Bệnh viện quá tải, trường học đóng cửa
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:09, 20/07/2011
Bệnh viện: Trong, ngoài đều chật cứng
Hành lang Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh những ngày này chật cứng vì số trẻ mắc bệnh TCM tăng đột biến. Dù 3-4 bé đã phải nằm ghép một giường nhưng vẫn không đủ chỗ, các bậc cha mẹ phải trải chiếu cho trẻ nằm la liệt dưới đất, hai bên hành lang và thậm chí tận cầu thang.
Bé Thi Nhật Lam sốt cao vẫn phải nằm ngoài hành lang Bệnh viện Nhi đồng 1. |
Đang sốt cao, nhưng bé Thi Nhật Lam (3 tuổi, ở Long Khê, Cần Đước, Long An) vẫn phải nằm ngoài hành lang. Bố bé cho biết, bé nhập viện đã 4 ngày, 2 ngày đầu nằm phòng cấp cứu, khi dứt sốt bác sĩ cho ra ngoài, nhưng bé bị sốt lại. Cả nhà bé Lam đang "tá túc" hành lang bệnh viện vì em gái của bé Lam mới 2 tuổi cũng hâm hấp sốt. Cả hai con đều bị bệnh TCM nên hai vợ chồng phải đóng cửa nhà để khăn gói lên TP.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, hiện trong khoa luôn có hơn 160 trẻ mắc bệnh TCM điều trị nội trú và trung bình mỗi ngày có khoảng 60 - 80 trẻ nhập viện. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, tình trạng quá tải cũng tương tự khi luôn có trên 150 trẻ điều trị nội trú và mỗi ngày số trẻ mắc mới cũng khoảng 50 ca.
Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, tổng số ca mắc TCM tại TP từ đầu năm đến nay là khoảng gần 5.000. Đã có 20 trẻ tử vong do bệnh này. Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, bệnh TCM đang bùng phát ở các tỉnh, thành phố phía Nam khiến lượng bệnh nhân đổ về TP ngày một nhiều hơn.
Lúng túng xử lý
Vắcxin ngừa bệnh chưa có, biện pháp chính đến thời điểm này vẫn là vệ sinh khử khuẩn môi trường. Ngành y tế TP Hồ Chí Minh chỉ biết ngăn ngừa dịch bệnh bằng cách phát miễn phí hóa chất khử khuẩn cloramin B cho người dân. Bên cạnh đó, hiệu quả công tác tuyên truyền cho người dân cũng chưa cao nên tình trạng dập dịch TCM ở TP đang rơi vào lúng túng. 16 trường mầm non công lập trên địa bàn quận 8 (nơi đã có 3 trẻ tử vong vì bệnh TCM) phải đóng cửa và thông báo cho phụ huynh giữ con tại nhà để tránh bị lây lan và thông báo chỉ mở cửa trở lại vào ngày khai giảng năm học mới.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND quận 8 cho biết, quận có 17 trường mầm non công lập, trong đó có 16 trường tổ chức giữ trẻ trong dịp hè theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Hằng năm, hoạt động giữ trẻ trong hè kết thúc vào cuối tháng 7 để bảo đảm yêu cầu nghỉ hè của giáo viên vào ngày 1-8 theo quy định. Tuy nhiên, trước tình hình thực tế là đã có 10 trường mầm non công lập có trẻ bị bệnh TCM và có 3 bé trên địa bàn quận bị tử vong nên từ ngày 12 đến ngày 15-7 các trường công lập đã thông báo với phụ huynh và thống nhất kết thúc việc giữ trẻ. Riêng các cơ sở mầm non ngoài công lập vẫn giữ trẻ bình thường.
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, khi trường mầm non công lập đóng cửa thì các bậc phụ huynh buộc phải gửi trẻ ở các trường tư thục và các nhóm giữ trẻ tư nhân vốn không đủ điều kiện vệ sinh và kiến thức để phát hiện và phòng bệnh cho trẻ nên có thể làm dịch lan rộng hơn. TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu cũng cho rằng, việc đóng cửa trường học trong trường hợp này là không tích cực và chưa cần thiết, bởi chỉ cần hướng dẫn giáo viên mầm non và các bậc phụ huynh, khi phát hiện bé bị bệnh để chăm sóc y tế và không đưa đến trường cho đến khi bớt bệnh là đủ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, diễn biến dịch TCM năm nay bất thường hơn mọi năm. Nếu những năm trước đến tháng 9-10 mới là đỉnh điểm bùng phát dịch thì năm nay đã bùng phát dữ dội vào tháng 7. Diễn biến bất thường cũng không chỉ ở số lượng trẻ mắc bệnh mà chiều hướng biến chứng nặng dẫn đến viêm cơ tim, phù phổi cấp, viêm màng não cũng nhiều hơn. Vì vậy các bậc phụ huynh phải học cách nhận biết bệnh ở trẻ để đưa vào bệnh viện thật nhanh.