Phát ấn Đền Trần: Vẫn chưa tìm ra phương án đồng nhất
Xã hội - Ngày đăng : 22:04, 18/07/2011
Cuộc Hội thảo khoa học “Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012”đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và báo giới. |
(HNMO)- Ngày 18-7, tại TP. Nam Định, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, UBND TP Nam Định, Sở VH,TT&DL Nam Định đã tổ chức cuộc Hội thảo khoa học “Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012” nhằm tìm ra mô hình quản lý thích hợp để trình Bộ VH, TT&DL quyết định cuối cùng phương án quản lý mới cho lễ hội này. Hội thảo đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của các nhà khoa học, và giới truyền thông đến dự.
Đề xuất 2 phương án
Nội dung chính của Hội thảo là lấy ý kiến góp ý của các đại biểu về việc có nên tiếp tục phát ấn vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng hằng năm để hoàn chỉnh Đề án tổ chức Lễ hội Đền Trần Nam Định năm 2012 của UBND tỉnh Nam Định. Bản đề án này được xây dựng dựa theo các nghiên cứu, khảo sát điều tra dư luận xã hội.
PGS-TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện VHNT VN . |
Để có được quyết định chính xác, Bộ VH, TT&DL đã chỉ đạo Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tiến hành nghiên cứu khoa học về lễ hội cũng như các vấn đề liên quan một cách cẩn trọng. Theo đó, phản ánh của báo giới về lễ hội đền Trần năm 2011 tập trung vào 2 luồng ý kiến: một cho rằng lễ hội đền Trần là xuyên tạc lịch sử, một vẫn khẳng định những giá trị văn hóa của lễ hội, nhưng phê phán những hạn chế của công tác tổ chức như tiêu cực trong công tác tổ chức lễ hội về ANTT, giá cả dịch vụ và tác động của lễ hội với đời sống xã hội. Tuy nhiên, khi được hỏi về phương án thay đổi mô hình ban ấn, 57% người dân được hỏi cho rằng, cần giữ nguyên vì là truyền thống để lại, 28,4% cho rằng nên ban ấn vào ngày hôm sau và 5,3% ủng hộ việc không phát ấn nữa.
Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đưa ra 2 phương án: Phương án một là không tổ chức phát ấn. Phương án này có ưu điểm là khắc phục ngay lập tức các khuyết điểm của mùa lễ hội cũ là tập trung quá đông vào một thời điểm, gây lộn xộn, tính thương mại và có nguy cơ thảm họa. Cách làm này cũng chi phí thấp và không bị truyền thông “soi mói”. Tuy nhiên, phương án này thu hút ít công chúng hơn và sẽ gặp phải sự phản đối của cộng đồng địa phương và một bộ phận công chúng, đồng thời, có nguy cơ xuất hiện những luồng phát ấn ngầm. Phương án này cũng thể hiện sự “thất bại” của tỉnh và các cơ quan hữu quan trước các vấn đề của đời sống văn hóa tâm linh, không đem lại hiệu quả về mặt quản lý phát triển chính sách văn hóa. Việc không phát ấn sẽ làm lễ hội trở nên mất sức thu hút cũng như cơ hội quảng bá hình ảnh thông qua các hoạt động văn hóa,nhất là có thể tạo ra mâu thuẫn giữa một bộ phận người dân với các cấp chính quyền.
Phương án 2 được các nhà nghiên cứu đưa ra là dựa trên việc tổ chức của cộng đồng, đưa các nhân tố mới vào: không phát ấn như thường lệ, mà phát ấn vào ngày hôm sau và kéo dài 2 hoặc 3 ngày trên cơ sở thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ ANTT, vệ sinh môi trường, mỗi người chỉ được nhận một hoặc tối đa 2 chiếc ấn. Cộng đồng dân cư địa phương được nhận ấn lúc 6h30 ngày rằm tháng Giêng, để người dân ở các nơi đến được đối xử công bằng. Ưu điểm của cách làm này là tổ chức vào ban ngày, có điều kiện cho việc kiểm soát ANTT, tiếp nối được những mặt mạnh của các mùa lễ hội trước, tiếp tục thu hút công chúng và khoản công đức và trở thành sự kiện văn hóa xác lập được một mô hình tổ chức hiệu quả, cân bằng các lợi ích, tiếp tục là di sản văn hóa được nghiên cứu và thử nghiệm mô hình quản lý trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, phương án này cũng có hạn chế khi tính thiêng bị can thiệp, do đó, BTC phải tổ chức đối mặt với một bộ phận dư luận xã hội.
Các giải pháp đi kèm phải là công tác tuyên truyền rộng rãi về phương án lựa chọn tại lễ hội đền Trần 2012, cũng như về giá trị văn hóa của lễ hội đền Trần là phát huy di sản tinh thần thượng võ của nhà Trần và công lao của các triều đại vua Trần với sự phát triển của quốc gia. Sự đồng thuận của người dân sở tại là điều kiện then chốt để chúng ta tiến hành hoạt động này.
