Sơn trạch Tổn

Sách - Ngày đăng : 10:54, 25/05/2011

(HNNN) - Nội dung bức tranh tả hai người, một già một trẻ ngồi đàm đạo với nhau, chai rượu của người lớn tuổi nhỏ hơn, chai rượu của người nhỏ tuổi lớn hơn, cũng tức là được phần nhiều hơn.

Người già giảng giải cho người trẻ theo ý xoay vòng tròn theo chu kỳ hoa đến mùa xuân hoa nở, trăng đến rằm trăng tròn. Tổn biểu thị sự tổn giảm, tổn thất một cách có ý nghĩa như phụng dưỡng, phục vụ. Lấy sức lực của mình ban tặng cho người khác, cống hiến cho xã hội dù không hoàn toàn thu lại được lợi ích cho bản thân, thậm chí bị thiệt hại nhưng vẫn cảm thấy vui mừng. Đó là ý thức tự nguyện vứt bỏ ham muốn nhỏ bé vì mục đích lớn hơn, coi mất là được cũng như cống hiến, hy sinh cho người mà mình yêu quý.

Thuyết văn cũng nói rằng, Tổn là tổn hại, giảm đi, hủy hoại giống như hiện tượng thỏi mực bị mài mòn dần đi, hòa với nước thành mực viết nên đó gọi là tổn. Quẻ này còn ngụ ý nhắc nhở con người ta hưởng thụ nên có chừng mực vì năng lượng và sức sống cũng chỉ như bình dầu đèn, không nên đốt cạn nó vì bất kỳ lý do nào, đó là cách tự hủy hoại mình. Tổn có triệu là tổn kỷ lợi nhân (thả mồi tôm, bắt cá to). Màu sắc của tổn là vàng - tím để truyền tải tinh thần chịu đựng, khổ hạnh tự giác. Phần lớn lòng oán hận sinh ra từ bực tức, lòng ham muốn sinh ra từ vui mừng nên người quân tử đừng bao giờ tỏ ra quá oán hận và ham muốn. Muốn giảm bớt và phòng ngừa phải học cách khống chế bản thân. Con người ta vì dục vọng sinh ra tranh giành, từ tranh giành sinh ra oán hận, từ oán hận sinh ra giận dữ, rồi mất khôn để mọi chuyện bùng phát không lường trước hậu quả. Vậy nên những nguyên tắc của Tổn là:

1. Cần phải biết sử dụng sức mạnh và điều chỉnh thích hợp trong hoàn cảnh cụ thể. Nên lượng sức mà làm, tránh tự vắt kiệt sức bởi nếu cần phải làm tiếp hoặc làm lại thì không còn sức dự trữ nữa. Lão Tử nói: Ta có ba thứ quý phải giữ gìn: Một là lòng nhân từ, hai là tính tiết kiệm, ba là không dám đi trước thiên hạ. Không dám đi trước thiên hạ nên có thể trở thành người có khí chất hơn người. Bởi nhân từ mà cậy sức, bỏ tiết kiệm mà hoang phí, bỏ vị trí mà chạy trước thiên hạ, ấy là con đường đi tới chỗ chết.

2. Đôi khi phải biết ức chế sức mạnh của mình, không nên sử dụng sức mạnh vào những mục đích không chính đáng như áp chế người khác thì bản thân mình sẽ bị cô lập và sụp đổ. Thời Chiến quốc, nước Trịnh nằm giữa hai nước lớn là Tấn và Sở. Một lần, Trịnh Vương đem quân đi đánh nước Thái, thắng trận trở về, cả triều đình ca ngợi tung hô, nhưng con trai của Trịnh Vương là Tử Sản lại phân tích rằng: Nước Trịnh là một nước nhỏ, không tập trung sức lực quản lý, phát triển đất nước lại đem quân đi vô cớ đánh nước nhỏ khác là không có đạo đức. Sau sẽ ít người giúp, có thể gặp họa. Trịnh Vương tức giận, mắng Tử Sản, nhưng đúng là chỉ ít lâu sau, vì sự kiện chèn ép nước Thái nên hai nước Tấn, Sở luân phiên tấn công khiến nước Trịnh không thể yên ổn, bị cô lập mà không ai giúp.

3. Bớt chỗ thừa, bù chỗ thiếu là quy luật bình thường của tự nhiên. Lão Tử cho rằng: Đạo của trời cũng giống như việc giương cung tên. Cao thì hạ xuống, thấp thì nâng lên, thừa thì bớt đi, thiếu thì thêm vào. Đạo của trời là bớt chỗ thừa, thêm chỗ thiếu. Quan điểm thêm bớt ấy vô cùng phong phú với hàng vạn hình thức khác nhau và có những việc tưởng bớt đi chút sĩ diện của mình thì lại được cái lợi khác lớn hơn. Sử chép năm 341 (tr. CN), hai nước Tề - Ngụy giao chiến, quân Tề đại thắng, giết 10 vạn quân Ngụy. Ngụy Vương gọi Huệ Thi đến, bàn cách huy động quân đi trả thù nước Tề, nhưng Huệ Thi không tán thành và phân tích rằng: Đất nước không có điều kiện phòng thủ và tiến công; nay bệ hạ lại muốn đem quân đánh Tề là thiếu nguyên tắc và mưu lược. Bệ hạ hãy chịu nhún đi yết kiến vua Tề, xưng làm bề tôi để chọc tức nước Sở, sau đó phái thuyết khách đi kích động nước Sở đánh Tề, như thế sẽ báo được thù. Quả nhiên về sau chiến tranh nổ ra, Sở đánh bại Tề ở Từ Châu. Trong sử nước ta, sau khi đánh bại gần 30 vạn quân Thanh, vua Quang Trung dùng biện pháp hòa hảo. Ông cho người sang thương lượng trao trả tù binh và triều cống nhưng cũng viết thư yêu cầu Tổng đốc Lưỡng Quảng trả lại đất bảy châu thuộc Hưng Hóa trước kia bị nhà Thanh xâm lấn. Chỉ tiếc là việc đang tiến hành thì nhà vua mất đột ngột nên không có kết quả.

