Cử tạ Việt Nam và bài toán cho tương lai

Thể thao - Ngày đăng : 06:17, 17/07/2011

(HNM) - Niềm vui khi Thạch Kim Tuấn giành 1 HCB, 2 HCĐ tại giải trẻ thế giới vừa qua đi, lập tức cử tạ Việt Nam lại phải lo giải quyết những bài toán trước mắt. Tất cả xoay quanh việc đầu tư cho Thạch Kim Tuấn, cho chiến lược đến Olympic 2012 cũng như SEA Games 26.

Thạch Kim Tuấn: 56kg hay 62kg?

Ngay từ lúc Thạch Kim Tuấn đoạt chức vô địch hạng 56kg Olympic trẻ thế giới, dân trong nghề sau thoáng vui mừng đã lộ vẻ lo âu. Đúng là Thạch Kim Tuấn còn trẻ, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và được ngành thể thao đầu tư hết mực từ chế độ luyện tập, dinh dưỡng đến thuê HLV ngoại. Điều này đã được chứng minh ở giải vô địch trẻ thế giới vừa qua tại Malaysia. Trước giải, thành tích cử tổng (tính chung cả cử giật lẫn cử đẩy) tốt nhất của Thạch Kim Tuấn chỉ là 256kg. Nhưng sau nửa năm tập luyện, Thạch Kim Tuấn đã đạt 273kg, giúp Tuấn đầy cơ hội lọt vào Olympic 2012 bằng suất chính. Chính đàn anh Hoàng Anh Tuấn (HCB 56kg tại Olympic 2008) khi hay tin Thạch Kim Tuấn đạt thành tích trên cũng đã trầm trồ khen ngợi. Hoàng Anh Tuấn nói rằng:" Đạt được thành tích ấy là quá tốt rồi. Đến tầm này, phải đạt thành tích ấy mới có cơ hội tranh chấp ở các giải thế giới dành cho các VĐV đội tuyển quốc gia".

VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn.

Thế nhưng điều làm người ta lo ngại không phải là chế độ luyện tập hay ý chí phấn đấu của Thạch Kim Tuấn. Chiều cao của Thạch Kim Tuấn mới làm các nhà chuyên môn phải suy nghĩ. Hiện tại, Thạch Kim Tuấn vẫn phát triển về chiều cao và như vậy sẽ không còn phù hợp với hạng 56kg, luôn dành cho các VĐV thấp nhỏ. Cũng vì thấp nên VĐV không phải vướng bận quá nhiều chuyện ép cân bởi càng ép cân nhiều thì thành tích càng suy giảm. Hoàng Anh Tuấn và nhiều lực sĩ hạng 56kg khác đều rất thấp trong khi Thạch Kim Tuấn cao hơn hẳn. Nếu tiếp tục thi đấu ở hạng 56kg, Thạch Kim Tuấn sẽ phải ép cân rất nhiều và lúc ấy sẽ khó đạt thành tích cao vì không đạt được chỉ số lý tưởng về chiều cao - cân nặng, giúp con người đạt trạng thái sức khỏe tốt nhất.

Vì thế phương án đưa Thạch Kim Tuấn lên thi đấu ở hạng 62kg đã được đặt ra. Nhưng để có thể giành thành tích tốt ở hạng này, Thạch Kim Tuấn sẽ phải đạt mức cử tổng khác, lớn hơn rất nhiều mức 273 kg. Lúc đó lực sĩ này sẽ phải nỗ lực gấp bội và chế độ, phương pháp tập luyện cũng sẽ thay đổi nhiều.

Ngoài ra, sau thành tích 273kg của Thạch Kim Tuấn, người trong nghề cũng lo rằng Kim Tuấn khó có thể đạt mức 285kg, mức có thể tranh chấp huy chương đồng, ở thời điểm diễn ra Olympic 2012. Để lên mức từ 270kg ở lứa tuổi trẻ như Kim Tuấn thì không quá khó nhưng để qua ngưỡng 280kg là cả vấn đề. Hoàng Anh Tuấn đã phải mất gần 2 năm mới có thể từ mức 276kg lên 285kg. Và dự báo Thạch Kim Tuấn cũng mất từng ấy thời gian. Như thế cơ hội giành huy chương tại Olympic 2012 (nếu Kim Tuấn được tham dự) hầu như khó xảy ra.

Giải thế giới hay SEA Games 26?

Chỉ trước SEA Games 26 một tuần, ngày 5-11, giải vô địch cử tạ thế giới 2011, cũng là giải đấu xét chuẩn tham dự Olympic 2012 sẽ khai mạc tại Paris (Pháp) và kéo dài đến 13-11. Trong khi đó, SEA Games 26 diễn ra từ ngày 11-11 và thường thì môn cử tạ diễn ra trong những ngày đầu của SEA Games. Lúc này, cử tạ Việt Nam đã phải lên phương án để có thể tham dự hai giải trên. SEA Games tiếng là "ao làng" nhưng vẫn được ngành thể thao quan tâm và đặt chỉ tiêu cụ thể, trong top 3. Thế nên cử tạ cũng không thể ngoài cuộc. Nhưng nếu dự giải thế giới rồi dự SEA Games thì chắc chắn các lực sĩ không kịp hồi phục, không thể đạt thành tích tốt nhất. Phương án chia lực lượng tham dự giải trên là hợp lý nhất. Vấn đề là ai dự giải thế giới, ai dự SEA Games? Ngay cả Thạch Kim Tuấn cũng cần được tính toán tham dự giải nào để phù hợp nhất.

Thông tin gần đây từ những người có trách nhiệm cho thấy Thạch Kim Tuấn sẽ tham dự SEA Games 26 còn lực sĩ khác ở hạng 56kg sẽ dự giải thế giới. Thành tích tại giải trẻ thế giới vừa qua của Kim Tuấn cũng ít nhiều khiến người ta tin vào cơ hội đoạt vé tham dự Olympic 2012 trong khi SEA Games 26 sẽ là đấu trường vừa sức hơn giải thế giới. Ngay cả trong các lực sĩ nữ cũng cần cân nhắc ai dự giải thế giới để tích điểm dự Olympic 2012, ai dự SEA Games để tranh chấp huy chương. Có lẽ, với thực lực hiện nay của cử tạ nữ Việt Nam, những lực sĩ ưu tú nhất tham dự SEA Games 26 là hợp lý hơn.

Nhưng đó là tính toán của người ngoài cuộc. Còn những người trong cuộc sẽ phải mất không ít công sức để đưa ra phương án hợp lý nhất.

Minh Quang