Lễ Khai ấn tại Đền Trần |
Nhiều ý kiến trái chiều
Sau khi Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đưa ra bản Dự thảo “Đề án tổ chức Lễ hội Đền Trần Nam Định năm 2012” trong đó có đưa ra phương án đúng theo chủ trương của Bộ VH,TT&DL “Nhất trí tiếp tục thực hiện lễ khai ấn đền Trần theo nghi thức truyền thống và không tổ chức phát ấn vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng hằng năm”. Tuy nhiên, bản đề án cũng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các đại biểu.
Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Hồng Kiên -Viện khảo cổ học: Không có lễ khai ấn nào như mọi người vẫn nói. Không có dính dáng đến chiến công của nhà Trần cũng như tinh thần yêu nước. giá trị của những quả ấn: những quả ấn ở đền hiện mang nặng tính phù thủy, không có ý nghĩa về lịch sử cũng như di sản: kiểu chữ chân đem khắc ấn đã sai lạc về tư tưởng. Ấn có giá trị với dân làng Lộc Vượng chứ không phải với đất nước như gần đây chúng ta hiểu sai, không hiểu sao lại có sự kết hợp giữa cái gọi là khai ấn đầu xuân. Mấy năm gần đây mới có việc đóng ấn nhiều, thay vì chỉ đóng ít, mang tính nội bộ. Không hiểu sao nghiên cứu của Viện Văn hóa nghệ thuật lại cho rằng nơi đây có thể có lễ khai ấn, mà nên được chính thức phủ nhận. Không có nguồn gốc lễ khai ấn từ sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông với 2 dẫn chứng từ Đại Việt sử lý toàn thư. Việc thưởng côg ban tước xảy ra ở Thăng Long, không phải ở Nam Định và sau đó còn lễ nữa chỉ có thưởng lụa, không có khai ấn. Đời Trần việc phong quan tước cực kỳ cẩn thận, không có chuyện ban thưởng hàng năm.
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Xuân Diện cho rằng, đã mang tính chất một Hội thảo khoa học thì phải căn cứ vào những căn cứ khoa học lịch sử; khảo cổ, hán nôm, chưa phát hiện được tài liệu gì hết. Nếu không có chứng cứ vào lịch sử, thì phải dựa vào dân gian: lễ hội nền tảng là ở trong dân gian. Chúng ta chỉ nên bàn về việc tục lệ “khai ấn” và “phát ấn” có hay không thôi?
Ông Trần Mạnh Quảng, Chủ tịch Hội đồng Trần tộc Việt Nam
TS. Đặng Văn Bài cũng cho rằng, lễ hội nào cũng có những mặt trái, nhưng không thể dùng biện pháp cấm để xử lý. Trong lịch sử có thể niều điều trong chính sử không viết nhưng lại bổ sung bằng dân gian. Chúng ta không nên nói rằng sử không nói là không có. Việc tổ chức lễ hội là nhu cầu xã hội, khát vọng tâm linh.
Có nên phát ấn rộng rãi?
Sau những ý kiến trái chiều bàn về lễ phát ấn trong đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng hằng năm, các nhà quản lý đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp trong việc tổ chức Lễ hội Đền Trần Nam Định năm 2012.
Nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trần Chiến Thắng.
TS Lê Thị Minh Lý (Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa) khẳng định, Lễ khai ấn đền trần là một nghi lễ văn hoá do cộng đồng sáng tạo ra và được trao truyền từ đời này qua đời khác, góp phần vào đa dạng văn hóa, nên chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ. Dù chỉ mấy năm gần đây, nhưng cộng đồng đã duy trì, xã hội thừa nhận rồi thì xã hội nên tôn trọng, tìm cho nó phương thức giải quyết đề phù hợp mong muốn của cộng đồng. Chúng ta nên thay đổi cách quản lý chứ không nên dừng nó lại. TS. Lê Thị Minh Lý cũng đề xuất: Chúng ta nên kiểm kê để nhận dạng lai các giá trị của các di sản vật thể và phi vật thể có liên quan đến lễ hội đền Trần để bảo vệ những di sản sống. Tuyên truyền thông tin những giá trị đích thực để cho mọi người không bị hiểu nhầm, ngộ nhận. Nếu chỉ cần nó như là một niềm tin thì đã duy trì giá trị di sản rồi.
Kết thúc Hội thảo, PGS-TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện VHNT VN khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học. Đây là một vấn đền liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng, vì vậy Viện VHNT VN sẽ tiếp tục bàn với các cơ quan liên quan, dựa trên các ý kiến tại hội thảo để hoàn chỉnh đề án trước khi công bố bản đề án cuối cùng.