Bình ổn giá: Cách nào hiệu quả?
Kinh tế - Ngày đăng : 05:32, 19/07/2011
Thủy hải sản là một trong những ngành hàng được bình ổn giá bán tại các siêu thị. Ảnh: Phương An |
Theo tính toán, số tiền này chỉ đáp ứng khoảng 10% so với nhu cầu của những nhóm mặt hàng nói trên, vì thế lãnh đạo TP yêu cầu doanh nghiệp (DN) chủ động khai thác các nguồn vốn khác để tăng mức dự trữ lượng hàng thêm 10%, nhằm bảo đảm tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng được khoảng 20% so với tổng mức tiêu thụ của người dân. Thời gian bán hàng bình ổn giá được thực hiện từ tháng 5-2011 đến hết tháng 4-2012. Riêng giấy vở học sinh, thời gian bình ổn từ tháng 6 đến hết tháng 10-2011. Năm nay, tham gia bình ổn giá vẫn là các DN nhà nước trong phân phối bán lẻ, sản xuất... Các DN thuộc thành phần kinh tế khác cũng tham gia, nhưng không được ứng vốn.
Để thực hiện bình ổn giá đạt hiệu quả, TP Hà Nội sẽ tăng cường hạ tầng thương mại và phát triển các tổ chức thương mại, trên cơ sở tạo thuận lợi cho DN khi tham gia kinh doanh thương mại ở nông thôn. Chẳng hạn, với DN tư nhân nào thực hiện có hiệu quả chủ trương bình ổn giá, TP sẽ xem xét cấp đất để DN đó xây dựng các siêu thị ở khu vực ngoại thành, còn nếu chưa xây dựng sẽ yêu cầu DN đó đưa hàng về nông thôn theo kiểu tổ chức phiên chợ ở nông thôn để phục vụ bán lẻ và bán buôn.
Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, cần tăng cường hơn nữa việc mở rộng hệ thống bán lẻ, đưa hàng bình ổn giá về các huyện ngoại thành. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của Hapro hiện nay là vấn đề vốn cho hoạt động SXKD và phát triển hạ tầng thương mại. Riêng về việc thực hiện bình ổn giá, mặc dù TP có quyết định cho DN vay vốn lãi suất ưu đãi để dự trữ hàng bình ổn giá đã lâu, nhưng Hapro mới nhận được 93 tỷ đồng trong số 155 tỷ đồng mà DN được cấp và điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động trữ hàng bình ổn. Việc chậm trễ này có nhiều nguyên nhân như: phải thanh quyết toán việc bình ổn giá năm 2010, cân đối ngân sách, xét duyệt danh sách các DN được hưởng ưu đãi này... Chưa kể, việc đưa hàng về nông thôn cũng như tìm địa điểm phát triển hệ thống bán lẻ chưa được các huyện ngoại thành quan tâm đúng mức… Cùng quan điểm này, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, kế hoạch bình ổn giá năm 2010 kết thúc vào tháng 5-2011, các mặt hàng trong siêu thị đã trở về giá bán thông thường. DN mới nhận được 60% số vốn được vay với lãi suất ưu đãi để trữ hàng bình ổn giá cho năm nay (40% còn lại sẽ được cấp trong thời gian tới). Song, để chủ động nguồn hàng, Fivimart đã làm việc với các nhà cung cấp của siêu thị. Mặc dù lương thực, thực phẩm tươi sống có thời hạn bảo quản ngắn, không thể trữ trong kho, Fivimart vẫn có những nhà cung cấp "ruột" để chủ động nguồn hàng. Một số mặt hàng như dầu ăn, đường, gạo đã được trữ nhưng phải tính đến vòng quay của vốn, nên không thể dự trữ số lượng nhiều...
Chương trình bình ổn giá đã thực hiện, đã mang lại hiệu quả nhất định nhưng cũng có không ít vấn đề đặt ra như, số tiền được rót cho hàng bình ổn chỉ chiếm 10-20%, nên không thể tác động lên 80-90% thị trường còn lại. Trong khi đó, việc bình ổn là cần phải bình ổn trực tiếp. Thêm nữa, 70% điểm bán hàng bình ổn lại tập trung ở các thành phố, trong khi bình ổn giá là nhằm hỗ trợ cho người nghèo, chứ không phải cho người có mức thu nhập cao. Đây cũng là điều mà ngành chức năng cần tính đến khi thực hiện bình ổn giá.
Hà Nội có 660 điểm bán hàng bình ổn, TP đã yêu cầu các DN đăng ký nhận nhiệm vụ bình ổn giá phối hợp với các ban quản lý các chợ dân sinh để giúp những hộ tiểu thương trong chợ ở ngoại thành lấy hàng của các DN bình ổn giá để bán cho người tiêu dùng. Với các DN thực hiện bình ổn giá, phải niêm yết giá các loại sản phẩm chứ không chỉ niêm yết riêng mặt hàng bình ổn giá để người tiêu dùng có cơ hội được mua sản phẩm với giá hợp lý...