Thách thức mang tính toàn cầu
Xã hội - Ngày đăng : 07:40, 16/07/2011
Nâng cao chất lượng quy mô, cơ cấu dân số và phân bố dân cư hợp lý là những việc làm cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước. Ảnh: Quỳnh Hoa |
Bức tranh toàn cầu
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), quy mô DS toàn cầu từ mốc đạt 1 tỷ người năm 1804, phải mất 123 năm sau (1927) mới tăng lên 2 tỷ người; mốc 3 tỷ người chỉ mất 32 năm kế tiếp (năm 1959) và 15 năm tiếp theo đã đạt mốc 4 tỷ người (1974). Từ đó chỉ mất từ 11-13 năm tăng thêm 1 tỷ người. Điều đó cho thấy tốc độ gia tăng DS đang rất nhanh. Dự báo mốc 8 tỷ người sẽ đến sau 14 năm nữa (2025); mốc 9 tỷ người sau 18 năm tiếp theo (2043) và mốc 10 tỷ người sẽ chậm hơn với 40 năm (2083).
Mặc dù trong vòng 50 năm qua, tổng tỷ suất sinh trên toàn thế giới đã giảm gần một nửa, từ trung bình số con của một phụ nữ là 5 con (năm 1950) xuống còn 2,5 con (giai đoạn 2010-2015) nhưng vẫn còn có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Hầu hết các quốc gia châu Âu, Singapore và Nga có tỷ suất sinh là 1,5 con trên một phụ nữ hoặc thấp hơn, trong khi tỷ suất sinh ở Afghanistan và nhiều nước châu Phi là 5,0 hoặc cao hơn. Cùng với sự phát triển KT-XH, những tiến bộ của y tế đã giúp đẩy tuổi thọ trung bình của thế giới từ 48 tuổi lên 69 tuổi. Tuổi thọ bình quân hiện tại đang ở mức cao nhất từ trước tới nay là 69 tuổi (nam giới 67 tuổi và nữ giới 71 tuổi). Chỉ sau 30 năm (1980-2011) số người 60 tuổi trở lên đã tăng gấp đôi (từ 348 triệu người lên 893 triệu người). Dự báo 40 năm sau (năm 2050), con số này sẽ tăng gấp hơn hai lần hiện nay (đạt 2,4 tỷ người).
Cơ hội và thách thức
DS trên Trái đất sắp đạt 7 tỷ người, đây là dấu mốc quan trọng, vừa tạo ra cơ hội vừa mang đến thách thức lớn cho nhân loại. Với tốc độ tăng DS hiện nay, mỗi năm toàn cầu sẽ có thêm khoảng 78 triệu người; 97% DS tăng diễn ra tại các quốc gia kém phát triển. Trong khi khoảng cách giàu, nghèo đang ngày càng rộng. Phân tích của UNFPA cho thấy, thế giới đang đứng trước những thách thức to lớn của môi trường, biến đổi khí hậu, tình trạng di cư và nhiều người dân sống trong những khu nhà ổ chuột, đời sống không bảo đảm, nhiều trẻ em gái không được đến trường và mang thai ở tuổi vị thành niên...
Năm 1994, tại hội nghị quốc tế về DS và phát triển, Chính phủ 179 quốc gia đã thống nhất trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Đây là một bước đi quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo và ổn định sự tăng trưởng DS. Theo bà Mandeep Janeja, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, phụ nữ là nhân tố quan trọng trong sự phát triển của thế giới nhưng phụ nữ hiện lại chiếm tới 2/3 trong số 776 triệu người trưởng thành mù chữ. Phụ nữ thực hiện 2/3 công việc của thế giới và làm ra 1/2 số lương thực, thực phẩm, nhưng họ chỉ kiếm được 10% thu nhập của thế giới và sở hữu 1% tài sản. Hơn thế, hơn 134 triệu phụ nữ đang "mất đi" do tư tưởng ưa thích con trai dẫn tới hiện tượng phá thai do lựa chọn giới tính trước khi sinh và bỏ mặc không chăm sóc trẻ em gái sau khi sinh. Vấn đề bạo lực giới cũng khiến cho khoảng 70% số phụ nữ đã từng gánh chịu bạo hành. Hiện có 101 triệu trẻ em trong độ tuổi cắp sách đến trường chưa được đi học mà hơn một nửa số này là trẻ em gái. Thế giới có 43% DS dưới 25 tuổi, tỷ lệ này ở các nước kém phát triển lên tới 60%…
7 thông điệp "nóng"
Năm 2011, Quỹ DS Liên hợp quốc đã đưa ra thông điệp chung "Thế giới tròn 7 tỷ người: Chúng ta cần dựa vào nhau để sống" và 7 thông điệp cụ thể cũng là những vấn đề "nóng", kêu gọi toàn cầu cần chung tay giải quyết. Đó là: giảm đói nghèo và bất bình đẳng, góp phần làm chậm lại tốc độ tăng trưởng DS. Tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái. Về SKSS, bảo đảm rằng mỗi trẻ em sinh ra đều được mong đợi, mỗi ca sinh đẻ đều được an toàn, mang lại quy mô các gia đình nhỏ hơn và khỏe mạnh hơn. Chúng ta không để cho những trường hợp mang thai ngoài ý muốn, đẻ "dự trữ", đẻ "dự phòng". Về môi trường, chúng ta phát triển không chỉ đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà còn phải đáp ứng cho nhu cầu của những thế hệ mai sau. Về già hóa DS và vấn đề đô thị hóa, trong tương lai, 2 tỷ người sẽ sinh ra sống ở các khu vực đô thị vì thế chúng ta cần chuẩn bị kế hoạch ngay từ bây giờ…
Việt Nam là nước đang phát triển, vừa thoát khỏi ranh giới của một nước nghèo để tiến tới một nước có thu nhập trung bình. Giảm được tốc độ gia tăng DS cũng là làm giảm tỷ lệ đói nghèo. Trước đây, công tác DS của nước ta mới chỉ nói đến vấn đề giảm sinh. Trong giai đoạn tới, vấn đề DS cần được hiểu một cách rộng rãi hơn cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân cư thì mới đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Để giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề ưu tiên, bà Mandeep Janeja cho biết, giai đoạn 2012-2016, UNFPA cùng với các tổ chức Liên hợp quốc khác đang triển khai hỗ trợ Chính phủ Việt Nam ba lĩnh vực chính: tăng trưởng bền vững, công bằng cho tất cả mọi người; tiếp cận dịch vụ cần thiết và bảo trợ xã hội có chất lượng…