Rùa Hồ Gươm trở lại môi trường tự nhiên an toàn
Xã hội - Ngày đăng : 06:54, 14/07/2011
Theo ông Lê Xuân Rao, việc thả rùa diễn ra nhanh, gọn là để rùa tránh bị sốc. Trước khi đưa rùa trở lại hồ, chúng tôi cùng các chuyên gia có nhiều lần thăm khám trực tiếp sức khỏe của rùa. Sau hơn 3 tháng chữa trị, rùa đã bơi khỏe hơn trước và có thể tự bắt được cá trong bể dưỡng thương. Màu da của rùa cũng sáng, đẹp trở lại. Vết lõm trên mai rùa đã phẳng. Thương tích trên mai, tứ chi đã lành, không có dấu hiệu tái phát tình trạng nấm mốc. Các chỉ số môi trường sau một thời gian được cải tạo, mức ô nhiễm trong hồ không trầm trọng như trước, bảo đảm cho rùa có thể sống khỏe mạnh, không tái nhiễm bệnh. Trước những điều kiện đó, TP đã cho phép đưa rùa trở lại hồ.
- Sau khi đưa rùa trở lại môi trường tự nhiên, TP sẽ triển khai những công việc gì để bảo vệ sức khỏe cho rùa và giữ cảnh quan đẹp của Hồ Gươm?
- Trước mắt, công việc theo dõi rùa vẫn được thực hiện hằng ngày. Ngoài những phần việc đã làm gần đây như: nạo vét quanh hồ, thả bè thủy sinh, bổ cập nước, thả thêm cá vào hồ..., thời gian tới TP sẽ cho triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khác. Đó là: chọn lựa một đơn vị có năng lực để xử lý ô nhiễm hồ bằng phương pháp vi sinh không độc hại; tiếp tục cho nạo vét lòng hồ bằng công nghệ hút bùn ngầm của Cộng hòa Liên bang Đức. Về lâu dài, sẽ cho bổ cập nước thường xuyên, không chờ mùa cạn mới tiến hành. TP cũng sẽ cho cải tạo lại cống ngầm ở phố Hàng Khay, sao cho có thể tiêu thoát được tầng nước đáy bị ô nhiễm nặng chứ không phải là tầng nước mặt như hiện nay. Việc quan trắc môi trường hồ cũng sẽ được làm thường xuyên hơn. Công tác quản lý an ninh trật tự quanh hồ được siết chặt, đặc biệt là tình trạng câu cá trái phép sẽ bị xử lý nghiêm.
- Trước khi đưa rùa trở lại hồ, nhiều ý kiến cho rằng nên gắn chíp theo dõi, nhưng sau đó kế hoạch này không được thực hiện. Ông có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này được không?
- Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều nhà khoa học, TP không chọn giải pháp gắn chíp theo dõi rùa vì những lý do sau: Thứ nhất, nếu để xác định vị trí cá thể và hỗ trợ công tác bắt rùa lại phục vụ chữa trị hoặc kiểm tra sau này (nếu cần) thì có thể dẫn dắt và cách ly theo phương pháp đã làm. Thứ hai, để gắn thiết bị theo dõi, cần khoan vào phần sụn phía cuối mai rùa hoặc buộc đai. Đây là hai việc không được phép hoặc có thể làm rùa bị mắc kẹt hoặc chết đuối do khi đai bị vướng vào các rễ cây quanh hồ.
- Công việc chữa trị, dưỡng thương cho rùa Hồ Gươm đã hoàn tất với kết quả tốt, đạt yêu cầu đề ra. Theo ông, có được thành công này là do đâu?
- Phải khẳng định rằng, trong việc bảo vệ loài vật quý hiếm này, lãnh đạo TP Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo sát sao. Nói như GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam thì sự vào cuộc của Hà Nội trong xử lý vấn đề rùa Hồ Gươm đã ở mức nỗ lực cao nhất. Trước khi đưa rùa Hồ Gươm vào khu vực chữa bệnh, dưỡng thương (chiều ngày 3-4-2011), Chủ tịch UBND TP đã lập Ban Chỉ đạo bảo vệ rùa Hồ Gươm do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi trực tiếp làm Trưởng ban, ngoài ra còn có sự tham gia của các sở, ban, ngành chức năng và các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực. Tiếp đến, những hội thảo được mở ra nhằm tìm giải pháp tối ưu nhất trong việc chữa bệnh cũng như bảo vệ rùa. Mỗi phương án đều có sự tính toán kỹ lưỡng, trên cơ sở khoa học để bảo đảm hài hòa các mục đích trong chữa trị, chăm sóc và bảo vệ rùa Hồ Gươm cả trước mắt và lâu dài. Những ý kiến của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đều được TP tiếp thu và sàng lọc để lựa chọn cách làm hiệu quả nhất. Việc sớm đưa rùa trở lại môi trường hồ cho thấy quan điểm và phương pháp tiếp cận vấn đề của lãnh đạo TP là đúng đắn.
Mặt khác, việc chữa trị, chăm sóc rùa Hồ Gươm thời gian qua còn nhận được sự tham gia hỗ trợ tích cực từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia của Viện KHCN Việt Nam, Viện Nghiên cứu Thủy sản I, ĐH Nông nghiệp Hà Nội... cùng những người tâm huyết với công việc chung của TP. Nhiều loại thuốc thú y tốt, thiết bị hiện đại cũng đã được huy động vào đây. Đặc biệt, việc cải tạo môi trường hồ, chữa trị cho rùa còn được sự ủng hộ kinh phí khoảng 10 tỷ đồng từ một số doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!