi con người vào đời sống ấy chính là một phần quan trọng để bồi bổ thêm nguồn tri thức, tự làm phong phú cho mình để cống hiến nhiều hơn cho nhân dân, cho đất nước.

Nhưng, cũng với mỗi đại biểu, cái biết nghe, biết nghĩ ấy nếu không đi liền với cái biết quyết và dám quyết, dám chịu trách nhiệm, cũng không thể đem lại hiệu quả tích cực nhất mà mình mong muốn. Nói cho các đại biểu cùng nghe, nói cho nhân dân nghe để cùng nhau tìm ra một giải pháp hiệu quả nhất, ấy chính là điều đại biểu các khóa trước đã làm và chắc chắn sẽ có thêm nhiều hơn các đại biểu Quốc hội khóa XIII hôm nay sẽ làm. Bởi, không chỉ là những cuộc tiếp xúc cử tri theo quy định; không chỉ là các cuộc trao đổi, tranh luận trên diễn đàn Quốc hội mà dường như các cuộc kiểm tra, giám sát định kỳ và thường xuyên có kênh để nghe, đem lại không ít kết quả đáng khích lệ; nhưng thực tiễn đời sống lại đòi hỏi các đại biểu Quốc hội nhiều hơn thế.

Một nhiệm kỳ mới với những yêu cầu, đòi hỏi, thách thức mới hơn và lớn hơn đang đặt ra cho mỗi đại biểu Quốc hội trách nhiệm cũng lớn hơn trước mọi điều lớn hơn ấy. Và cử tri đã tin để lại tiếp tục tin vào những đại diện ưu tú mà mình đã tin tưởng ghi tên vào lá phiếu bầu lựa chọn.

Nguyễn Hòa Bình