Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang…
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:29, 18/07/2011
Nhọc nhằn cấy thuê và... thuê cấy
Đến nay, ở nhiều xã thuộc huyện Từ Liêm như Đại Mỗ, Tây Mỗ… việc "giải phóng" đất cho vụ mùa vẫn chưa được triển khai. Hỏi ra mới biết, những hộ có ruộng thì lao động trong nhà đã đi làm thợ, buôn bán xa, chẳng còn người làm đất để cấy lúa. Họ vẫn đợi lao động từ nơi khác đến để thuê, mướn. Xuôi huyện Hoài Đức, khung cảnh đồng ruộng nơi đây cũng "ảm đạm" không kém. Những cánh đồng xen kẹt giữa những khu đô thị, dự án... vẫn chưa có dấu hiệu chuyển động cho vụ mùa. Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến cho biết, năm nào tiến độ cấy mùa của huyện cũng chậm hơn những huyện khác, đặc biệt là một vài xã có nghề thủ công như Đức Giang, Sơn Đồng... Việc cấy, gặt theo thời vụ ở các xã này hầu hết phải phụ thuộc vào lao động bên ngoài. Như ở xã Đức Giang, do làng nghề phát triển, chẳng ai mặn mà với đồng đất, cây lúa nên lao động làm vụ mùa 100% là từ bên ngoài. Đáng nói, thời điểm này đã kết thúc lịch gieo cấy nhưng vẫn rất khó thuê, mướn lao động.
Do thiếu lao động dẫn đến nhiều địa phương gieo cấy muộn, lỡ khung thời vụ, lúa dễ bị sâu bệnh, năng suất thấp. Ảnh: An Hòa |
Do thời tiết rét đậm đầu năm 2011, vụ xuân năm nay muộn hơn cùng kỳ năm trước tới 15 - 20 ngày, việc cấy lúa mùa đòi hỏi rất khẩn trương để kịp có đất cho sản xuất vụ đông. Thời gian dành cho việc gieo cấy lúa mùa lại diễn ra trong khoảng thời gian khá eo hẹp, gần như cùng lúc với thu hoạch lúa xuân khiến không ít hộ nông dân, đặc biệt là ở những nơi ngành nghề dịch vụ phát triển phải "tất tả" đi thuê nhân công cấy. Tuy nhiên, thuê lao động không dễ, nhân công làm thuê vụ mùa năm nay ít hơn, giá thuê cấy cao gấp đôi so với năm trước. Chị Nguyễn Thị Hồng, xóm I, thôn Lưu Xá, xã Đức Giang (Hoài Đức) cho biết, vụ lúa xuân vừa qua, cả thôn phải đi thuê người gặt từ nơi khác, giá thuê cao ngất ngưởng, từ 250-300 nghìn đồng/ngày công cộng với bữa ăn trưa. "Vụ mùa này, cả thôn chưa ai cấy được dảnh mạ nào, có nhà còn chưa làm đất, vẫn đợi thuê nhân công. Giá thuê cấy dự báo cũng ở mức cao, một vài người đến đây đã đòi 300 đến 350 nghìn đồng/ngày công, trong khi năm ngoái chỉ khoảng 150 đến 170 nghìn đồng/ngày. Rồi công chăm bón, gặt, phơi... thì lấy đâu ra lãi, cứ thế này thì đến bỏ ruộng" - chị Hồng than vãn. Cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự, bà Đặng Thị Lan, thôn Thượng Mạo, phường Phú Lương (quận Hà Đông) cho biết, nhà chỉ còn hai vợ chồng già trên 70 tuổi, các con đều đi làm trong doanh nghiệp, buôn bán nên không có người làm ruộng. Thời vụ gấp gáp, các con đã cho tiền thuê nhân công nhưng giá một ngày công không những cao mà việc thuê được người cũng khó khăn. Để cấy 2 sào ruộng, bà Lan đã phải sang tận thôn, xã khác thuê người cấy, thậm chí phải đặt cọc trước 50% tiền thuê. Thế mới thấy, nghề cấy thuê đang ngày một "lên ngôi"!
