Lo trước cái lo của dân

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 16/07/2011

(HNM) - Sau ba ngày làm việc, kỳ họp thứ hai của HĐND TP Hà Nội khóa mới đã kết thúc với việc đưa ra những quyết định trọng tâm cho phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô. Đáng chú ý là từ trước kỳ họp, các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu với cử tri đã được tổ chức tốt.

Nhưng qua kỳ họp có thể thấy, cử tri Thủ đô đã bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của thành phố. Mặc dù thời gian qua trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, tập trung, sự giám sát tích cực, hiệu quả của nhân dân... TP Hà Nội đã từng bước vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, qua kỳ họp cũng thấy, cử tri còn nhiều băn khoăn về đời sống, đặc biệt là người nghèo còn gặp nhiều khó khăn; lo lắng việc thực hiện các dự án đầu tư còn chậm; công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng và trật tự đô thị, giao thông còn hạn chế; trăn trở việc xử lý các dự án treo chưa kiên quyết; sốt ruột về hạ tầng nông thôn còn thấp kém, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để; và còn bức xúc với tình trạng ách tắc, chậm trễ trong giải quyết công việc hành chính... Xu hướng nổi lên rõ nét là những vấn đề dân sinh bức xúc trong khu vực nội đô dường như đang ít đi và ít hơn rất nhiều so với ở khu vực ngoại thành, đặc biệt các huyện giáp ranh như Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm... Rõ ràng quá trình đô thị hóa đang làm cho các vùng quê vốn trước đây luôn yên bình thì nay đã sôi động, đã phát sinh những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. Vấn đề sau kỳ họp sẽ giải quyết các kiến nghị ấy như thế nào.

Thực tế, với kỳ họp này, người dân đã tỏ ra quan tâm và góp ý cụ thể, thẳng thắn hơn. Vậy ngược lại, trách nhiệm của thành phố, của các cơ quan chức năng cũng cần rõ nét hơn. Để những góp ý tâm huyết và trách nhiệm của người dân được cụ thể hóa trong các quyết sách sau này, cần có những việc làm thiết thực hơn. Người dân có tin vào chính quyền hay không chính là ở lúc này, khi nguyện vọng của người dân, đặc biệt là lợi ích của dân được quan tâm giải quyết chu đáo. Muốn vậy, mỗi cán bộ, mỗi cơ quan có trách nhiệm phải toàn tâm toàn ý, đặt lợi ích của người dân, của thành phố lên trên. Tại kỳ họp, đã có nhiều lời kiến giải. Nhưng người dân còn trông đợi ở những hành động cụ thể sau này, mong muốn các đại biểu ngồi trong nghị trường với tư thế người đại diện nhân dân, dựa vào ý chí của dân để nói, thì khi hành động cũng cần lấy quyền lợi của dân định hướng hành động.

Nói ít, nhưng làm thật nhiều và thật hiệu quả. Làm đúng chức trách không chỉ là trách nhiệm chính trị mà còn là danh dự của "công bộc". Thực ra, việc để còn nhiều vướng mắc trong dân, để còn nhiều kiến nghị cũng đã là người lãnh đạo địa phương chưa làm tròn trách nhiệm. Nhưng khi dân đã kiến nghị rồi mà giải quyết không rốt ráo, không triệt để, hợp lý hợp tình thì người cán bộ còn đáng trách hơn nữa. Chính vì thế, biết lo trước cái lo của dân mới là tâm thế cần thiết của những công bộc, những người đại diện cho lợi ích của nhân dân.

Nữ Quỳnh