Phát triển đô thị Hà Nội: Báo động sự mất cân đối
Chính trị - Ngày đăng : 05:47, 17/07/2011
Nam Trung Yên - Một khu đô thị hiện đại của Thủ đô |
DN hưởng lợi, chính quyền chịu sức ép
Sự mất cân đối trong phát triển đô thị hiện nay đã được phản ánh hết sức sinh động qua ý kiến của các đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XIV trong Kỳ họp thứ 2 vừa kết thúc ngày 15-7. Chính Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đã phải lên tiếng trong phiên chất vấn về tình trạng thiếu trường học rằng: "10 năm qua, ở phường Láng Hạ tôi ở có cả chục tòa nhà hơn 20 tầng mọc lên, nhưng chỉ có mỗi Trường Mầm non Tuổi Hoa và Trường Tiểu học Nam Thành Công". Nhà chung cư xây dựng để bán cứ thế mọc lên, nhưng những cơ sở hạ tầng xã hội cần thiết thì không được bổ sung cho phù hợp. Hỏi làm sao, tình trạng quá tải trường học không diễn ra? Hiện nay, hiện tượng quá tải mới phổ biến ở bậc mầm non, nhưng nếu không có sự chuẩn bị, theo thời gian, tình trạng quá tải gây bức xúc này sẽ lây lan dần sang các bậc học khác.
Thiếu trường, phụ huynh học sinh phải xếp hàng xin học cho con |
Sân chơi trong nhiều khu tập thể bị chiếm dụng trở thành nơi kinh doanh, bãi gửi xe, hoặc phơi quần áo... |
Đất đai tại các quận nội thành rất có giá trị, nên sức hút về kinh doanh bất động sản là cực kỳ lớn. Quỹ đất nội thành đã dần dần bị lấp đầy bằng các tòa nhà văn phòng cho thuê, khu chung cư để bán. Thật khó hiểu là tại sao, những cơ quan tham mưu, những người có trách nhiệm sâu sát với thực tế lại không nhìn xa, tính trước để dành quỹ đất cho những nhu cầu về nhà trẻ, trường học. Để bây giờ, ngoảnh mặt nhìn lại, không còn lấy đâu ra đất để giải tỏa áp lực thiếu trường. Một lãnh đạo cấp quận đã ca thán rằng: "Doanh nghiệp họ cứ xây chung cư để bán kiếm lợi, dân về ở không có trường cho con em học, phải chạy vạy, xếp hàng. Bao nhiêu bức xúc, sức ép đổ hết lên đầu chính quyền. Bây giờ muốn giải quyết, không biết lấy đâu nguồn lực, lấy đâu ra đất để làm trường". Chưa kể 6 phường nội thành chưa có tối thiểu 1 trường mầm non theo quy định, nhiều phường khác có số dân quá đông, trong khi số trường lớp mầm non quá ít so với nhu cầu. Mỗi nơi đều là những "bài toán nhỏ" nhưng hóc búa mà không thể không có lời giải. Cả thành phố là một "bài toán lớn" về mất cân đối phát triển hạ tầng đô thị cần giải quyết.
Không cân đối được việc xây dựng các chung cư nhỏ lẻ trong khu dân cư với việc xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội đã là sự hạn chế đáng tiếc. Nhưng với những khu đô thị mới, biểu tượng của phát triển đô thị hiện đại, sự mất cân đối vẫn xảy ra thì quả thực rất đáng báo động. TP đã có quy định, xây khu đô thị mới phải đồng bộ giữa nhà ở và cơ sở hạ tầng. Nhưng không có nhiều khu đô thị thực hiện được yêu cầu này. 21 khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng trên địa bàn TP mà chỉ có 12 trường mầm non. 9 khu khác vẫn đang trong quá trình... chuẩn bị.
