Động lực để tăng tốc
Xã hội - Ngày đăng : 07:18, 13/07/2011
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "tam nông" vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các địa phương phải triển khai khẩn trương, nhanh chóng đưa Nghị quyết 26 vào cuộc sống, thành phong trào cách mạng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là vấn đề chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Những tồn tại cần nhanh chóng khắc phục
Hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt
Theo Bộ NN&PTNT, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 về "tam nông", nông thôn nhiều địa phương đã khởi sắc, kinh tế nông nghiệp có những chuyển biến đáng kể. Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có chuyển biến tích cực, công nghiệp và dịch vụ chiếm xấp xỉ 60%. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 13,1% (năm 2008) xuống còn 9,45% (năm 2010); hộ nghèo ở nông thôn giảm từ 16,2% xuống còn 11,3%… Đến năm 2010, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện, 13/14 tiêu chí của Nghị quyết 26 đã cơ bản đạt được. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đang được triển khai sâu rộng tại các địa phương. Tính đến tháng 5-2011, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh. Trong năm 2011, Chính phủ đã bố trí 1.600 tỷ đồng từ ngân sách trung ương cho Chương trình NTM...
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, mục tiêu đến năm 2015, phải phục hồi tăng trưởng, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp trong tổng GDP cả nước 17-18%; hằng năm đào tạo 1 triệu lao động nông thôn; thu nhập nông thôn tăng 1,8-2 lần so với năm 2010; 20% số xã đạt chuẩn NTM. Để làm được điều đó, các cấp, ngành phải quán triệt và coi việc thực hiện Nghị quyết 26 là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là còn không ít cán bộ lãnh đạo các cấp chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế. Số đông cán bộ điều hành chưa nắm vững chính sách, nội dung của nghị quyết, mang nặng tư duy dự án trong triển khai xây dựng NTM, còn nặng tư tưởng trông chờ cấp trên. Đáng lưu ý là một số nhiệm vụ và giải pháp về điều chỉnh cơ chế chính sách đã được đưa ra trong Nghị quyết 26 cũng như chương trình hành động của Chính phủ nhưng các bộ, ngành triển khai còn chậm, chưa đúng tiến độ. Theo báo cáo tổng hợp của Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 6-2011, còn có 14/45 chương trình, đề án trong chương trình hành động của Chính phủ chưa được phê duyệt, chiếm 31%. Trong đó, hầu hết các đề án bổ sung, việc sửa đổi, ban hành mới các luật đều chậm so với yêu cầu… Đại diện các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Thái Bình, Hà Nội… kiến nghị các bộ, ngành sớm khắc phục tình trạng trên.
Hà Nội đi đầu trong xây dựng NTM
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26, sản xuất nông nghiệp Hà Nội đã có nhiều tiến bộ, cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp bình quân đạt mức 1,75%/năm, tổng sản phẩm lương thực đạt trên 1 triệu tấn/năm. Đời sống nông thôn được cải thiện, đến năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 13 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 1,5%. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, diện tích đất dành cho nông nghiệp đang dần thu hẹp, vấn đề "tam nông" hơn lúc nào hết được TP đặc biệt quan tâm. Tuy cơ cấu nông nghiệp của Hà Nội có những chuyển biến song sản xuất còn manh mún, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao. Đến cuối năm 2010, TP còn 67.624 hộ nghèo, chiếm 4,45%... Nhiều chuyên gia kinh tế các bộ, ngành nhận định, nông nghiệp Hà Nội còn tản mạn về quy hoạch, không định hướng sản phẩm chủ lực, thiếu giống chất lượng cao. Nông dân rất thiếu thông tin quy hoạch và dự báo thị trường nên khó thay đổi phương thức sản xuất.
Đối với chương trình xây dựng NTM, Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 có 40% xã đạt NTM. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, Hà Nội sẽ hoàn thành quy hoạch nông nghiệp, các quy hoạch chung và quy hoạch xây dựng NTM. Một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển nông nghiệp thời gian tới là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện chính sách đưa khoa học đến với nông dân. Hiện Hà Nội mới đáp ứng được 60% nông sản cho Thủ đô. Để bảo đảm an ninh lương thực, thành phố sẽ xây dựng trung tâm tiêu thụ hàng hóa nông sản, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm, thay thế nông sản nhập khẩu… Đánh giá về chiến lược phát triển "tam nông" của Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Thủ đô phấn đấu 40% số xã đạt NTM trong năm 2015 là chỉ tiêu cao, gấp đôi nhiều địa phương. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thành phố cần huy động các nguồn lực phấn đấu hoàn thiện mục tiêu, trên địa bàn nông thôn và đô thị phải phát triển hài hòa, kết nối được nông nghiệp và công nghiệp.
Để Nghị quyết 26 được hiện thực hóa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các địa phương phải triển khai mạnh mẽ cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM"; đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM". Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương cần huy động tổng lực nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhanh chóng cải thiện đời sống nông dân.