Ở đại ngàn Trường Sơn
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:29, 19/07/2011
Lời "bật mí" của Đại tá Dương Ngọc Bội, Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Bình về những đổi thay trong cuộc sống của người Rục đã khiến bước chân của những người lần đầu đến đây thêm phần vững chãi.
Bộ đội biên phòng Cà Xèng hướng dẫn đồng bào Rục làm đất, trồng lúa. Ảnh: Nguyên Hoa |
Còn nhiều gian khó
Cách đây hơn 50 năm, chính BĐBP Cà Xèng (Quảng Bình) đã có công "phát hiện" ra người Rục tại một hang đá của rừng Phong Nha - Kẻ Bàng và đưa họ trở về với cuộc sống cộng đồng. 50 năm qua đã có gần 3 thế hệ người Rục định cư tại xã Thượng Hóa. Cũng nhờ sự giúp đỡ của BĐBP Cà Xèng mà phần lớn người dân đã biết tự sản xuất, chăn nuôi. "Cá ao, rau vườn" bây giờ đã thay thế dần cho "cá khe, rau rừng" là một thí dụ sinh động cho sự thay đổi trong sản xuất, lối sống của người Rục. Tuy đã hòa nhập vào nhịp sống cộng đồng và cuộc sống của người Rục đã dần ổn định nhưng chưa phải đã hết những khó khăn. Thiếu tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cà Xèng cho biết: Hiện đồng bào Rục định cư tại ba bản: Ón, Mò O Ồ Ồ và Yên Hợp với 94 hộ, gần 375 nhân khẩu, 100% thuộc diện hộ đói. Những năm qua bà con sống chủ yếu dựa vào nguồn trợ cấp của Nhà nước (Dự án 30A của Chính phủ hỗ trợ mỗi khẩu 15kg gạo/tháng), sự hỗ trợ của BĐBP và một ít ngô, sắn thu hoạch được trên nương rẫy. Thức ăn chính của bà con là ngô và sắn; nhà nào khá nhất cũng chỉ tự túc được lương thực trong khoảng chín tháng, tuy vậy, số hộ ấy cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại hầu hết đều trông chờ vào lương thực cứu đói của chính quyền. Ngoài bản Ón kinh tế khá hơn cả, hai bản còn lại rất nghèo.
Theo bước chân của CBCS BĐBP Quảng Trị, tại các bản của người Rục, trong sương trắng của núi rừng Trường Sơn tôi cũng đã kịp thấy những ngôi nhà lấm lem, xiêu vẹo, ở đó có những người đàn bà Rục gầy guộc, da ánh màu đồng đang mải miết ngồi giã ngô bên bậu cửa, có những đứa trẻ nhếch nhác cởi truồng ngồi trên nền nhà bằng đất. Hầu như trong mỗi căn nhà, ngoài những vật dụng thiết yếu như chiếc giường, bộ xoong nồi, chiếc cối giã ngô còn lại chả có gì đáng giá. Cái đói luôn rình rập. Tôi đã gặp chị Hồ Thị Páy, người đàn bà mới 40 tuổi nhưng đã kịp có 8 đứa con và đã lên chức bà ngoại. Chồng mất sớm, một mình nuôi con nên cuộc sống của mấy mẹ con bà cháu không lấy gì làm khá giả. Trung bình mỗi năm gia đình chị tự túc lương thực được 8 tháng, còn lại trông chờ vào cứu trợ của Nhà nước và BĐBP. Trong căn nhà của mẹ con chị Páy ngổn ngang quần áo, chăn màn không tìm đâu ra một vật dụng gì có giá hơn bộ đồ nghề làm bồi - thức ăn chính của bà con được làm từ sắn và ngô, đó là mấy cái cối. Người phụ nữ thứ hai của dân tộc Rục mà tôi gặp là mệ Cao Thị Liệu, hàng xóm của chị Páy. Mang dáng vẻ "đặc thù" của người dân tộc với dáng người cao, to, bàn tay gân guốc sần sùi, chiếc váy dài quá gối, mệ Liệu đang ngồi tựa cửa nhìn trời mưa, phì phèo thuốc. Trầm ngâm, ít nói khiến những người tiếp xúc nghĩ rằng mệ là người khó tính, nhưng sau lời chào hỏi xã giao, vài câu chuyện chia sẻ về cuộc sống của người dân trong bản, mệ Liệu đã cởi lòng với những vị khách lần đầu tiên gặp mặt. Qua câu chuyện của mệ Liệu tôi được biết rằng 50 năm qua kể từ ngày được BĐBP đưa ra khỏi hang đá, từng ấy thời gian đã có ít nhất là 3-4 lần cả xóm Mò O Ồ Ồ của mệ rủ nhau quay lại rừng sống cuộc sống hoang dã như xưa. Sự gắn bó và lòng nhiệt tình của BĐBP đã giúp người dân quay trở lại cuộc sống định cư. Những năm gần đây, được Nhà nước quan tâm đầu tư điện, đường, trường, trạm nên đời sống tinh thần của mệ và các gia đình trong xã đã được cải thiện nhiều. Trước khi chia tay, mệ Liệu đã kịp khoe thằng con út của mệ sau khi học xong lớp 8, lớp 9 gì đó đã đi Hà Nội làm nhân viên bưng bê của một quán ăn nào đó và không quên dặn: "Khi nào mấy đứa rỗi ghé qua thăm em nhé".
