Để tránh sự khấp khểnh
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 14/07/2011
Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ và các tỉnh, thành phố diễn ra ngày 11-7 nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành TƯ Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong một số mục tiêu đưa ra có xác định: phấn đấu đến năm 2015 tỷ trọng nông nghiệp chiếm khoảng 17-18% GDP của cả nước. Như vậy có thể thấy, vào thời điểm hiện tại giá trị các sản phẩm nông nghiệp được tạo ra chưa tương xứng với dân số và lao động trong khu vực này.
Việt Nam là quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, chè... nằm trong tốp những nước xuất khẩu dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, đời sống của bà con nông dân - những người trực tiếp sản xuất ra những mặt hàng nông sản này và cả một số loại cây công nghiệp như cao su, bông... vẫn còn không ít khó khăn. Xu hướng ly hương để thoát nghèo luôn phát triển ở mọi vùng quê. Trong khi đó, có những quốc gia chỉ chuyên nhập khẩu hàng nông sản của ta rồi chế biến, xuất khẩu sang các nước khác, thu lại lợi nhuận khổng lồ và coi đây là một trong những mũi nhọn của nền kinh tế.
Năm 2011, Việt Nam đang hướng đến mốc xuất khẩu gạo đạt con số 7 triệu tấn, giữ vững ngôi vị số 2 thế giới và đe dọa vị trí quán quân của Thái Lan. Nhưng theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hiện mỗi năm chúng ta chỉ sản xuất được 3.500-4.000 tấn hạt giống lúa lai F1, đáp ứng khoảng 20%-25% nhu cầu trong nước. Số còn lại phải nhập của nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Tìm hiểu ra, 20 năm trước, việc nghiên cứu và phát triển lúa lai đã được ngành chức năng... quan tâm, nhưng vì nhiều lẽ mà đến giờ vẫn chưa thể theo kịp được sản xuất.
Không riêng nông nghiệp, các lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản cũng trong tình trạng tương tự.
Phải thừa nhận, những năm qua khu vực nông thôn đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Song điều đó vẫn chưa cân xứng với tiềm năng. Cũng đã có không ít cuộc họp để phân tích nguyên nhân và tìm ra giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Việc quan tâm đầu tư các dây chuyền chế biến để chuyển dần từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu tinh bắt đầu được coi trọng. Nhiều dự án đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp đã được triển khai. Khoa học công nghệ được đẩy mạnh ứng dụng trong sản xuất cùng những nghiên cứu chuyển đổi giống cây trồng thích hợp để phát huy lợi thế vùng, miền, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Vấn đề hiện đại hóa nông nghiệp được đặt ra theo từng lộ trình cụ thể...
Tuy nhiên các vấn đề trên cần hòa quyện với nhau trong một quy hoạch hoàn chỉnh để hạn chế tối đa sự khấp khểnh ảnh hưởng tới quá trình phát triển. Với Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chúng ta đã có chiến lược xương sống cho quá trình phát triển. Song để triển khai chiến lược này nhất thiết phải có một quy hoạch hoàn chỉnh, toàn diện để tránh sự tùy tiện, manh mún, chắp vá. Hoạch định được điều đó, bức tranh toàn cảnh khu vực nông thôn mới thực sự khởi sắc và hài hòa. Như vậy nông nghiệp mới có thể phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.