Lỏng lẻo và nhiều kẽ hở

Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 16/07/2011

(HNM) - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội, một số tư thương và hộ ấp nở giống gia cầm đã nhập lậu một lượng lớn trứng, con giống không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng tới các cơ sở làm ăn chân chính. Qua tìm hiểu thực tế, Hà Nội không thiếu con giống tới mức phải sử dụng nguồn cung cấp trôi nổi kém chất lượng.

Đây chỉ là "mánh" kiếm lời, làm ăn chộp giật của một số tiểu thương trong khi công tác kiểm dịch lại chưa được quan tâm đúng mức. 

Chăm sóc đàn vịt giống tại Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi, Bộ NN - PTNT). Ảnh: Bá Hoạt


Thực trạng tại "thủ phủ" nguồn giống gia cầm Đại Xuyên

Hiện tại khu vực các xã Đại Xuyên, Phú Yên (thuộc huyện Phú Xuyên) có gần 100 hộ tham gia dịch vụ ấp nở giống gia cầm, thủy cầm. Nơi đây được coi là "thủ phủ" nguồn giống gia cầm, thủy cầm lớn nhất miền Bắc, mỗi tháng có thể xuất đi các nơi trên 1 triệu con giống các loại. Thời điểm tháng 7 này, giống gia cầm đang được các cơ sở, hộ chăn nuôi nhập mạnh, lợi dụng điều đó một số hộ đã nhập giống gia cầm Trung Quốc chất lượng kém cung ứng cho người dân bởi con giống Trung Quốc có giá rẻ hơn so với giống trong nước. Giống gia cầm, thủy cầm Trung Quốc, thường có giá từ 10.000 - 15.000 đồng/con, giống của Đại Xuyên giá từ 20.000 - 25.000 đồng/con tùy loại. Do nhu cầu lớn về chăn nuôi trên địa bàn cả nước, nên giống gia cầm Trung Quốc nhập lậu thời gian qua đổ bộ vào huyện Phú Xuyên khá nhiều. Theo một số người dân, mỗi đêm có từ 3-4 xe giống gia cầm, thủy cầm đủ loại như giống gà, ngan super Tàu hay giống K9, giống gà chíp (nhỏ như gà ta) nhập về Phú Xuyên.

Chủ tịch UBND xã Phú Yên Nguyễn Xuân Điền (địa bàn hiện có 65 lò ấp nở giống gia cầm, thủy cầm) thừa nhận, xã có biết việc giống Trung Quốc nhập lậu về đây. Tuy nhiên "vì miếng cơm manh áo" các xe chở lậu thường về đêm, bà con giấu giếm cho nhau… chính quyền xã mới dừng ở mức tuyên truyền nhân dân chấp hành các quy định của Nhà nước về công tác thú y. Mặt khác thẩm quyền của xã trong việc bắt giữ, xử phạt hành chính chỉ ở mức độ chưa đủ sức răn đe.

Thị trường đang bị thả nổi

Trao đổi về tình hình sản xuất trong việc đáp ứng nhu cầu về giống gia cầm, thủy cầm cho nông dân, ông Nguyễn Đức Trọng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên cho biết, 6 tháng đầu năm 2011, Trung tâm chỉ cung ứng được 600.000 con giống gia cầm, thủy cầm bố mẹ và thương phẩm. "Mỗi tuần trung tâm xuất khoảng 20 - 25 nghìn con giống". Số lượng giống gia cầm, thủy cầm đơn vị này cung ứng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với sức tiêu thụ của làng ấp nở gia cầm Đại Xuyên - Phú Yên. Tuy nhiên xét trên bề rộng toàn TP, hiện có hơn 574 nghìn con, một năm sản xuất ra hơn 54 triệu con giống, trong khi đó nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn chỉ cần từ 35-40 triệu con giống. Như vậy Hà Nội còn dư thừa con giống để cung ứng ra tỉnh ngoài. Việc một số tư thương và hộ ấp nở, nhập giống từ Trung Quốc về để bán là do giá rẻ, thu được lợi nhuận cao. Cơn "sốt" chỉ là cớ để các thương lái biện minh cho việc nhập lậu trứng, giống gia cầm, thủy cầm.

