Xem xét các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế VN

Kinh tế - Ngày đăng : 13:24, 14/07/2011

(HNMO) - Ngày 14/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch Đầu tư (Bộ KH&ĐT) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức Hội thảo phản hồi kết quả đánh giá chung lần thứ tư Việt Nam – Nhật Bản (về cơ chế hợp tác, phát triển các dự án) với sự tham dự của các nhà tài trợ.


Hội thảo là một phần của các hoạt động đánh giá được thực hiện theo khuôn khổ Biên bản Ghi nhớ ký kết ngày 9/7/2007 giữa Bộ KH&ĐT và JICA về việc nâng cao năng lực đánh giá và cải thiện các dự án phát triển quốc gia. Biên bản Ghi nhớ này phù hợp với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện công tác theo dõi và đánh giá với sự hỗ trợ của các chính sách và dự án phát triển, để cải thiện hiệu quả viện trợ theo tinh thần của Tuyên bố Paris và Cam kết Hà Nội về Tăng cường Hiệu quả Viện trợ.

Các hoạt động thực hiện trong khuôn khổ Biên bản Ghi nhớ này dự kiến sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam bằng cách tăng hiệu quả của các dự án phát triển, bao gồm các dự án vốn vay ODA của Nhật Bản và ưu tiên phân bổ ngân sách cho các dự án được chứng minh là có hiệu quả hơn. Điểm đặc biệt của đánh giá chung này là trách nhiệm và vai trò chính trong đánh giá đã được từng bước chuyển giao từ phía nhà tài trợ sang phía Việt Nam thông qua chuyển giao công nghệ và phát triển năng lực một cách bền vững.

Bên cạnh đó, hội thảo phản hồi kết quả đánh giá này thể hiện những thành quả đạt được trong một năm của Chương trình Đánh giá Chung 2010, đặc biệt đối với các dự án do JICA tài trợ trong ngành giao thông và điện lực.

Ngoài ra, chương trình hợp tác đánh giá chung thực hiện trong 4 năm từ 2007 đến 2010 đã hoàn thành đánh giá cho 11 dự án và đã có đóng góp cho việc phát triển nguồn nhân lực cho cả khu vực nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực đánh giá.

Kết quả đánh giá sơ bộ của hai dự án được nhắc đến lần này là Dự án Xây dựng nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất và Dự án Thuỷ điện Đại Ninh đã được chính những cán bộ tham gia thực hiện dự án thuyết trình. Họ đều là thành viên của Đoàn Đánh giá chung Việt Nam – Nhật Bản. Cả hai dự án đều được đánh giá là đạt mức độ hài lòng với mức xếp hạng sơ bộ hạng “A”. Đây là hạng mức cao nhất trong thang điểm của hệ thống đánh giá của JICA. Kết quả đánh giá, kiểm tra chất lượng của các chuyên gia Nhật Bản cũng có kết quả tương tự như của nhóm đánh giá Việt Nam.

Nhà ga T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài.


Kết quả đánh giá của dự án Xây dựng nhà ga Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất đã cho thấy dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra: đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách hàng không ngày càng tăng, nâng cao sự thuận tiện và hiệu quả của người sử dụng thông qua việc xây dựng nhà ga hành khách quốc tế mới và các cơ sở vật chất liên quan tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Nhóm đánh giá đã chỉ ra rằng lượng khách hàng năm của nhà ga hành khách quốc tế đã tăng đáng kể từ 2,5 triệu khách năm 2001 lên 7 triệu khách năm 2010 và nhu cầu còn tăng cao hơn mức dự đoán trong giai đoạn lập kế hoạch dự án.

Dự án không những nâng cao năng lực tiếp nhận hành khách của nhà ga mà còn nâng cáo số lượng và chất lượng của các dịch vụ phi hàng không. Dự án đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm phát triển ngành du lịch. Một số khuyến nghị đối với dự án là cần: Tăng cường điều phối giữa các cơ quan liên quan để dự án được thực hiện một cách trôi chảy hơn và hoạt động của taxi trong và ngoài khu vực sân bay nên được cải thiện thông qua hợp tác tốt hơn giữa chính quyền địa phương, công an sở tại, cảnh sát giao thông, công chính và các hãng taxi.



Thủy điện Đại Ninh.


Mặt khác, kết quả đánh giá dự án Thuỷ điện Đại Ninh đã cho thấy sự thành công trong việc đạt được ba kết quả mong đợi: đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng, tăng diện tích đất nông nghiệp được tưới tại tỉnh Bình Thuận và nâng cao đời sống của người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án tại tỉnh Lâm Đồng. Chương trình phát triển dân tộc thiểu số thuộc phạm vi dự án cũng đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, dự án vẫn tồn tại một số khiếm khuyết như tiến độ dự án chậm, một số hạng mục đầu tư nhỏ chưa phát huy hiệu quả.

Có thể thấy, trong quá trình hợp tác với JICA 4 năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã phát triển hệ thống đánh giá, năng lực thể chế và nguồn nhân lực cho công tác đánh giá các dự án đầu tư công bao gồm cả các dự án ODA. Thông tư 22/2010/TT-BKH quy định về hạn mức chi phí cho hoạt động theo dõi và đánh giá của các dự án đầu tư sẽ đảm bảo cung cấp ngân sách cần thiết để thực hiện đánh giá; Thông tư 23/2010/TT-BKH về yêu cầu năng lực đối với các tổ chức và cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá đối với các dự án đầu tư, có hiệu lực từ tháng 9 này sẽ tạo cơ sở cho các chuyên gia đánh giá đủ năng lực của Việt Nam được chứng nhận bởi một tổ chức do Bộ KH-ĐT chỉ định.

Hiệp hội đánh giá đầu tư Việt Nam (VIEA) hy vọng sẽ được chính thức thành lập sớm. Với những thay đổi này, một sự phát triển mới trong đánh giá tại Việt Nam sẽ diễn ra trong thời gian tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với JICA hy vọng rằng hoạt động đánh giá sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

L.H