Sự đồng hành của BĐBP
Từ việc phát hiện ra đồng bào Rục và giúp họ thoát khỏi cuộc sống tăm tối trong hang đá, rồi bám dân, giúp dân ổn định nơi ăn chốn ở là một quá trình lâu dài kế tiếp nhau của BĐBP Quảng Bình cũng như nhiều thế hệ CBCS Đồn biên phòng Cà Xèng. Đại tá Dương Ngọc Bội, Phó Chính ủy BĐBP Quảng Bình chia sẻ: "Trong hành trình mấy mươi năm giúp đồng bào Rục ổn định cuộc sống định cư và làm quen với hình thức canh tác mới, CBCS BĐBP Quảng Bình mà cụ thể là CBCS Đồn biên phòng Cà Xèng không thể quên một thời lăn lộn "4 cùng" với đồng bào: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng bàn chuyện sản xuất. Tuy nhiên, hướng phát triển kinh tế cho đồng bào Rục vẫn gặp phải nhiều khó khăn do trình độ dân trí thấp, kỹ thuật sản xuất lạc hậu. Khó khăn rất nhiều nhưng cuối cùng BĐBP Quảng Bình cũng tìm được lối đi trong việc giúp đồng bào Rục xóa đói, giảm nghèo, đó là đưa mô hình trồng lúa nước vào sản xuất". Được Nhà nước đầu tư gần 5 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu lại được CBCS của Đồn biên phòng Cà Xèng không quản ngày đêm "4 cùng" để vận động bà con trồng lúa nước, cánh đồng lúa rộng gần 10ha thấm đượm tình quân dân trước kia là rừng, là đồi giờ đã quy củ, bằng phẳng. Nguồn nước từ suối nguồn Rục Làn chảy vào cánh đồng này quanh năm bảo đảm về mặt thủy lợi, đưa cây lúa nước đến với đồng bào. Đây là mô hình trồng lúa nước có diện tích lớn nhất từ trước đến nay của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc theo tuyến biên giới Quảng Bình mà Bộ đội biên phòng Cà Xèng đảm nhận giúp đỡ.
Chúng tôi về Thượng Hóa khi cánh đồng Rục Làn chỉ còn khoảng một tuần nữa là thu hoạch. Niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt của CBCS Đồn biên phòng Cà Xèng và người dân bởi đây là vụ lúa nước đầu tiên của đồng bào. Thiếu tá Trịnh Thanh Bình dự kiến năng suất vụ lúa này sẽ đạt khoảng 3,5 tấn/ha. Đi trên cánh đồng lúa chín vàng, Thiếu tá Phạm Bá Tuyên, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Cà Xèng tâm sự: "Những ngày đầu triển khai mô hình trồng lúa nước, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, phải cố gắng rất nhiều trong việc tuyên truyền, vận động bà con tin tưởng vào phương thức sản xuất mới. Từng CBCS phải "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn bà con tỉ mỉ về cách cày, bừa, cấy, hái". CBCS của đồn vẫn truyền tai nhau giai thoại cách đây khoảng 10 năm, khi đưa thóc giống lên cho bà con trồng, bà con đổi thành rượu và uống hết, cán bộ lên hỏi, bà con trả lời tỉnh bơ: "Miềng (mình) không trồng được lúa nước mô! Miềng đổi thóc giống thành rượu uống cho ấm bụng rồi". Hay lần đầu tiên thấy lúa trổ bông, người dân cả 3 bản kéo nhau đi xem. Mảnh ruộng chỉ rộng chừng 1.000m2 mà ngày nào cũng có người tới xem. Nhiều người không tin sẽ có gạo từ bông hoa trắng. Ngày gặt, nhìn bộ đội gặt lúa, tuốt lúa, phơi nắng rồi đưa vào bao, người Rục tròn xoe mắt vì lạ. Cánh đồng lúa hôm nay được xem là dấu mốc quan trọng làm thay đổi lớn trong cuộc hành trình đi lên của đồng bào Rục…
Rời Thượng Hóa, tôi tin một ngày không xa trở lại, sẽ thấy một gương mặt khác của chị Páy, của mệ Liệu, sẽ thấy cuộc sống sung túc của đồng bào Rục như những mạch nước mát chảy tràn trề của con suối Rục Làn đang tưới xanh những cánh đồng của người dân nơi đây…