Tín hiệu khả quan từ một mô hình
Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 18/07/2011
Mô hình của Công ty CP Xuất khẩu thực phẩm Foodex (huyện Đan Phượng) là minh chứng cho việc: khi DN nỗ lực vượt qua khó khăn, hợp tác cùng nông dân, cơ quan chức năng tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cho DN cạnh tranh bình đẳng, khi đó cơ sở GMGSGC tập trung sẽ phát huy hiệu quả.
Chứng minh "sống được"
Dây chuyền giết mổ lợn của Foodex rất hiện đại
Ông Lê Đình Phượng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu thực phẩm Foodex cho biết, trước năm 2010, DN "đau đầu" khi đưa dự án dây chuyền giết mổ tập trung, quy mô lên tới 1.800 con/ngày, đầu tư gần 10 tỷ đồng với đầy đủ các hạng mục công trình, cùng với hệ thống cấp đông lạnh, kho trữ, an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu vào hoạt động mà không cạnh tranh được với các tiểu thương giết mổ nhỏ lẻ. Đã xảy ra cảnh "cá bé nuốt cá lớn" khi lúc đó, trung bình DN chỉ giết mổ 5 con lợn/ngày, trong khi phải "nuôi" cả bộ máy hơn 40 người. DN lỗ nặng, ban quản trị đã từng tính đến phương án đóng cửa nhà máy. "Cứ nghĩ đến việc dây chuyền giết mổ hiện đại gần chục tỷ đồng thành đống sắt vụn, mà cơ sở giết mổ nhỏ lẻ lại "ăn lên làm ra" chúng tôi không đành lòng", ông Phượng nói.
Tuy nhiên cùng với nỗ lực của TP trong việc đẩy mạnh xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, đưa DN tham gia chương trình bình ổn giá, tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng thực phẩm an toàn vệ sinh, kiểm tra các cơ sở giết mổ thủ công đang hoạt động, đóng cửa các cơ sở gần khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường... và sự nỗ lực tìm kiếm thị trường, khẳng định thương hiệu của DN, đến nay sản phẩm thịt lợn của Foodex đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn với 10 điểm bán hàng lẻ ở khu vực phía tây thành phố. Từ chỗ chỉ giết mổ 5 con/ngày, nay nhà máy đã giết mổ 200 con/ngày. Ngoài ra, DN còn nhận giết mổ thuê cho các đơn vị khác có nhu cầu. Thời gian tới, nhà máy sẽ nâng công suất hoạt động lên 300 - 600 con lợn/ngày. Mặc dù so với công suất lý thuyết là gần 2.000 con lợn/ngày vẫn còn thấp, song DN coi đây là một tín hiệu khả quan so với thời gian trước thua lỗ liên miên.
"Bắt tay" cùng nông dân
Trong những ngày qua, thịt lợn trên thị trường liên tục tăng giá. Hiện giá thịt lợn hơi DN nhập từ các trang trại đã lên tới 66.000 đồng/kg, thấp hơn thị trường tự do 2.000 đồng/kg vì DN đã đặt hàng trước. Nhưng giá bán của DN trên thị trường: mông sấn 96.000 đồng/kg; nạc vai 105.000 đồng/kg... hạ hơn thị trường tự do gần 20.000 đồng/kg. Với giá bán hợp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm bảo đảm, bạn hàng của DN ngày một tăng. Trong điều kiện nguồn cung luôn dồi dào, DN thu mua hết sản phẩm cho nông dân, giết mổ sau đó tạm trữ tại hệ thống đông lạnh, sẵn sàng tham gia bình ổn giá khi có thiên tai dịch bệnh.
Hiện DN đã xây dựng xong phương án liên kết sản xuất với nhiều trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận. Theo đó, DN cùng các trang trại "góp vốn" chăn nuôi, bảo đảm quản lý chất lượng thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Với hình thức liên kết này, cả DN và nông dân đều có lợi. DN giết mổ có nguồn hàng dồi dào, chất lượng, giá cả hợp lý, nông dân có vốn sản xuất ổn định, không lo thị trường bấp bênh.
Để các cơ sở GMGSGC đi vào hoạt động ổn định, theo đại diện Công ty CP Xuất khẩu thực phẩm Foodex, Hà Nội cần khẩn trương và quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo các cơ quan thú y, công an, quản lý thị trường, ban quản lý chợ… thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ tập trung phát triển ổn định, xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. TP cần quy hoạch địa điểm buôn bán thịt gia súc, gia cầm tại các chợ cố định, chợ đầu mối nông sản thực phẩm để tổ chức quản lý, kiểm soát việc kinh doanh và vệ sinh tiêu độc, khử trùng hằng ngày, tiến tới xóa bỏ tình trạng buôn bán thịt gia súc, gia cầm tại các chợ cóc, chợ tạm trong nội thành.
Hoạt động giết mổ tại Công ty Foodex. Hiện các cơ sở giết mổ công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội chỉ đạt 8,33% công suất giết mổ lợn và 35,71% công suất giết mổ gia cầm và chỉ đáp ứng được 1,23% nhu cầu lợn, 6,99% nhu cầu thịt gia cầm của thành phố. Theo quy hoạch các cơ sở giết mổ GSGC, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 16 cơ sở giết mổ công nghiệp đi vào hoạt động, 72 cơ sở giết mổ GSGC thủ công tập trung. Theo lộ trình đến năm 2020, giết mổ công nghiệp phải chiếm thị phần khoảng 80%, giết mổ thủ công tập trung còn 15%, giết mổ nhỏ lẻ chỉ còn chiếm 5%. |