Chặn bước các "sát thủ" sử dụng súng thanh toán nhau
Pháp luật - Ngày đăng : 14:36, 18/07/2011
Nếu cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện ngoài súng quân dụng theo quy định, các loại vũ khí còn lại, nhất là súng hoa cải, súng bút… với độ sát thương cực cao nhưng không bị xử lí hình sự vì pháp luật chưa có khung quy định. Chính bởi vậy nên quá trình xác minh không được thực hiện triệt để và hiệu quả, tạo "kẽ hở" cho các đối tượng hoành hành.
Các đối tượng dùng vũ khí "nóng" gây án |
Pháp lệnh Quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHH) có hiệu lực sẽ có nhiều chế tài mạnh xử lí các vi phạm, đồng thời cởi mở hơn cho lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân.
Các vụ án kinh hoàng do sử dụng vũ khí gây ra
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra 196 vụ án liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án. Lực lượng Công an đã bắt 136 đối tượng, thu hồi 30 vũ khí quân dụng, 14 súng tự chế, 44 vũ khí thô sơ, 33 công cụ hỗ trợ, 3.831 kíp mìn, 941 viên đạn, 4.632kg thuốc nổ...
Số liệu trên cho thấy tình trạng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án đang cực kỳ phức tạp, gây lo lắng cho nhân dân. Ngoài ra, gần đây các cơ quan chức năng đã phát hiện bọn tội phạm còn sử dụng súng bút ám sát có độ sát thương cao. Theo dự báo, các đối tượng tội phạm sẽ gia tăng hoạt động với nhiều thủ đoạn nguy hiểm hơn, trong đó việc chúng tiếp tục sử dụng "vũ khí nóng" để thanh toán lẫn nhau, thị uy, bảo vệ hàng, chống trả quyết liệt lực lượng chức năng.
Điển hình là vụ án xảy ra tại khu vực cửa khẩu An Dương, Tây Hồ, Hà Nội xảy ra vào ngày 22/5. Thời điểm đó, Đỗ Bảo Ánh (26 tuổi, ở ngõ 108 Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội) đi xe máy chở hai người khác từ trong ngõ 108 Nghi Tàm ra ngoài đường, đã va chạm giao thông với anh Lê Ngọc Sơn (40 tuổi).
Cú va chạm giao thông làm hai bên xảy ra xích mích, đe dọa nhau. Tức tối, nhóm của Ánh chuẩn bị dao kiếm, đi tìm để "dạy cho Sơn một bài học". Nghe tin này, Sơn cũng gọi hội mang theo "hàng nóng" đến nhà Ánh trả thù. Hai nhóm giáp mặt nhau ở khu vực cửa khẩu An Dương. Tại đây, hai bên đuổi đánh nhau suốt dọc tuyến đường Hồng Hà khiến mọi người kinh hồn bạt vía.
Khi đuổi nhau đến trước cửa số nhà 9, một đối tượng trong nhóm của Sơn rút súng bắn đạn hoa cải, chĩa về phía nhóm của Ánh nổ súng, khiến anh Hoàng Hữu Đức (22 tuổi, trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội), bị tử vong. Được biết, Ánh là đối tượng có 1 tiền án, 3 tiền sự; còn Sơn là đối tượng có 2 tiền án. Hay như vụ án xảy ra tại vũ trường Heaven nằm trong khuôn viên CLB Lao Động, TP Vinh, Nghệ An.
Thời điểm xảy ra vụ án, anh Nguyễn Tuấn Trung (28 tuổi) ở phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An và các bạn đang xem ca nhạc tại vũ trường Heaven, ở TP Vinh. Nhóm bạn của anh Trung đã che khuất tầm nhìn của Nguyễn Khắc Nhật, 18 tuổi là học sinh lớp 11 và các bạn trong nhóm của Nhật. Vì vậy, hai bên đã xảy ra cãi nhau.
Nhật liền rút súng giấu trong người bắn thẳng vào anh Trung khiến nạn nhân tử vong. Công an TP Vinh đã bắt giữ Nhật, thu 1 khẩu súng cùng với 3 vỏ đạn hoa cải. Nghiêm trọng nhất là vụ án giết người do nợ 10 triệu đồng xảy ra trên đường Kim Liên mới, thuộc địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Nạn nhân là chị Vũ Thị Liên, 20 tuổi, trú ở phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội.
Do chị Liên nợ Đồng Cao Cường (tức Cường "hổ", 28 tuổi, ở Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng) 10 triệu đồng đến hạn chưa trả. Trong quá trình đòi nợ, hai bên nảy sinh cãi cọ nhau, hẹn ra đường Kim Liên mới giải quyết. Chị Liên cùng với một số bạn của mình đi xe taxi đến địa điểm trên, còn nhóm Cường "hổ" dẫn theo 9 tên đi 4 xe máy đến, chặn chiếc taxi ở lòng đường, nhằm đầu chị Liên nổ súng.
Vụ án khiến anh Bùi Mạnh Quân (27 tuổi, ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm), lái xe taxi cũng bị thương nặng. Không chỉ thế, sau khi bỏ đi, các đối tượng còn tiếp tục bắn về phía chiếc taxi. Kiểm tra xe taxi, lực lượng chức năng thu giữ một viên đạn ghém chưa nổ, nắp báng súng, một đoạn đao bị gãy...
