Phát triển nguồn lực trí tuệ

Chính trị - Ngày đăng : 06:43, 14/07/2011

(HNM) - Xác định con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của phát triển, văn kiện Đại hội XI của Đảng khẳng định: Đào tạo, bồi dưỡng, phát huy mọi tiềm năng và sức sáng tạo của đội ngũ trí thức để tạo nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho đất nước.


Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao; tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo; coi trọng vai trò tư vấn, phản biện của các cơ quan khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng, Nhà nước. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam, phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước, nhất thiết phải xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Quan điểm đào tạo đội ngũ trí thức Việt Nam


Xây dựng đội ngũ trí thức có chất lượng cao để tạo nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho đất nước. Ảnh: Chí Lâm


Thứ nhất, đây là đòi hỏi khách quan và cấp bách. Sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đòi hỏi nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Phát huy hơn nữa vai trò của nguồn lực con người, trong đó có đội ngũ trí thức là nhiệm vụ không thể thiếu đối với sự nghiệp chấn hưng đất nước hiện nay.

Thứ hai, đào tạo đội ngũ trí thức đủ về số lượng, mạnh về chất lượng và hợp lý về cơ cấu để khắc phục tình trạng đội ngũ trí thức Việt Nam “đông nhưng không mạnh” vì vừa thừa, vừa thiếu, chất lượng chưa cao, cơ cấu còn bất hợp lý. Chẳng hạn, điều chỉnh cơ cấu lao động; chú ý đến việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, bổ sung vào bộ phận chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành…

Thứ ba, nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức cần kết hợp giữa nội lực và ngoại lực của đội ngũ này. Nội lực là toàn bộ những yếu tố thuộc từng cá nhân cũng như toàn bộ đội ngũ tạo nên sức mạnh bên trong, bao gồm: số lượng, cơ cấu, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực sáng tạo… Ngoại lực là toàn bộ các yếu tố thuộc môi trường bên ngoài đội ngũ nhưng có tác động trực tiếp đến hoạt động của đội ngũ, bao gồm điều kiện kinh tế - xã hội, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, hệ thống động lực, môi trường làm việc, bố trí sử dụng, đào tạo, đãi ngộ, khen thưởng và tôn vinh.

Thứ tư, đội ngũ trí thức là bộ phận nhân lực có trình độ cao của nguồn lực con người ở nước ta hiện nay. Quan điểm phát huy nguồn lực con người để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức là: Giải quyết việc làm, tổ chức lao động hợp lý, tạo động lực kích thích tính tích cực và tiềm năng sáng tạo của đội ngũ lao động đặc biệt này.

Thứ năm, đào tạo đội ngũ trí thức phải gắn với nhiệm vụ chính trị chung của đất nước. Hướng vào việc nghiên cứu, giải đáp những vấn đề đặt ra hiện nay như: Thực chất của định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường; mô hình các bước đi của CNH, HĐH rút ngắn; những vấn đề về dân tộc, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, xã hội của đất nước; những vấn đề về quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự trên thế giới…

Một số giải pháp chính

Giải pháp về nhận thức: Tập trung vào các đối tượng chủ yếu là quần chúng nhân dân, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, bản thân đội ngũ trí thức và từng cá nhân trong đội ngũ đó.

Giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng: Cần thực hiện đồng bộ việc nâng cao chất lượng nguồn đào tạo; đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo; điều chỉnh cơ cấu đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước; đa dạng hóa các hình thức, chuyên ngành đào tạo, cải tiến cách dạy và cách học cho phù hợp và theo hướng hội nhập.

Giải pháp tạo động lực: Lương, phụ cấp, các thu nhập khác (nhuận bút, thù lao nghiên cứu khoa học, thù lao giảng dạy…); quan trọng hơn là đổi mới chính sách đãi ngộ, khen thưởng, trọng dụng và tôn vinh đội ngũ trí thức tương xứng với những cống hiến của họ.

Giải pháp tạo môi trường lao động: Cơ sở vật chất, phương tiện, hệ thống thông tin, thư viện của đơn vị công tác ngày càng hiện đại; bầu không khí dân chủ và tự do tư tưởng; công bằng trong giao nhiệm vụ, đánh giá, đãi ngộ, khen thưởng và tôn vinh xứng đáng với kết quả lao động; sự nhận thức, quan tâm của các cấp, ngành, của toàn xã hội và mối đoàn kết, hợp tác giữa các đồng nghiệp trong cơ quan, đơn vị của đội ngũ trí thức.

Giải pháp tăng cường hợp tác: Các hình thức hợp tác gồm hợp tác giữa các chuyên ngành, các lĩnh vực (khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên và công nghệ…); hợp tác giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, giữa công tác nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo.

Giải pháp về sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng được coi là vấn đề cơ bản, cấp bách và lâu dài, nhằm bảo đảm tính định hướng XHCN trong hoạt động khoa học của đội ngũ trí thức. Hiện nay, nguồn đào tạo trí thức rất đa dạng. Mọi người có thể tiếp cận nhiều luồng thông tin khác nhau. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường tuyên truyền những luận điệu sai trái với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt. Những yếu tố đó có thể dẫn đến sự phân tán trong tư tưởng, thậm chí mất phương hướng chính trị ở những người chưa đủ bản lĩnh chính trị và khoa học. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, cần tiếp tục duy trì sự định hướng đối với nhiệm vụ của đội ngũ trí thức; tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở địa phương; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý nhằm nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay. Đây là vấn đề cấp bách, cần đặt đúng vị trí, không thể chậm trễ.

TS. Hòa Bình (Viện Khoa học xã hội Việt Nam)