Xây dựng tổ chức đảng và chính quyền cơ sở vững mạnh
Chính trị - Ngày đăng : 07:13, 21/07/2011
Sau 25 năm đổi mới, tổ chức đảng (TCĐ) và chính quyền cơ sở có nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức, bộ máy, nâng cao số lượng và chất lượng cán bộ, đảng viên. Từ yêu cầu, nhiệm vụ đối với TCĐ, chính quyền cơ sở, xin nêu một số nội dung góp phần vào việc thực hiện Nghị quyết ĐH lần thứ XI của Đảng.
Tăng cường rèn luyện, phát triển cán bộ, đảng viên từ cơ sở
Đảng viên Nguyễn Thị Nghĩa (trái), Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội) hướng dẫn hội viên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Ảnh: Dương Ngọc
Có thể nhận thấy rằng, trong quá trình tiến hành đổi mới chính trị, đổi mới công tác xây dựng Đảng, công tác xây dựng lực lượng cán bộ, đảng viên ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Trong các giải pháp để củng cố và tăng cường cho cấp cơ sở thì đều nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của đảng viên trong mọi mặt công tác và đời sống chính trị, xã hội ở cơ sở.
Trước hết là làm sao phát huy tinh thần chủ động và sáng tạo của TCĐ, của từng cấp ủy viên, của mỗi đảng viên để họ đóng góp tích cực vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền. Hiện nay, trước nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đời sống ở cơ sở, không ít đảng viên, TCĐ lại thờ ơ, thụ động và chờ đợi chỉ thị của cấp trên hướng dẫn. Nhiều vụ việc rất bức xúc trong xã hội nhưng cấp ủy, chính quyền rất dè dặt trong ứng xử và hành động, thậm chí né tránh vì sợ khuyết điểm, trách nhiệm. Một vấn đề nổi lên ở cấp xã, phường bấy lâu nay là nạn tham nhũng, xà xẻo của công, bớt xén tiền cứu trợ. Tuy không phải là tất cả các xã, phường nhưng không ít nơi có hiện tượng này. Do vậy, các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần phải đẩy mạnh công tác phòng ngừa và chống tham nhũng tiêu cực. Cấp trên cơ sở cũng cần tập trung lực lượng để giải quyết và xử lý dứt điểm những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là về đất đai, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng...
Trong việc rèn luyện cán bộ, đảng viên, phát triển đảng viên và đề bạt cán bộ cấp ủy và chính quyền cơ sở cần quan tâm hơn về đức và tài, những người có tâm và có kiến thức tốt, không câu nệ về bằng cấp và độ tuổi. Phải rất coi trọng cái đức của người cán bộ, đảng viên mà cốt lõi là đức hy sinh, tình đồng chí, lòng nhân ái, quý trọng nhân dân. Sự nêu gương tốt của cán bộ, đảng viên ở cơ sở cần được coi như một phẩm chất đạo đức tốt trong tuyển dụng và cất nhắc. Đây chính là biểu hiện cao nhất về đạo đức cách mạng. Cán bộ, đảng viên nêu gương sáng trong lao động, sản xuất, trong cuộc sống cộng đồng, thật sự vì dân thì mới trở thành "đầu tàu" động viên quần chúng và nhân dân thực hiện có hiệu quả chính sách của Đảng và luật pháp của Nhà nước. Môi trường rèn luyện cán bộ, đảng viên ở cơ sở chính là "trường học thực tiễn" để cán bộ, đảng viên trưởng thành và tiến bộ. Những người thoái hóa biến chất, mất lòng tin của nhân dân phải thanh lọc khỏi bộ máy đảng, chính quyền cơ sở.
Dựa vào dân để củng cố tổ chức và xây dựng Đảng, chính quyền
Mọi hoạt động và công tác của cấp ủy, chính quyền đều phải xuất phát và gắn chặt với lợi ích của nhân dân. Trong công tác xây dựng Đảng và hoạt động của chính quyền ở cơ sở cần phải thật sự dựa vào quần chúng nhân dân. TCĐ lãnh đạo và chính quyền điều hành quản lý phải tạo ra được những cơ chế để nhân dân có thể phát huy vai trò làm chủ thật sự của mình, không chỉ trong công tác ứng cử, bầu cử mà cả trong sinh hoạt Đảng, giám sát cán bộ, đảng viên.
Trong cơ chế vận hành của hệ thống chính trị, chúng ta còn có một tổ chức đại diện cho các tầng lớp nhân dân, đó là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể nhân dân. Thông qua MTTQ, các đoàn thể, người dân có thể gửi gắm niềm tin, nêu những kiến nghị với Đảng, Nhà nước và thiết thực góp phần xây dựng Đảng và chính quyền từ cơ sở; đồng thời thực hiện được vai trò phản biện và giám sát. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và quan liêu khi có nhân dân tích cực tham gia sẽ có hiệu quả hơn; cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất sẽ bị "tẩy sạch" khỏi tổ chức đảng và chính quyền từ cơ sở.
Ở cấp cơ sở, chi bộ Đảng và trưởng thôn có vai trò và quyền hạn không nhỏ với người dân. Trong thời gian qua đã có những chính sách và chế độ đối với cán bộ cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, đãi ngộ chưa thỏa đáng. Do nước ta đang trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển, hệ thống chính trị cũng đang đổi mới cho nên các cấp trên cơ sở cũng cần quan tâm để tiếp tục đổi mới, bổ sung chức năng, nhiệm vụ cũng như quyền hạn, trách nhiệm, chế độ đãi ngộ với bí thư chi bộ và trưởng thôn.
Chăm lo củng cố chi bộ, xây dựng Đảng và chính quyền cơ sở thực chất là tăng cường nền tảng của Đảng và chính quyền, xây dựng và thắt chặt mối quan hệ của Đảng với nhân dân từ cơ sở . Thực tiễn xây dựng và chỉnh đốn Đảng cho thấy, muốn tăng cường mối quan hệ của nhân dân với Đảng và chính quyền thì chăm lo bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ, đảng viên ở cơ sở và từ cơ sở có ý nghĩa quyết định. Đây là nguồn vốn quý báu của Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng, là nhân tố bảo đảm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết ĐH XI của Đảng.