Đáng lưu tâm hơn, thực tiễn đấu tranh trong các vụ án và chuyên án ma túy của các lực lượng chức năng cho thấy bọn tội phạm ma túy thường sử dụng các vũ khí nóng có khả năng sát thương cao, từ xa và sát thương nhiều người. Loại vũ khí mà chúng ưa sử dụng là súng quân dụng tiểu liên AK47, súng ngắn K54, K59, Colt, súng bắn đạn hoa cải, lựu đạn…
Điển hình như ngày 13/3, cơ quan Công an bắt đối tượng Lê Văn Thiện, 46 tuổi, trú ở Gia Viễn, Ninh Bình tàng trữ trái phép ma túy tại nhà Nguyễn Thị Hạnh, ở Bảo Lộc 1, Thanh Châu, Phủ Lý, Hà Nam. Khám nhà Hạnh, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 2 bánh heroin, 6 khẩu súng các loại, 350 viên đạn, 2,7kg đạn súng hơi, bình xịt hơi cay, kiếm...
Cảnh sát nổ súng đúng sẽ không phải chịu trách nhiệm
Đại tá Vũ Bá Dạc, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lí hành chính về TTXH, Bộ Công an thừa nhận hiện nay hình tàng trữ, sử dụng, buôn bán vũ khí vật liệu nổ diễn ra phức tạp, Nghị định 47/CP năm 1996 của Chính phủ về Quản lí, thu hồi VK, VLN, CCHT không còn phù hợp.
Chính vì vậy, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ trình UBTV Quốc hội ban hành Pháp lệnh Quản lí, thu hồi VK, VLN, CCHT trong tình hình mới. Pháp lệnh sẽ tạo ra hành lang pháp lí cao nhất để quản lí, thu hồi VK, VLN, CCHT; tổ chức tốt công tác thu hồi, tiêu hủy, xử lí nghiêm các hành vi tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí tự chế như súng bắn đạn ghém, đạn ria...
Còn Đại tá Thái Dũng, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Cảnh sát QLHC - người gắn bó với Pháp lệnh Quản lí, thu hồi VK, VLN, CCHT cho biết Pháp lệnh có nhiều điểm mới, trong đó quy định vũ khí gồm vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự, trong đó các loại vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ quy định nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng được coi là vũ khí quân dụng.
Điều này sẽ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị điều tra khi phát hiện, thu giữ các loại vũ khí trên. Ngoài ra, các loại súng săn, súng kíp, súng hơi, vũ khí thể thao và các loại vũ khí thô sơ dùng để luyện tập thể thao, vật liệu nổ và phụ kiện; công cụ hỗ trợ gồm súng bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laser, pháo hiệu, các loại dùi cui: điện, cao su, kim loại; bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay bắt dao, lá chắn... đều bị nghiêm cấm.
Đồng thời, nghiêm cấm cá nhân sở hữu, chế tạo, mua bán, cho, tặng, thế chấp, cầm cố, đào bới, tìm kiếm VK, VLN, CCHT; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được trang bị sử dụng VK, VLN, CCHT.
Đặc biệt, quy định mới về việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng chức năng được "cởi" hơn so với trước, người nổ súng sẽ không phải chịu trách nhiệm khi nổ súng đúng.
Cụ thể, khi làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền, việc nổ súng phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng, chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.
Được nổ súng ngay nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân cho người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Được nổ súng khi đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ; đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối TTCC có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội nghiêm trọng hoặc đang chạy trốn hoặc chống lại.
Lực lượng chức năng được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy để dừng các phương tiện đó nếu đối tượng điều khiển phương tiện tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin; khi biết rõ phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia...
Như vậy trong thực trạng "vũ khí nóng" cứ ở mức báo động đỏ như hiện nay, an ninh trật tự xã hội bị đe dọa, nhiều bộ phận thanh thiếu niên chưa đủ nhận thức sẽ dễ phạm tội nghiêm trọng thì việc siết chặt quản lý các loại "vũ khí nóng", CCHT, VLN sẽ ngăn chặn được những vụ án đau lòng. Và qua đó, người dân không còn phải sống trong trạng thái bất ổn tâm lý, nơm nớp lo sợ tai bay vạ gió từ những kẻ côn đồ.
Đại tá Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH, Bộ Công an:
Bên cạnh đó, việc cấm các loại VK, VLN, CCHT cũng sẽ ngăn được nhiều vụ án do sử dụng súng, vũ khí tự tạo gây ra. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lí VK, VLN, CCHT, cần thành lập 1 phòng chức năng để tổ chức chặt chẽ, chuyên sâu từ Trung ương đến địa phương mới đáp ứng được yêu cầu. Hiện tại, chúng tôi đã xây dựng Nghị định, Thông tư liên bộ, kế hoạch của Bộ Công an để trình các cấp ban hành đảm bảo đúng yêu cầu, thời gian, góp phần cho việc thực hiện Pháp lệnh được bài bản, thông suốt. |