Về "làng cấy thuê"
Chúng tôi về xã Liên Hiệp (Phúc Thọ), trên những cánh đồng màu xanh của lúa mới cấy đã phủ kín. Công việc đồng áng của nhà nông đã gọn nhưng từ sớm tinh mơ, chị em phụ nữ trong thôn vẫn tất tưởi bắt đầu ngày mới trên những chiếc xe đạp cà tàng để đi cấy thuê. Trong vai người cần nhân công, chúng tôi có cuộc trò chuyện cởi mở với chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Hà Hiệp, xã Liên Hiệp, chị thổ lộ: "Chúng tôi đi thế này là còn muộn đấy, có những chị đi từ 4h sáng, một năm hai vụ, chị em cứ cấy, gặt xong là đến các xã, huyện lân cận để cấy thuê, gặt mướn. Năm nay giá cả mọi thứ đều tăng, tiền thuê cấy sẽ cao nên đi làm cũng có đồng ra đồng vào để chăm lo cho gia đình". Chỉ làm thuê mươi, mười lăm ngày, mỗi bà, mỗi chị có thể kiếm vài triệu đồng giắt lưng. Đó là món tiền đáng kể đối với nhà nông. Chị Hồng cho biết, thôn chị có người còn đứng ra làm "cai thầu", người cần lao động tìm đến "cai", "cai" lại đi tìm lao động trong thôn. "Cấy thuê bây giờ cũng phải sắp lịch đấy!" - chị Hồng dí dỏm. Thế nhưng, nghề cấy, gặt thuê cũng vất vả, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", luôn phải chịu đựng cái nắng cháy da, cháy thịt và cái lạnh đến thấu xương. "Nghề nào cũng vậy, phải vất vả mới kiếm được miếng ăn, không cấy thuê biết làm gì. Ấy là còn có ruộng để cấy, nhiều nơi, đô thị mọc lên, đất nằm trong quy hoạch, dù dự án chưa được triển khai nhưng họ cũng chẳng mặn mà làm lúa. Các cụ ngày xưa có bao giờ bỏ ruộng đâu" - chị Đỗ Thị Hảo, người cùng thôn với chị Hồng góp chuyện.
Ở các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn cũng có nhiều xóm, làng "nổi tiếng" vì nghề "cấy thuê, gặt mướn". Là một trong những thợ chuyên nghiệp, có thâm niên trên 10 năm, thu nhập không dưới 2 triệu đồng mỗi vụ, nhưng chị Nguyễn Thị Minh ở Minh Trí (Sóc Sơn) lại có suy nghĩ khác, chị phân trần: "Bỏ nghề cấy, gặt thuê, tôi tiếc lắm. Vì chỉ cần tranh thủ vài ngày đã kiếm được kha khá tiền. Nhưng xét cho cùng, đây chỉ là công việc mang tính thời vụ. Sắp tới, tôi tính phải xin vào làm công nhân cho một cơ sở sản xuất gần nhà".
Cần có giải pháp?
Nếu như trước đây, chúng ta chỉ nghe nói đến thiếu nhân công trong khu, điểm công nghiệp, thì nay nguồn nhân lực làm nông nghiệp cũng đang khan hiếm. Đã đến lúc ngành chức năng cần quan tâm đến vấn đề này và đầu tư cho cơ giới hóa một cách hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất và phù hợp với xu thế hiện nay. Theo một khảo sát mới đây của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân thiếu nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp thời gian gần đây là do phần lớn những người trong độ tuổi lao động, có sức khỏe, lao động trẻ ở nông thôn đã chọn giải pháp thoát ly nông nghiệp, đi làm ăn xa (ly nông bằng ly hương) trong các nhà máy, doanh nghiệp. Vì thế, người già, trẻ nhỏ ở lại phải chạy đua cùng thời vụ trên những cánh đồng. Nhiều hộ nông dân lại phải chấp nhận bỏ tiền thuê nhân công làm nông nghiệp với giá gấp đôi. Ông Nguyễn Duy Hồng, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho rằng, do đặc điểm thời vụ năm nay diễn ra gấp gáp, thu hoạch lúa xuân đến đâu, làm mùa ngay tới đó, nên nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp trở nên khan hiếm hơn, trong khi lao động dôi dư tại các vùng nông thôn không nhiều. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở những địa phương có nghề thủ công truyền thống, những nơi buôn bán, dịch vụ phát triển, có tốc độ đô thị hóa cao... Theo ông Hồng, có một nguyên nhân khác nữa là những cánh đồng còn lại trong vùng đất xen kẹt giữa khu đô thị, dân cư, khu công nghiệp khó canh tác vì hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi bị phá vỡ, không bảo đảm được nước tưới, đi lại nên có chỗ phải bỏ hoang. Những vấn đề nêu trên cần được xem xét, đánh giá ở nhiều khía cạnh, trên cơ sở thực tế, vì hầu hết các vùng đất ven đô của Hà Nội đều rơi vào tình trạng cấy muộn, gặt muộn mỗi khi mùa vụ đến.
Tình trạng thiếu nhân công hoặc người dân địa phương không mặn mà với sản xuất nông nghiệp đang là bài toán khó cho nhà quản lý, dẫn đến hệ quả là nhiều địa phương bị lỡ khung thời vụ tốt nhất, lúa dễ bị sâu bệnh, năng suất thấp... Đặc biệt, trong bối cảnh yêu cầu bảo vệ diện tích đất "bờ xôi ruộng mật" để trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng, thì đòi hỏi giải quyết tình trạng để đất hoang hóa, lãng phí hoặc canh tác thiếu trách nhiệm cần được đặt ra nghiêm túc nhằm tìm giải pháp triệt để.