Nút thắt về vốn đã có cách gỡ
Xã hội - Ngày đăng : 07:19, 16/07/2011
Việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải sẽ góp phần cải thiện môi trường nước các sông, hồ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô. Ảnh: Thái Hiền |
Mỗi ngày chỉ có 5% lượng nước thải được xử lý
Theo số liệu khảo sát của Công ty Thoát nước Hà Nội, trung bình hệ thống thoát nước của các quận nội thành lưu thông khoảng 500.000-700.000m3 nước thải/ngày đêm. Chủ yếu lưu thông trên các sông thoát nước là nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Đến thời điểm này, cả TP mới chỉ có một nhà máy và hai trạm xử lý nước thải tập trung là NMXLNT Bắc Thăng Long - Vân Trì công suất 42.000 m3/ngàyđêm; Trạm xử lý nước thải Trúc Bạch công suất 2.300 m3/ngày đêm và Trạm Kim Liên công suất 3.700 m3/ngày đêm. Trong khi đó, chỉ có một số ít cơ sở dịch vụ lớn, cơ sở công nghiệp và các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Viện Quân y 108, Bệnh viện Nhi trung ương... là có hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Ước tính, hiện mới chỉ có 5% lượng nước thải được xử lý, còn lại hầu hết xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước của TP. Đây là nguyên nhân chính khiến cho hệ thống thoát nước của TP bị ô nhiễm nghiêm trọng. Số liệu quan trắc mới đây nhất cho thấy, nước thải chưa qua xử lý có hàm lượng các chất bẩn cao, các chất hữu cơ, kim loại nặng tích tụ gây ô nhiễm nặng. Cụ thể như hàm lượng amoni tại các sông cao gấp 12-59 lần tiêu chuẩn cho phép, hàm lượng BOD5 dao động từ 35-220mg/l và hàm lượng COD thường xuyên từ 52-306mg/l, cao gấp 1,5-1,9 lần tiêu chuẩn cho phép.
Theo ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban QLDA thoát nước Hà Nội, việc xây dựng các trạm xử lý nước thải là rất cấp thiết. Tuy nhiên, công tác triển khai các dự án đều rất khó khăn do kinh phí đầu tư lớn, chỉ ngân sách TP là không đủ. Ngoài ra, việc duy trì và vận hành các nhà máy, trạm xử lý nước thải đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Chỉ tính riêng chi phí bỏ ra để duy trì hoạt động hai trạm xử lý Kim Liên và Trúc Bạch hoạt động mỗi năm đã lên đến trên dưới 1 tỷ đồng.
Tích cực kêu gọi đầu tư
Thời gian qua, TP đã tích cực kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào các dự án xây dựng NMXLNT của Hà Nội. Tuy nhiên, do đặc thù loại hình dự án này có kinh phí đầu tư lớn và chi phí vận hành, bảo dưỡng cao nên chưa có nhiều dự án được triển khai. Hiện mới chỉ có dự án đầu tư xây dựng NMXLNT Yên Sở công suất 200.000 m3/ngày đêm theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) của Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) là cơ bản hoàn thành. Công trình này được khởi công xây dựng từ tháng 1-2008 với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD. Nhà máy được xây dựng tại quận Hoàng Mai trên diện tích khoảng 8,2ha nhằm tiếp nhận và xử lý nước thải từ sông Kim Ngưu và sông Sét. Ông Cheong Ho Kuan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam cho biết, đây là NMXLNT thuộc loại lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Hà Nội.
Vận hành hệ thống thiết bị tại Nhà máy xử lý nước thải Trúc Bạch. Ảnh: Phương Thanh |
Đến thời điểm này, hơn 90% khối lượng công việc đã hoàn thành. Các công việc còn lại chủ yếu là lắp đặt máy móc, vận hành thử nghiệm các thiết bị, như đo đếm chất lượng nước thải sau khi được xử lý. Công nghệ xử lý nước thải của nhà máy là công nghệ tiên tiến đã được áp dụng thành công tại Malaysia và một số nước trong khu vực. Đặc biệt, nước thải sau khi xử lý xong đến khâu cuối cùng sẽ được xử lý khử trùng bằng tia cực tím để đổ ra hồ và một phần cho việc tái sử dụng trong nhà máy. Dự kiến, đến cuối năm nay, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác. Theo ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, sau khi đưa nhà máy này vào khai thác, cộng với một nhà máy và hai trạm xử lý nước thải hiện có, ước tính, khoảng 35% lượng nước thải của cả TP sẽ được xử lý, góp phần tích cực cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.
Không chỉ dừng ở đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, TP đang chuẩn bị triển khai hai NMXLNT quy mô lớn là Nhà máy Phú Đô xử lý nước thải của quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, một phần huyện Thanh Trì và Từ Liêm, công suất xử lý 71.000m3 nước thải/ngày đêm; NMXLNT Yên Xá thu gom và xử lý nước thải của quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân và một phần quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì với công suất xử lý 275.000m3 nước thải/ngày đêm. Để các dự án này sớm được triển khai, TP đang nghiên cứu các phương thức đầu tư phù hợp và có các hình thức ưu đãi nhà đầu tư nhằm khuyến khích các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia. Riêng với NMXLNT Yên Xá, vừa qua, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cùng với UBND TP Hà Nội ký biên bản ghi nhớ cùng nghiên cứu triển khai dự án theo phương thức hợp tác công tư (PPP) nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư - chính quyền TP - người dân, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách TP. Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 3-2012, các chuyên gia của JICA và Hà Nội sẽ kết thúc phần nghiên cứu lập dự án trình Chính phủ để có thể ký hiệp định triển khai trong năm 2012.