70 năm huyền thoại Cachiusa

Hồ sơ - Ngày đăng : 07:03, 18/07/2011

(HNM) - Ngày 14-7 vừa qua được xem như ngày hội của các quân nhân, công nhân quốc phòng, cựu chiến binh Nga... khi dàn tên lửa huyền thoại Katyusha (Cachiusa) tròn 70 tuổi.

Kể từ lần đầu tiên xung trận năm 1941, hệ thống tên lửa tự hành này đã đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến tranh vệ quốc của quân đội Xô Viết chống phát xít Đức và luôn được xem là niềm tự hào của nước Nga.

Dàn hỏa tiễn Cachiusa mang theo lửa và những tiếng xé gió đặc trưng mỗi khi khai hỏa.

Sự ra đời của tên lửa Katyusha là câu trả lời của quân đội Xô Viết với chương trình phát triển pháo cối Nebelwerfer 6 nòng của Đức Quốc xã năm 1936. So với pháo truyền thống, dàn phóng hỏa tiễn Katyusha có độ chính xác thấp hơn và mất nhiều thời gian hơn để nạp đạn. Tuy nhiên, loại vũ khí bí mật này của Hồng quân Liên Xô lại tỏ ra hoàn toàn khác biệt với các loại pháo thời kỳ đó do tính cơ động cực kỳ cao. Thiết kế khá đơn giản chỉ gồm một giá có gắn những thanh phóng đạn bằng thép cùng bộ khung gập để nâng thanh phóng lên vị trí mong muốn, Katyusha được lắp ráp trên nhiều phương tiện, từ xe tải, xe tăng, xe kéo pháo đến tàu thủy. Nhờ thế, thứ vũ khí lợi hại này có thể nhả đạn vào mục tiêu và rút lui trước khi bị phản pháo vào vị trí vừa triển khai trước đó. Ngoài ra, hệ thống tên lửa độc đáo của người Nga cũng tỏ ra vượt trội về khả năng tấn công khi có thể bắn cùng lúc nhiều loạt đạn. Với những vũ khí gồm pháo BM-13, pháo hạng nhẹ BM-8 và hạng nặng BM-31, mỗi lần khai hỏa, "dàn đồng ca đỏ" rót xuống kẻ thù 16 đến 48 quả tên lửa. Chỉ trong khoảng thời gian từ 7 tới 10 giây, khoảng 4,35 tấn thuốc nổ của Katyusha có thể cày xới cả khu vực rộng đến 4 hécta, san bằng công sự, phá nát các mục tiêu với cách tấn công được lính Đức ví như rót lửa từ trên trời xuống.

Thế nhưng khả năng sát thương lớn mới chỉ là một phần sức mạnh đáng kinh ngạc của Katyusha. Theo nhiều tài liệu, kỳ quan kỹ thuật của quân đội Xô Viết đã để lại nỗi khiếp sợ trong đội quân Đức quốc xã với tiếng hú đặc trưng của đạn và tiếng rầm rầm của bệ phóng như muốn nuốt chửng tất cả mọi thứ xung quanh. Không kể những binh sĩ Đức bị thương bởi đạn pháo, những tên còn sống sót sau đợt hỏa lực hầu như không còn tinh thần để chiến đấu vì những tổn thương khác nhau từ điếc tai đến hoảng loạn tinh thần. Cũng vì thế, Đức quốc xã đã gọi dàn tên lửa ít tốn kém này của quân đội Xô Viết bằng biệt danh "Đàn organ của Stalin" khi ông từng ví dàn hỏa tiễn như những chiếc ống của chiếc đàn organ khổng lồ và luôn phát ra những âm thanh đặc biệt mỗi khi xung trận. Đội quân của Hitle cũng chưa bao giờ thành công trong kế hoạch chiếm một khẩu đội Katyusha để xem thực hư về loại vũ khí được miêu tả là đại bác phun lửa tự động nhiều nòng.

Cho đến nay, chưa có lời giải thích thấu đáo nào cho câu hỏi tại sao dàn tên lửa tự hành mạnh mẽ này lại mang cái tên quá đỗi dịu dàng từ bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ Mikhail Vasilevich Isakovsky đã nổi tiếng khắp thế giới. Katyusha trong tiếng Nga có nghĩa "Katerina bé nhỏ", là bài ca về một người con gái luôn thủy chung chờ đợi người yêu đang chiến đấu bảo vệ quê hương. Điều đó khiến hệ thống pháo phản lực này luôn nằm trong tâm thức của người Nga. Kể từ ngày 14-7-1941 khi hỏa tiễn Katyusha lần đầu ra mắt trong cuộc chiến đấu gần thành phố Orsa, tỉnh Vitepsk ở Belarus, những khẩu đội tên lửa di động quan trọng này đã luôn cùng Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và là một phần trong lịch sử hào hùng của lực lượng vũ trang Nga.

Minh Nhật