Vận chuyển gia cầm giống tại xã Đại Xuyên - Phú Xuyên.


Trạm Thú y Phú Xuyên cho biết, từ đầu năm tới nay, Trạm mới kiểm dịch được 887.050 con giống gia cầm, thủy cầm; 252.800 quả trứng trong khi đó, mỗi tuần số gia cầm, thủy cầm giống ở "thủ phủ" này xuất ra thị trường lên tới trên 1 triệu con, như vậy tỷ lệ giống ở đây được kiểm dịch là quá thấp. Lý giải về vấn đề này chị Nguyễn Thu Phương tổ kiểm dịch của Trạm thú y Phú Xuyên tại khu vực Đại Xuyên - Phúc Tiến - Phú Yên cho rằng, tâm lý khách hàng lấy con giống ở đây đều mua bán theo hình thức "tiền trao cháo múc", niềm tin về chất lượng giống phụ thuộc vào uy tín của cơ sở cung cấp… vì vậy họ không đòi hỏi giấy kiểm dịch của cơ quan thú y. Theo chị Phương, nếu hộ nào có nhu cầu xuất giống đi các tỉnh xa thì họ mới cần thú y kiểm dịch, dán tem, kẹp chì niêm phong, còn bán trong huyện và các huyện lân cận thì không cần. Mặt khác, các chủ cơ sở ấp nở giống có tâm lý không muốn kiểm dịch vì phải nộp phí, lệ phí theo quy định từ 70.000 đến 100.000 đồng/1.000 con giống.

Người chăn nuôi và các cơ sở kinh doanh giống đều chịu thiệt

Theo các hộ ấp nở giống gia cầm ở Đại Xuyên, giống nhập lậu từ Trung Quốc về nhìn hình thức đều to hơn giống trong nước (vì đã được nuôi từ 7-10 ngày tuổi), giá lại hạ; tuy nhiên chất lượng ra sao thì không có gì bảo đảm. Chủ cơ sở ấp nở giống gia cầm Sâm Bình, anh Lê Văn Sâm cho rằng: Một số cơ sở làm ăn có uy tín đều phải cam kết chất lượng tới cùng với người chăn nuôi cả về tỷ lệ sống trên đàn phải đạt từ 95 - 98%; trọng lượng (số kg/con) hoặc số trứng trên một chu kỳ khai thác phải bảo đảm tỷ lệ cao… đối với giống ngan Pháp có nguồn gốc chuẩn (của Trung tâm Nghiên cứu giống vịt Đại Xuyên) sẽ có trọng lượng trên dưới 4kg/con và cứ 3kg cám sẽ tăng trọng 1kg thịt, nếu không đạt được những yêu cầu này thì cơ sở phải bồi thường khách hàng. Trong khi nếu là giống trôi nổi không rõ nguồn gốc thì cùng lượng thức ăn, thời gian nuôi như nhau nhưng trọng lượng chỉ đạt 2,6-3kg, sản lượng trứng chỉ 80-90 quả/chu kỳ/con. Nếu mua phải giống rởm thì thiệt thòi sẽ thuộc về người chăn nuôi, bởi nhiều người dân mua giống không quan tâm tới nguồn gốc, miễn là giá rẻ.

Trao đổi với Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội Cấn Xuân Bình về vấn đề kiểm dịch, chất lượng giống gia cầm, thủy cầm trên địa bàn TP được biết: Để kiểm soát chất lượng con giống, lực lượng thú y hiện còn quá mỏng, do đó trên các tuyến giao thông, lực lượng liên ngành các tỉnh, TP phải vào cuộc quyết liệt, đồng bộ tránh hiện tượng "làm luật" rồi cho đi. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần phối hợp kiểm tra chặt chẽ các cơ sở làm ăn chộp giật để bảo vệ uy tín, thương hiệu cho các làng sản xuất giống gia cầm, thủy cầm Đại Xuyên, Phú Yên, Phúc Tiến. Ngay tại cơ sở ấp nở giống gia cầm, thủy cầm ở các làng trên cần tuyên truyền, vận động người dân tẩy chay những nguồn giống không rõ nguồn gốc, vừa để bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa tránh thiệt hại cho người chăn nuôi.

Nhóm PV NN-NT