4. Việc thêm bớt sức mạnh của mình nhiều khi chỉ là kế hư thực nhằm nghi binh đánh lừa đối phương. Trong phép dụng binh thì đây là phép hư trương thanh thế. Thời Đông Hán, Ngu Hử làm Thái thú Vũ Đô. Khi nước Chương chiếm Vũ Đô, đánh chặn quân Ngu Hử ở Trần Tang, Hử bèn tung tin đang chờ viện binh kéo tới khiến quân Khương phải vội chia quân đi chặn các ngả đường. Hử nhân cơ hội ra lệnh cho quân rút lui, nhưng tăng số bếp ăn lên gấp đôi khiến quân Khương nghi ngại không dám đuổi theo. Đến Vũ Đô, quân của Ngu Hử chỉ có 3.000 trong khi quân Khương có hơn 1 vạn. Ngu Hử lại lệnh cho binh sĩ dùng loại cung tên bắn ra một lần 20 mũi khiến quân Khương tưởng là viện binh đã đến, bỏ thành chạy ra ngoài. Ngu Hử xông vào chiếm thành rồi ra lệnh cho quân sĩ đi ra cửa Đông, thay quân phục rồi quay lại vào cửa Tây vài lần khiến quân Khương chắc mẩm đã có viện binh đến nên đành lui binh.

5. Thường thói đời hay nói cửa miệng là giảm bớt đi, nhưng là giảm bớt của mình để dành cho mình hoặc thân nhân mình dùng về sau chứ không ai thực sự muốn giảm bớt của mình cho người khác cả. Xét về tính nhân văn thì phải đem của mình giúp người mới là nhân đạo. Nếu chỉ thích lấy của người, tham thì thâm. Thời nhà Tống ở Hàng Châu, có một chủ nhà trọ hay bắt chẹt khách hàng, thu tiền rất cao. Danh họa Đường Bá Hổ muốn dạy cho hắn một bài học nên khi lão chủ đến xin vẽ tranh chân dung, Đường thông báo là tranh chia 2 đẳng cấp: Tranh phúc tướng 20 lạng bạc, tranh bần tướng chỉ 10 đồng. Lão chủ nghĩ ngay cách quỵt tiền nên đặt vẽ tranh 20 lạng với điều kiện nếu vẽ không giống thì phải đền lão 20 lạng. Tranh vẽ xong, tuy giống hệt nhưng lão chủ vẫn khẳng định không giống lão. Đường bắt lão phải đề mấy chữ không giống tôi phía dưới tranh rồi đền cho lão 20 lạng bạc. Lão chủ rất đắc ý. Nhưng Đường Bá Hổ đem bức tranh lên phố huyện, đề là tranh bần tướng và treo lên rao bán. Mọi người đổ xô đến xem, cả gia đình, hàng xóm, họ hàng, bạn bè lão chủ cũng xúm vào bàn tán xôn xao. Lão chủ vừa tức vừa xấu hổ, phải nhờ người đến mua lại bức tranh với giá 50 lạng bạc.

6. Khi đang có quyền thế và của cải, bất luận thế nào cũng cần bớt của mình đi để giúp hoặc làm phúc cho người khác thì mới có ích lợi lâu dài, lấy được tình cảm và sự ủng hộ của nhiều người. Thời Hán - Sở tranh hùng, sau khi Lưu Bang thắng Hạng Vũ, chỉ luận công ban thưởng cho các công thần đã cùng vào sinh ra tử trong 20 năm, còn với những người khác thì lần lữa không quyết. Một hôm thấy nhiều quan lại đang tụ tập bàn tán, Lưu Bang hỏi xem họ đang nói gì thì Trương Lương đáp họ đang âm mưu làm phản. Lưu Bang hoảng hốt hỏi nguyên nhân thì Trương giải thích: Sau khi lên ngôi, bệ hạ thưởng cho các công thần thôi, số còn lại có gộp đất đai cả nước vào cũng không đủ chia. Vậy nên những người này sợ hoặc không được phong đất hoặc sợ bị lôi ra truy tội trước kia đã có lần bại trận nên phải tụ tập lại mưu phản. Lưu Bang đành nhờ Trương Lương nghĩ giúp cho kế sách giải quyết. Trương gợi ý nên chọn ra một kẻ mà Lưu Bang ghét nhất là Ung Xỉ để phong đất rồi công bố cho mọi người cùng biết. Quả nhiên, các quan lại khác vui vẻ tin tưởng sẽ đến lượt mình nên yên tâm chờ đợi, không ai có ý làm phản nữa.

Đ.H.L