Thấy gì từ sự đổ vỡ của Cty Agel Việt Nam?
Đời sống - Ngày đăng : 10:04, 21/07/2011
(HNMO) - Trong vòng 1 tháng nay, dư luận xôn xao về việc Tập đoàn bán hàng đa cấp Agel (Mỹ) bỗng tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam kéo theo sự đổ vỡ của cả hệ thống phân phối sản phẩm Agel tại Việt Nam. Hàng chục ngàn thành viên đang tham gia mạng lưới phân phối hàng của Cty Agel Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề…
Cty TNHH Agel Việt Nam được thành lập năm 2008 với 2 trụ sở chính (ở 73 Tràng Thi, Hà Nội và 14 Kỳ Đồng, TP. HCM). Với những ưu thế về sản phẩm thực phẩm chức năng bổsung vitamin ở dạng thể gel (dung dịch giúp cơ thể dễ dàng hấp thu triệt để các dưỡng chất) cộng vớitính chuyên nghiệp trong phân phối củatập đoàn ở Mỹ, Agel nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Chỉ trong thời gian ngắn, Agel đã vươn lên hàng đầu về kinh doanh đa cấp ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên chính sự phát triển mạnh mẽ và hùng hậu đó giờ đây lại đưa tới hậu quả nặng nề khi có tới cả chục ngàn người bị thiệt hại với tổng số tiền lên tới hàng tỷ đồng…
Trụ sở của Cty TNHH Agel Việt Nam (73 Tràng Thi, HN) trước kia tấp nập người ra kẻ vào, nay đã đóng cửa im lìm. Ảnh: T.Q
Chị Huyền Trang ở Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy (một trong những người tham gia hệ thống của Agel) cho biết, khi được nghe giới thiệu về hệ thống bán hàng đa cấp và sản phẩm của Agel chị rất hứng thú, vì nếu tham gia thành viên của Agel Việt Nam chị có thể kiếm từ 800 – 1000 USD/tháng với công việc rất nhẹ nhàng là chỉ cần giới thiệu và bán sản phẩm Agel cho một số lượng người nhất định. Sau đó thì tiền thù lao cứ thế được nhân lên, tự động chảy về tài khoản của chị. Tuy nhiên, để được trở thành thành viên của mạng lưới kinh doanh bán hàng đa cấp, ban đầu chị phải bỏ ra 20 triệu đồng để mua sản phẩm hàng hóa bắt buộc. Quan điểm của Agel là “bạn phải sử dụng sản phẩm thì mới cảm nhận được nó để giới thiệu cho người khác…”. Sau khi bỏ ra 20 triệu để mua hơn 10 hộp sản phẩm của Agel và ký hợp đồng với Cty, chị Trang mới chỉ giới thiệu thêm được 1 người (vì giá của sản phẩm quá đắt). Người đó lại chính là bà chị ruột mình. Số tiền về tài khoản của chị Trang không được bao nhiêu, trong khi 2 chị em đã phải bỏ ngay ra 40 triệu đồng để mua sản phẩm… Nay Cty Agel Việt Nam đóng cửa thì mọi việc “kiếm ăn” theo hệ thống Agel của 2 chị em coi như bị khép lại, cũng như việc 40 triệu đồng (đã trót bỏ ra mua sản phẩm) trở nên vô nghĩa, và không thể trả thuốc để đòi lại…
Trường hợp của chị Trang chỉ là rất nhỏ so với nhiều trường hợp bị thiệt hại khác ở Hà Nội và Tp. HCM. Bà Chu Thị Mỹ Hương (một thành viên Agel có thu nhập cao ở TP. HCM) đã đau xót thông tin với báo chí: Thiệt hại riêng trong mạng lưới của bà sau khi Agel Việt Nam đóng cửa lên tới 3,5 tỷ đồng, trong đó gồm có 2000 hộp sản phẩm và trên 300 triệu tiền hoa hồng. Bà Hương đã khiếu nại tới Tập đoàn Agel của Mỹ, nhưng phía Mỹ khẳng định họ không gây ra thiệt hại và sẽ không có trách nhiệm bồi thường. Tất cả là thuộc về trách nhiệm của Cty Agel Việt Nam… Hiện một số nhà phân phối trong hệ thống đang tập hợp tài liệu nhằm khởi kiện giám đốc Cty Agel Việt Nam với nội dung: Giám đốc Cty Agel Việt Nam đã lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản người khác, lừa đảo, trốn nợ khiến cho cả hệ thống đổ vỡ, gây thiệt hại cho các nhà phân phối và người tiêu dùng…
Các sản phẩm thực phẩm chức năng của Agel Việt Nam được bán rất đắt thông qua hệ thống bán hàng đa cấp
Thực ra, trước đó, cuối năm 2002, ở Hà Nội đã từng xảy ra sự đổ vỡ của Cty bán hàng đa cấp Thế Giới Mới (trụ sở tại số 4, B2 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) với sự thiệt hại gần 10 tỷ đồng của 195 đại lý tham gia phân phối sản phẩm tảo xoắn (Sprirulina) và não bạch kim (Metatonin) nhập khẩu từ Trung Quốc cho Cty Thế Giới Mới. Tuy nhiên, sự đổ vỡ của Agel Việt Nam lần này được coi là lớn và tiêu biểu nhất của làng kinh doanh đa cấp ở Việt Nam, liên quan tới sự thiệt hại của hàng chục ngàn người.