Sân tennít có ở không ít khu đô thị mới nhưng lại rất thiếu diện tích công cộng cho người dân vui chơi, sinh hoạt. |
Cần có giải pháp, cơ chế và tầm nhìn
Hà Nội đang có 152 dự án khu đô thị mới, trong đó chỉ có 21 khu đã hoàn thành như nói ở trên. Số khu đô thị này sẽ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2 triệu người, đồng nghĩa với nhu cầu về chỗ học cho trẻ em sẽ rất lớn. Nếu không có giải pháp về cơ chế nhằm ràng buộc trách nhiệm các chủ đầu tư khu đô thị mới, TP sẽ đối diện với sức ép ngày càng lớn về hạ tầng xã hội. Từ trước đến nay, cho dù nhiều chủ đầu tư vi phạm quy định về đồng bộ giữa xây dựng nhà ở với cơ sở hạ tầng, các chế tài xử lý không hề được nhắc tới. Một khi không có sự ràng buộc đủ mạnh đối với các chủ đầu tư, tình trạng doanh nghiệp hưởng lợi, còn chính quyền "chịu trận" trước sức ép và bức xúc của dư luận sẽ còn tiếp tục gây nhức nhối.
Hạ tầng giao thông tại các khu đô thị mới hiện cũng chưa được đầu tư phù hợp với mật độ dân cư. Ảnh: Đàm Duy |
Điều này còn diễn ra ở một góc độ khác, cũng gây bức xúc không kém. Đó là TP đã có quy định ưu tiên cân đối nhu cầu sử dụng diện tích đất có được từ việc di dời các nhà máy, bệnh viện để xây dựng trường học, còn thừa ra mới dùng cho việc xây dựng nhà ở. Nhưng trên thực tế lại diễn ra hoàn toàn trái ngược. Rất hiếm trường hợp sau khi di dời nhà máy, bệnh viện được dành đất để xây trường. Người ta vẫn thường ưu tiên xây dựng chung cư để bán hơn. Căn nguyên cũng là tại chế tài, điều kiện ràng buộc thực hiện quy định này còn quá yếu.
Trong phát triển đô thị hiện nay, tài nguyên đất là nguồn lực rất quý giá. Hằng năm, các địa phương đều sắp xếp quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng tạo nguồn tài chính phục vụ các nhu cầu đầu tư phát triển. Nhưng không hiểu trong số tiền thu được từ đấu giá QSD đất, cho thuê đất của các địa phương, có bao nhiêu phần trăm dành cho đầu tư hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, trạm y tế... Có lẽ, đã đến lúc cần xem lại việc sử dụng nguồn tài chính này để có quy định phù hợp hơn, nhằm đầu tư mạnh cho xây dựng trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí phục vụ cộng đồng để giảm bớt sự mất cân đối phát triển đô thị đã, đang và sẽ còn xảy ra trong tương lai.
Trở lại với kỳ họp HĐND TP vừa qua, có một điều cần phải nhắc đến trong câu chuyện này. Đó là, còn có những tranh cãi nhất định về trách nhiệm của ai, cấp nào, trách nhiệm đến đâu trong việc xây dựng trường mầm non. Nó cho thấy, một mặt quy định về trách nhiệm chính quyền chưa rõ ràng, chế tài ràng buộc trách nhiệm vì thế cũng hạn chế. Trong hoàn cảnh như vậy, sức ép với chính quyền về việc thiếu trường học là có, nhưng chưa đủ để thúc ép đến mức bắt buộc phải lo liệu cho bằng được. Vì điều này, việc khó sẽ bị đùn đẩy, né tránh.
TP đã thể hiện quyết tâm tăng cường kỷ cương hành chính, tạo chuyển biến mạnh về hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính, có lẽ nên bắt đầu từ việc tập trung khắc phục tình trạng mất cân đối trong phát triển đô thị hiện nay, mà trong đó trường học chỉ là một phần, còn trạm y tế, nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi vui chơi giải trí và lớn hơn là giao thông đô thị...