Cảnh sát biển Việt Nam: Tăng cường hợp tác quốc tế

Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 16/07/2011

(HNM) - Là quốc gia có hơn 3.000km bờ biển, tổng diện tích các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền xấp xỉ 3 lần diện tích đất liền nên biển đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế cũng như bảo đảm an ninh quốc gia của Việt Nam.

Vì vậy, Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam xác định hợp tác quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm hòa bình và ổn định trên các vùng biển.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Đức Hạnh


Hiện đại hóa phương tiện

Đại tá Vũ Văn Lam, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Cục CSB chia sẻ: "Ngoài việc bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển và thềm lục địa, CSB Việt Nam còn phải đối mặt với các thách thức: cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền trên biển, vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy, vũ khí quân dụng, rửa tiền và buôn bán người, đánh bắt trộm hải sản, ô nhiễm môi trường biển và đối phó với thảm họa của thiên nhiên… Tội phạm trên biển thường là những tổ chức tội phạm đa quốc gia và hoạt động tinh vi. Vì vậy, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm trên biển đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa CSB với các cơ quan chức năng trong nước cũng như quốc tế".


Tháng 9-2006, Việt Nam ký kết và phê chuẩn Hiệp định khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại khu vực châu Á. Từ khi được thành lập (năm 2008), CSB Việt Nam được giao nhiệm vụ là trung tâm đầu mối quốc gia chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại khu vực châu Á (ReCAAP). Trung tâm duy trì trực 24/24h, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong nước và 17 trung tâm chính của 17 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực để thu thập, phân tích và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý các thông tin liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang xảy ra tại các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á.

Trao đổi về đổi mới trong hoạt động nghiệp vụ, Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục CSB cho biết: "Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ nên Chính phủ đã đầu tư cho CSB các phương tiện hiện đại để duy trì trật tự, an ninh trên biển. Đầu năm 2012, CSB Việt Nam sẽ có tàu 20.000 tấn, có thể chạy 40 ngày đêm trên biển trong điều kiện thời tiết phức tạp, gió cấp 12, sóng cấp 9. Các tàu này có cả sàn đỗ máy bay trực thăng, có buồng quân y cùng lúc cấp cứu được 120 người. Chính phủ sẽ ưu tiên trang bị cả máy bay đủ công suất, bảo đảm có mặt kịp thời khi cần cứu hộ ngư dân".

Đa dạng các hình thức hợp tác

Ngay từ ngày đầu thành lập, CSB Việt Nam đã hợp tác với lực lượng phòng vệ biển Thụy Điển để đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý và điều hành cho cán bộ chủ chốt. Ngoài ra, với tư cách là Văn phòng Thường trực của Ủy ban Liên hiệp nghề cá Việt Nam - Trung Quốc, hằng năm CSB Việt Nam phối hợp với Tổng cục Ngư chính Hải Nam - Trung Quốc tổ chức kiểm tra liên hiệp nghề cá tại các vùng đánh cá chung trên Vịnh Bắc bộ, chủ động trao đổi đoàn, đề xuất ý kiến để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc làm ăn trên biển theo đúng quy định của pháp luật cũng như các điều khoản trong Hiệp định nghề cá giữa Việt Nam - Trung Quốc. Hằng năm, lực lượng CSB Việt Nam còn duy trì đều đặn các hoạt động trao đổi đoàn với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm giao lưu, tăng cường phối hợp với CBCS CSB Việt Nam. Đến nay, CSB đã cùng các cơ quan chức năng trong và ngoài nước tổ chức được gần 1.000 đợt tàu hoạt động với hàng nghìn lượt tuần tra, kiểm soát trên biển; kiểm tra hơn 7.000 tàu thuyền các loại của Việt Nam và nước ngoài; xử phạt vi phạm hành chính thu hơn 10 tỷ đồng, bàn giao hơn 100 lượt tàu, thuyền vi phạm cho cơ quan chức năng xua đuổi trên 500 lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển nước ta… Theo Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, với tinh thần hợp tác quốc tế vì an ninh trên biển, vào đầu tháng 10 tới đây, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Những nhà đứng đầu CSB các nước châu Á lần thứ 7. Đây sẽ là dịp để lực lượng CSB các nước trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm đối phó với nạn cướp biển, khủng bố, buôn người, vận chuyển ma túy, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai...

Nguyên Hoa