Trao đổi với Bộ Y tế về trường hợp Cty TNHH Agel Việt Nam và sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) Agel, một quan chức của Cục An toàn - Vệ sinh thực phẩm cho biết: Việc Agel thành lập Cty, đăng ký ngành nghề kinh doanh là theo Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại... như nhiều DN khác. Ngay cả việc quảng cáo, hoặc quản lý giá bán sản phẩm trên thị trường, Cty Agel phải tuân thủ theo Luật cạnh tranh, chứ Bộ Y tế không quản lý các vấn đề thương mại, giá cả. Bộ chỉ xem xét, kiểm định đăng ký chất lượng sản phẩm và cấp giấy phép cho sản phẩm TPCN Agel được lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm thuốc và TPCN khá phức tạp. Để bán được hàng, không ít DN đã lăng xê, quảng cáo sản phẩm quá mức so với giấy phép đăng ký…
Theo Luật sư Đỗ Trọng Hải, Giám đốc điều hành Cty Luật Bizlink, Hà Nội, thì loại hình kinh doanh bán hàng đa cấp ở Việt Nam luôn tiềm tàng nhiều rủi ro, bởi nó mang nặng động cơ trục lợi (thổi giá, lôi kéo người mua...), trong khi việc giám sát, quản lý của Nhà nước còn thiếu nhiều kinh nghiệm. Mọi hoạt động tiếp thị, kinh doanh, hỗ trợ hệ thống, hướng dẫn quy trình, tạo nguồn hàng... hầu hết đều do nước ngoài tổ chức (trong trường hợp này là Cty Agel của Mỹ). Họ chỉ xuất hiện ở Việt Nam với tư cách là nhà xuất khẩu, đồng thời dựng lên các pháp nhân ở Việt Nam (cụ thể Cty TNHH Agel Việt Nam), tiếp sức, tạo nguồn hàng cho các pháp nhân này hoạt động, thậm chí còn tôn vinh, tạo thu nhập rất cao cho những thành viên tích cực trong hệ thống. Thông qua hoạt động bán hàng đa cấp, sản phẩm Agel được "thổi giá" lên nhiều lần so với giá trị thực. Nguồn lợi lớn thu được chủ yếu chảy ra nước ngoài (về chính hãng), trong khi các thành viên trong hệ thống tưởng "dễ kiếm ăn" (thực tế một số thành viên tham gia ban đầu có thu nhập rất cao) đã bỏ ra hàng chục triệu để tham gia, lôi kéo bạn bè, họ hàng, anh em tham gia mà không nghĩ tới hậu quả sau này. Với hình thức tổ chức như vậy nên khi cả hệ thống bị đổ bể (vì một lý do nào đó) thì bên nước ngoài gần như vô can. Nếu có những chứng cứ vi phạm pháp luật thì pháp nhân Việt Nam (do nước ngoài dựng lên) sẽ lãnh đủ, kể cả những thành viên trong mạng lưới bán hàng đa cấp cũng bị liên quan (bởi họ vừa là nạn nhân, vừa là đồng phạm). Họ không thể lý giải là không nghiên cứu kỹ hợp đồng, hay thiếu thông tin về pháp luật được...
Còn theo Luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư AIC, thì việc kinh doanh, bán hàng đa cấp ở Việt Nam không còn mang đầy đủ tính chất của kinh doanh đa cấp. Vì lợi ích cá nhân, vì hám lời nên thông qua hệ thống phân phối hàng đa cấp, giá trị của hàng hóa bị thổi phồng gấp nhiều lần so với giá trị thật. Những người tham gia mạng lưới bán hàng cho Agel vì hám lợi nên đã bị lừa, để rồi sau đó chính họ lại trờ thành tòng phạm để đi dụ dỗ, lừa người khác. Tuy nhiên, để xác định ai là người cầm đầu việc lừa đảo thì không dễ tý nào...
Kinh doanh, bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng sáng tạo mới được du nhập từ nước ngoài vào nước ta, trong khi luật pháp Việt Nam chưa đủ nguồn lực và kinh nghiệm quản lý loại hình kinh doanh này. Việc đổ vỡ của Agel Việt Nam vừa qua cho thấy những hạn chế về pháp lý của Việt Nam, cũng như sự kém hiểu biết của các nạn nhân để cho các Cty nước ngoài dễ dàng lợi dụng lòng tin trục lợi. Cũng theo Luật sư Đỗ Trọng Hải, khó có thể kết luận được đây là hành vi lừa đảo, bởi lẽ phải đủ các dấu hiệu vi phạm hình sự và phải làm rõ được động cơ cố tình trục lợi. Các nạn nhân phải đưa ra các bằng chứng đáp ứng được các yếu tố cần thiết để cấu thành tội lừa đảo theo Bộ luật hình sự, hoặc tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản bằng việc cung cấp thông tin gian dối, đầu cơ trục lợi ngay từ đầu. Điều này rất khó, bởi lẽ hầu hết nạn nhân đều tham gia mạng lưới bán hàng cho Agel, đã từng quảng bá và tuyên truyền cho các sản phẩm của Agel...
Bài học rút ra là khi có một loại hình kinh doanh mới được triển khai ở Việt Nam thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu kỹ để có những chính sách luật pháp phù hợp trong tổ chức, giám sát chặt chẽ, đưa vào những điều kiện cần thiết để hạn chế rủi ro một cách thấp nhất, nhưng vẫn mang lại hiệu quả tốt nhất cho xã hội. Đối với người tiêu dùng, cũng như những thành viên tham gia bán hàng cần hiểu rõ tính chất của bán hàng đa cấp cũng như mọi quy định liên quan của pháp luật. Trước khi ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp cần hiểu rõ các điều khoản của hợp đồng, và đặc biệt là không được ham lời, làm liều. Có như vậy mới tránh được hậu quả gây thiệt hại cho chính mình và cho những người khác. Lòng tham là bài học muôn thuở và không bao giờ thừa!